Khi còn ở Việt Nam tôi chả biết gì về Bolivia. Tôi quyết định đến đó chỉ vì nó nằm giữa Peru và Brazil, 2 điểm khá quan trọng trong hành trình của mình. Và vì tôi đã ở đó rồi, không có tiền đi máy bay mà nước này thì ”Visa on arrival” (visa được cấp ngay tại biên giới vào đất nước hoặc sân bay đến), nên tôi băng qua nó cho biết, và để vào Brazil. Nhưng trên đường đi tôi gặp một vài người bạn đồng hành, ai cũng nói Bolivia rất đẹp. Họ kể tôi nghe về hồ Titicaca, về sa mạc muối, về thành phố trắng Sucre, về văn hóa độc đáo và những món ăn nhiều gia vị. Vốn mê đồ cay và ham chơi, tôi quyết định ở lại đó tận một tháng. Một quyết định tuyệt vời.
Hồ Titicaca
Choáng váng ở hồ Titicaca và Đảo Isla del Sol
Xe bus từ Peru chạy vào Copacabana, một thị trấn nhỏ xíu ở sát biên giới của Peru và Bolivia. Với độ cao 3800m, Copacabana làm tôi choáng váng đầu óc dù tôi đã rất tự tin với khả năng thích nghi với độ cao của mình. Nhưng ở đây có một loại lá tên là lá coca, được bán khắp nơi và rất rẻ nên ai cũng có thể mua được dễ dàng. Về sau tôi mới biết đây là loại lá được dùng để làm nước Coca Cola, và choáng hơn, nó còn được dùng để làm cocain. Thế nhưng ở đây nó lại hợp pháp khi chưa qua bài chế. Tôi mua một nắm, ngậm chừng chục phút là cơn đau đầu tan biến. Thỉnh thoảng tôi dùng để pha trà uống cũng rất ngon. Sau khi tìm được phòng trọ tôi đi loanh quanh để thám hiểm thị trấn có đường kính 2km này. Phụ nữ ở đây mặc trang phục rất truyền thống, váy phồng nhiều lớp và áo poncho phủ ngoài, tóc đánh tết dài 2 bên và đầu đội mũ cao nhìn ngồ ngộ. Váy này có phần đệm phồng bên trong làm cho hông của họ nhìn rất lớn và vì cái váy nào cũng có độ phồng như nhau, nên nếu nhìn từ phía sau bạn sẽ không tìm ra người quen của mình, nhìn họ rất giống nhau!
Tôi leo lên trên đồi nhìn xuống, nhìn Copacabana nhỏ xíu nằm bên hồ Titicaca mênh mông nhìn ngút mắt không thấy bờ bên kia. Nếu không phải vì độ cao 3800m tôi đã tưởng đây là một đại dương nào đó chứ không chỉ là một cái hồ. Titicaca là hồ cao nhất có thể lưu thông được, tức là con người có thể đi thuyền trên hồ. Tôi nhảy lên thuyền đi thăm hòn đảo Isla del Sol – đảo mặt trời – hòn đảo không thể bỏ qua một khi đã đặt chân đến Titicaca.
Tuy là hồ nhưng Titicaca nhìn không khác gì một bãi biển nổi tiếng
Đảo Isla del Sol thoạt nhìn rất khô khốc do nhiều đá, ít nhà, ít cây, không có cả bóng râm, nhưng do vậy mà nó ngập tràn ánh nắng. Ở nơi lạnh giá này thì nắng là điều mà mỗi sáng thức dậy tôi đều trông ngóng, nên với tôi nơi đây quả là thiên đường. Tôi theo anh hướng dẫn viên người bản địa, đi xem những tàn tích của người Inca nơi đã từng có những lễ tế thần và mỏm đá thiêng có hình con báo núi của họ. Khi đi đến cuối mút đảo có một mê cung đá, tôi đi lần mò vào và rồi điếng người khi tìm thấy một bãi tắm xanh ngắt miên man ở đầu ra. Do là hồ nên chỉ có sóng lăn tăn, nước thì rất lạnh không bơi được, nhưng đây là ”bãi biển” đẹp nhất tôi từng đặt chân đến, tiếc là tôi phải chạy về cho kịp giờ tàu rời bến, nhưng nếu bạn đến nơi đây thì nên ngủ lại một đêm, để có thời gian ngồi xuống nhìn bầu trời xanh đậm trong nắng nhạt, nghe tiếng nước dịu dàng vỗ rì rào vào bờ cát, đón những cơn gió hồ thơm như gió đại dương, và thử thưởng thức món cá hồi nước ngọt tươi rói tự nhiên vừa được bắt từ hồ.
Một nền văn hóa rực rỡ màu sắc
Bolivia tuy là một nước nhỏ nhưng lại có nền văn hóa vô cùng phong phú. Ở Copacabana phần lớn là người dân tộc thiểu số Uru, phụ nữ mặc trang phục truyền thống, địu con ở lưng. Con người ở đây họ rất thật lòng, nghĩ gì nói đó. Khi tiếp xúc với họ tôi cảm thấy những giả tạo của thế giới văn minh không tồn tại. Mặc dù họ sống dựa vào du lịch rất nhiều nhưng nếu bạn làm họ khó chịu, họ sẵn sàng đuổi bạn đi không thương tiếc hoặc cười vào mặt bạn khi bạn trả giá quá lố. Họ không có kiểu giả tạo tươi cười hay nịnh bợ để bạn mua hàng, cũng không nói thách. Nhiều khi tôi cảm thấy họ hơi thô một chút, nhưng đó là một sự nguyên bản rất dễ thương.
Một nhóm người Uru, tộc người bản địa ở Bolivia
Ở La Paz thì lại là sự kết hợp giữa đô thị và bản địa. Những người mặc đồ tây, váy jupe đi trên đường bên những người mang váy hoa văn dân tộc, giữa những nhà thờ có kiến trúc thuộc địa lẫn các tòa cao tầng tường kính. Có lẽ bởi vậy mà tôi vẫn thấy La Paz thú vị dù những con phố rất dốc và hẹp thi thoảng tạo nên sự ngột ngạt. Cuộc sống ở La Paz khá hối hả chứ không êm đềm trầm mặc như Sucre – thành phố trắng. Nhà ở màu trắng, nhà hàng màu trắng, nhà thờ cũng màu trắng. Đi dọc trên con phố trắng phau sạch sẽ và yên ắng làm tôi có cảm giác Sucre là một thành phố ngọt ngào và thơm tho. Ở góc chợ có bán những que kem ngon tuyệt với giá bằng 6000 đồng tiền Việt mà ngày nào tôi cũng ăn.
Một phụ nữ vùng cao
Chợ này là chợ trung tâm của Sucre, khi leo lên lầu 2 tôi phát hiện ra cả một khu ăn uống cực ngon và rẻ, một phần ăn trung bình chỉ chừng 30 ngàn đến 50 ngàn đồng. Đồ ăn của họ cũng nhiều gia vị như đồ Việt nên tôi rất hợp. Ngày nào tôi cũng tới đây để khám phá hết các món ăn truyền thống của Bolivia. Ở Sucre rất ít khách du lịch nên mọi thứ mang đậm chất địa phương. Theo tôi đây là địa điểm mà tôi có trải nghiệm đúng chất Bolivia nhất. Khi tới đây tôi còn phát hiện ra hóa ra Sucre mới là thủ đô chính thức, chứ không phải là La Paz như mọi người vẫn nghĩ.
Thành phố Sucre với những con phố trắng phau
Santa Cruz, thành phố phát triển nhất Bolivia, thì lại rất khác biệt. Người ở đây da trắng hơn, tóc vàng hơn, nhìn “Tây” hơn vì thành phố này nằm gần Brazil nên bắt đầu xuất hiện sự giao thoa diện mạo và văn hóa. Ở đây tôi mới bắt đầu thấy những chiếc xe đẹp, những căn nhà to và cuộc sống mang hơi thở đô thị. Thật ra Santa Cruz không phát triển bằng Sài Gòn, nhưng có một điều tôi rất thích là họ trồng rất nhiều cây. Có những cây hoa rực một màu rất đẹp nở theo mùa. Vào mùa tôi ở đó là mùa của hoa vàng, một màu vàng ruộm rực rỡ khắp những con phố. Tôi may mắn tới đúng lúc có buổi mini carnaval, xem họ dự thi nhảy trong trang phục dân tộc, rất thú vị. Santa Cruz là thành phố công nghiệp, là trung tâm phát triển kinh tế của cả nước, nên không được thiết kế cho khách du lịch. Tuy vậy vì những thành phố khác của Bolivia rất nghèo nên tôi vẫn thích thời gian ở đây vì nếu không nhìn thấy Santa Cruz thì sẽ không có cái nhìn hoàn thiện về Bolivia.
Lễ hội truyền thống của Bolivia
Sa mạc muối Uyuni: nơi ngắm hoàng hôn từ… 4 hướng
Tôi rất ganh tị với nước Bolivia vì họ được sở hữu Uyuni – Sa mạc muối lớn nhất thế giới. Với diện tích hơn 10 ngàn km2 (tức là nếu sa mạc này có hình vuông thì mỗi chiều sẽ có độ dài 100km), tôi thấy mình như con kiến, bò mãi không hết được mâm muối to khổng lồ. Để khám phá hết nơi này bạn sẽ phải đi xe jeep mất mấy ngày, đêm ngủ trong khách sạn xinh xinh xây hoàn toàn bằng muối, và bạn không thể không mang theo máy ảnh vì nơi đây là nguồn cảm hứng bất tận cho chuyện chụp hình, quay phim. Vừa bước ra khỏi xe, nắng phản chiếu từ nền muối trắng xóa đập cái ập vào mắt tôi chói lóa, tôi đeo liền kính mát và há hốc mồm chạy lăng quăng khắp nơi, liếm thử xem có thật là muối không mà mênh mông quá, nhìn tứ phía toàn muối và muối, cả một đại dương muối chạy tới tận chân trời.
Sa mạc muối mênh mông
Mỗi điểm tham quan cách nhau cả tiếng chạy xe, dù nhìn ra cửa kính lúc nào cũng chỉ thấy một cảnh trắng xóa, nhưng cảm giác choáng ngợp trước sự vĩ đại của thiên nhiên giữ cảm giác kinh ngạc của tôi luôn ở mức cao chất ngất. Anh hướng dẫn viên giúp chúng tôi chụp những tấm ảnh rất ngộ mà tôi rất tự hào được sở hữu.
Uyuni là một địa điểm cho các tay nhiếp ảnh tha hồ sáng tạo
Chiều lại, xe chạy đến khu ngập nước. Mặt nước phẳng như gương, chúng tôi đeo ủng vào lội bì bõm. Trời bắt đầu lạnh và nước thì rất cóng, nhưng tôi bận chứng kiến cái hoàng hôn mà có lẽ là đẹp nhất trên hành tinh này. Khi ngắm hoàng hôn thì bạn làm gì? Bạn sẽ quay mặt lại phía Tây để nhìn mặt trời đúng không? Khi ở Uyuni, hoàng hôn sẽ vây quanh bạn, dù xoay hướng nào, Đông Tây Nam Bắc, cũng thấy mây đỏ ửng và được phản ngược một lần nữa trên mặt nước.
Hoàng hôn 360 độ ngợp người.
Phải đứng ở đây tôi mới cảm thấy được Mẹ Trái Đất diệu kì và hùng vĩ đến nhường nào. Khi rời đi tôi rất muốn gỡ một tảng muối mang theo, nhưng tôi phải giữ lời hứa với lòng mình là khi đi du lịch sẽ không bao giờ mang về những sản phẩm của thiên nhiên, nên tôi chỉ mang về kí ức và niềm hãnh diện vì từng được hiện diện ở nơi này.
Processed with VSCO
Khi đi du lịch tôi có 4 tiêu chí chính là phong cảnh, văn hóa, ẩm thực và chi phí. Bolivia là điểm đến trọn vẹn nhất, đáp ứng được hết những yêu cầu này. Phong cảnh thiên nhiên mang tầm đẳng cấp thế giới, văn hóa phong phú đa dạng, thức ăn phù hợp với khẩu vị người Việt và giá cả tương tự như ở Việt Nam, có khi còn rẻ hơn. Tôi cũng thích những vùng đất chưa phát triển về mặt du lịch vì khi đó mọi thứ mình chứng kiến đều rất nguyên bản, vậy nên bạn hãy đi ngay để khám phú vùng đất ít ai biết tới nhưng lại chứa đầy những bất ngờ này!
– Bolivia chưa phát triển mấy về du lịch nên mọi dịch vụ đều sử dụng tiếng Tây Ban Nha. Bạn có thể download phần mềm dịch để sẵn trong điện thoại.
– Khi mua tour du lịch ở Uyuni, nhớ mua ở nơi có chuẩn bị sẵn ủng đi nước cho khách vì đoàn đó chắc chắn sẽ đi đến khu ngập nước, nơi bạn sẽ có những tấm ảnh đẹp tuyệt vời.
– Uyuni đẹp nhất là vào tháng 2 và tháng 3. Lúc này là cuối hè ở Bolivia.
– Các nước khác không hay mua lại tiền tệ của Bolivia nên hãy đổi hết tiền khi còn ở trong nước này, nếu bạn mang sang nước khác sẽ cực kì khó bán lại.
– Các món ăn ngon nên thử: bánh salteña, bánh masaco, soup fricase, picante de pollo, mondongo.
Bài và ảnh: Hoàng Thị Ngọc Bích