Thời trang & Nữ quyền – Có xung khắc hay không?

Khi nói về nữ quyền và thời trang, người ta vẫn thường nói làm cách nào để phái nữ tự do thể hiện cái tôi và giải phóng mình khỏi những định kiến bấy lâu. Tuy nhiên ít ai đề cập đến mối quan hệ phức tạp giữa tư tưởng nữ quyền và ngành công nghiệp siêu lợi nhuận này.

Một chiếc váy sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không đủ sức mạnh khiến đàn ông muốn cởi phăng nó ra khỏi người bạn,” phát ngôn nổi tiếng của biên kịch người Pháp Françoise Sagan hiện diện như lời nhắc nhở rằng: Dường như chẳng có mối liên hệ nào hết giữa ngành công nghiệp thời trang và nữ quyền!

NTK Bouchra Jarrar được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sáng tạo của Lanvin

Dường như ngành công nghiệp thời trang mang danh làm đẹp cho phụ nữ, song thực chất vẫn nhằm thỏa mãn ánh nhìn của đàn ông. Do đó sẽ chẳng mấy bất ngờ khi đa phần những kẻ thống trị ngành công nghiệp khổng lồ này lại là nam giới.Từ giám đốc kinh doanh, giám đốc sáng tạo của những nhà mốt danh giá nhất thế giới, cho đến các nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ trang điểm và chuyên viên casting người mẫu – những vị trí quyền lực nhất hầu hết đều do các nhân tố mang nhiễm sắc thể XY đảm nhiệm.

Dù một bộ phận không nhỏ trong số họ là người đồng tính nam – vốn luôn được cho là hiểu phụ nữ còn hơn cả phụ nữ – nhưng đặc điểm nổi bật này của ngành công nghiệp thời trang vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ lên vấn đề nữ quyền hiện đại.

Liệu thời trang và nữ quyền có thật sự xung khắc hay không? Điều này trở thành một câu hỏi mà chưa ai có thể tìm ra lời giải đáp.

Hình ảnh người phụ nữ hoàn hảo, cao, gầy và thời thượng trong giấc mơ của những người đàn ông làm việc trong ngành thời trang đã vô tình tạo nên “nhà tù” tâm lý cho phái nữ, buộc họ phải chạy theo những tiêu chuẩn đôi lúc phi lý đến vô cùng ấy.

Không chỉ vậy, không ít nhân vật tên tuổi của giới thời trang vẫn có tư tưởng lệch lạc rằng phụ nữ phải phục tùng đàn ông. Những scandal lạm dụng tình dục, đổi tình lấy sự nghiệp, nhiều chiến dịch quảng cáo phản cảm và bôi nhọ hình ảnh nữ giới đã tạo nên tiếng xấu cho ngành công nghiệp với sứ mệnh phục vụ phái nữ này.

Vậy, làm sao để nữ quyền và thời trang có thể chung sống?

NTK Maria Grazia Chiuri (phải) là Giám đốc Sáng tạo nữ đầu tiên của nhà mốt Christian Dior

Ngành công nghiệp thời trang có thể đối nghịch với các tư tưởng nữ quyền, song tinh thần và phong cách của thời trang thì không. Thời trang trở thành công cụ để phụ nữ thể hiện quyền bình đẳng và cái tôi của mình. Họ có thể mặc đẹp vì nam giới hay vì chính mình, miễn rằng họ cảm thấy hạnh phúc với điều đó.

Dù có vẻ như những “ông trùm” thời trang là người nắm quyền quyết định phụ nữ mặc gì, song phái nữ lại hoàn toàn có khả năng thay đổi điều đấy. Sẽ không thể có bộ suit Le Smoking – biểu tượng nữ quyền của thập niên 60 – nếu không có Yves Saint Laurent. Nhưng thiết kế đầy tính biểu tượng này cũng chẳng thể được phôi thai nếu Saint Laurent không được truyền cảm hứng bởi hình ảnh cá tính của Betty Catroux.

Phụ nữ đã, đang và sẽ luôn là nhân tố mạnh mẽ tạo nên thay đổi.

Họ có thể đấu tranh tẩy chay một công ty khi có chiến dịch quảng cáo không phù hợp, truyền bá tư tưởng lạc hậu, hay đối đãi không tốt với các lao động nữ. Còn gì tốt hơn khi phụ nữ nhận ra sức mạnh của mình và hành động nhằm xóa đi những tiêu cực của ngành công nghiệp vốn được sinh ra để phục vụ cho chính họ?

NTK Sarah Burton đã rất thành công trong việc lèo lái thương hiệu Alexander McQueen

Nhiều năm trở lại đây, ngành công nghiệp thời trang ghi nhận những “đầu tàu” phụ nữ.

Có thể kể đến hai trong số những nhà mốt quan trọng nhất của tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH, trong năm 2016, đã bổ nhiệm hai phụ nữ ở vị trí giám đốc sáng tạo: Maria Chiuri tại Dior và Bouchra Jarrar tại Lanvin. Nhà thiết kế Sarah Burton cũng đảm nhiệm vị trí giám đốc sáng tạo của Alexander McQueen một cách tuyệt vời suốt 6 năm qua. Bà đã tạo nên những bộ sưu tập theo đúng tinh thần của nhà mốt, mềm mại và nữ tính, phù hợp với những gì phụ nữ thực sự mong muốn.

Không chỉ ở mảng thiết kế, phái nữ cũng dần khẳng định mình ở các vị trí nhiếp ảnh gia, chuyên viên trang điểm, biên tập viên,… Họ chính là niềm hi vọng đưa ngành công nghiệp thời trang bước vào con đường hòa hợp và tôn vinh những giá trị nữ quyền hơn so với bức tranh hiện tại.

Thực hiện: Trí Võ

logo

 


From the same category