Điều gì là vĩnh cửu trong “Vĩnh cửu”?

1. Hạnh phúc và mất mát, tình yêu và nỗi đau là thứ lặp lại như sự quy hồi, ở nhiều cuộc đời, cho dù, mỗi người mang một khuôn mặt số phận khác nhau.

Bộ phim của Trần Anh HùngEternité” (tựa Việt: Vĩnh cửu) cho chúng ta một cảm giác như thế. Nên Valentine vừa mới tròn đôi mươi kết hôn với Jules, người đàn ông cô yêu rồi sau đó chỉ sống bên nhau hơn 10 năm. Nhiều năm sau, Gabrielle cũng mất Charles (người đàn ông cô chưa hề yêu đã cưới, nhưng sau đó gắn bó không rời) khi cả hai còn rất trẻ. Cũng vậy, Gabrielle phải rời xa đứa con trai vì căn bệnh đúng như nhiều năm trước Valentine vì nó không giữ được người con gái của bà. Ba người phụ nữ, sống trải dài qua hai thế kỷ có số phận khác nhau, nhưng hạnh phúc và nỗi đau họ mang theo hành trình ấy lặp lại trong một vòng quay không nhiều khác biệt.


2. “Eternité” không phải là một bộ phim, nó là một lát cắt của đời sống, được Trần Anh Hùng kể lại trong một cuốn album nhiều trang tuyệt đẹp. Trong đó có những quãng đời con người quên lưu lại những bức hình của chính mình, có những quãng họ cặm cụi ghi dấu, bất kể đó là khi họ khóc vì đau khổ, hay lúc họ cười vì hạnh phúc. Đơn giản đó là những phút giây họ không muốn quên, là ký ức người này viết trong người kia, qua thời gian, nó là thứ còn lại.

3.  Trong “Eternité”, hình ảnh lặp lại nhiều hơn cả là về những đứa trẻ ra đời, những đám tang lặng lẽ. Sinh – Tử, ấu thơ và trưởng thành đều là những điều Trần Anh Hùng khiến ta cảm giác, nó đi bên rìa những cột mộc thời gian. Khán giả trong rạp chiếu thỉnh thoảng ồ lên khi một người phụ nữ lại sinh con. Sự sinh nở hiện thân như thứ hạnh phúc viên mãn nhất của người nữ. Nhưng cũng trong “Eternité”,  khán giả lại thấy nhiều nhất những hình ảnh bình dị của cuộc sống: là nụ hôn mẹ dành cho con trong buổi sáng, là vòng ôm của mẹ với con trai trong ánh chiều, là hình ảnh những cô gái đi lấy trứng trong vườn, là những va chạm đầy xúc cảm của những mối giao hoan vợ chồng, là nước mắt, là những bữa ăn… Tất cả diễn ra dưới máy quay, không phô trương nhưng đẹp tuyệt mĩ.

4.  Trần Anh Hùng không dựng một bộ phim có câu chuyện kể, nó chỉ còn câu chuyện của cảm giác, mà mỗi người, bằng trải nghiệm xúc cảm, lại nhận về những điều khác nhau. 

Trần Nữ Yên Khê, Giám đốc mỹ thuật, đồng thời là bạn đời của anh đã chia sẻ rằng: “Anh Hùng chỉ muốn mở cửa và mời mọi người vào trong tâm hồn của anh”. Và cũng chính Trần Anh Hùng chia sẻ tại buổi ra mắt bộ phim ở Hà Nội rằng, mọi bộ phim anh làm vì chính anh thấy cần thiết phải làm ra nó, cho riêng mình. Vì vậy, xem “Vĩnh cửu” cũng như bất cứ phim nào của Trần Anh Hùng, khán giả cần sự thả lỏng hết mức về cảm xúc, để có thể chạm vào thế giới của anh. Và như Yên Khê – vợ anh chia sẻ, “hãy mở lòng và tự do cảm nhận” khi đến với Vĩnh cửu. 

Có thể nói, “Đẹp” là sự “vĩnh cửu” mà khán giả tìm thấy trong phim Trần Anh Hùng. Đó là cái đẹp của cảm xúc, hiển hiện trong từng khuôn hình, từng đồ vật, từng sắc màu anh chọn cho mỗi cảnh phim lướt qua màn hình. 

Còn riêng anh, với “Eternité” đã lý giải về sự vĩnh cửu trong nhiều khoảnh khắc. Là khi một đứa trẻ được sinh ra, là phút giây người thân của họ lìa xa cõi đời, là những ký ức của người ra đi trong trái tim người ở lại, là những nỗi đau không gì xoa dịu, là tình yêu tìm thấy từ một mối quan hệ tưởng như không có tia hi vọng.

Cuối thế kỷ thứ 19, Valentine vừa mới tròn đôi mươi kết hôn với Jules khi tuổi đời còn rất trẻ. 100 năm sau, cô cháu gái của bà đến từ Paris bách bộ trên một cây cầu nhỏ và kết thúc cuộc dạo bước định mệnh đó của mình bằng đám cưới với chàng trai mà cô phải lòng. Đan xen giữa hai thế kỷ đó là những biến động về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử… của ba người phụ nữ trong thời chiến, vượt qua nghịch cảnh và quả cảm đối mặt với những sóng gió của cuộc đời. Bộ phim quy tụ những minh tinh và tài tử số một của điện ảnh Pháp như Audrey Tautou, Mélanie Laurent, Bérénice Béjo, Jérémie Renier, và Pierre Deladonchamps.

Bộ phim chính thức ra mắt khán giả Việt Nam từ 09/09/2016 tại một số cụm rạp.

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Green Media cung cấp


logo


From the same category