– Chào ông, những hình ảnh về gia đình của ông và ngài Đại sứ Mỹ Ted Osius đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam. Sau 2 năm đến đây cuộc sống của ông thay đổi như thế nào?
– Tôi đã rất cảm kích khi nhận được sự tiếp đón nồng hậu từ chính phủ và nhân dân Việt Nam. Với Ted, được đến Việt Nam làm việc là ước mơ của anh ấy, và tôi cũng hạnh phúc vì điều đó. Các bạn thấy đấy, sau 2 năm ở đây, chúng tôi đã là một gia đình với 4 thành viên rồi.
– Trước khi đến đây ông có lo ngại Việt Nam là một nước Châu Á nên chưa có cái nhìn cởi mở với những người đồng tính hay không?
– Tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi đến Việt Nam vào thời điểm mà chính phủ các bạn đã và đang có những bước đi tích cực để tạo ra sự bình đẳng cho những người có giới tính khác biệt, từ một đất nước cấm hôn nhân đồng giới, giờ đây Việt Nam đã mở rộng hơn cánh cửa của mình và có cái nhìn ngày một tích cực hơn đối với cộng đồng LGBTI (cộng đồng những người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính – PV). Đây không chỉ là nỗ lực của chính phủ mà của cả người dân trong việc chấm dứt sự phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục của mỗi cá nhân.
Trước đó, năm 1997, khi kết thúc nhiệm kỳ công tác đầu tiên của mình tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh, Ted đã luôn mơ ước được quay trở lại làm việc tại Việt Nam. Bây giờ, khi tôi chứng kiến người bạn đời của mình được sống với giấc mơ của anh ấy, đó là một điều tuyệt vời, bởi hơn ai hết tôi muốn Ted được hạnh phúc. Những đứa trẻ của chúng tôi đang lớn lên ở đây. Tôi thấy mình thật may mắn khi có cơ hội đến Việt Nam, được hiểu thêm về đất nước của các bạn, và đóng góp những gì mà tôi có thể.
– Định nghĩa của ông về gia đình là gì?
– Gia đình theo tôi là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Gia đình của chúng tôi có 2 người cha và 2 đứa trẻ. Có những gia đình có cả bố lẫn mẹ, có gia đình có 2 bà mẹ, hoặc chỉ có 1 trong 2 người. Có gia đình có 1 đứa trẻ, có nhà thì 10 đứa. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất đó là tình yêu giữa các thành viên trong gia đình. Chính yếu tố đó tạo nên hai chữ “gia đình”. Và tất nhiên có rất nhiều tình yêu trong gia đình của chúng tôi.
– Khi ông thừa nhận về giới tính thật của mình, gia đình ông đã phản ứng như thế nào?
– Có thời gian tôi từng e ngại về giới tính thật của mình, thậm chí tôi đã cầu nguyện để trở thành một người bình thường. Nhưng tôi đã nhận ra mình không thể hạnh phúc khi cố trở thành một người khác. Tôi quyết định nói thật với gia đình và bạn bè. Đó là một khoảng thời gian khó khăn. Nhưng giờ mọi người đều an tâm về cuộc sống mà tôi có.
– Hình ảnh hạnh phúc của những thành viên trong gia đình ông đã truyền cảm hứng cho cộng đồng LGBTI, rằng họ vẫn có thể có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và một sự nghiệp thành đạt. Liệu ông có bí quyết nào muốn chia sẻ không?
– Tôi nghĩ trong cuộc sống cần phải lắng nghe trái tim mình. Điều quan trọng nhất là bạn phải thành thật với bản thân. Khi bạn dũng cảm là chính mình, mọi người xung quanh sẽ thay đổi cách nhìn về bạn. Tôi nghĩ điều này đúng với tôi, và cũng sẽ đúng với bạn. Dù bạn là ai, thuộc giới tính nào thì bạn cũng có quyền được hạnh phúc trong tình yêu và thành công trong sự nghiệp. Tôi đã rất may mắn khi có được cả hai điều đó.
– Khoảnh khắc nào đáng nhớ nhất đối với ông?
– Đó là thời điểm tôi biết rằng mình sẽ được làm cha, và phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của một sinh linh bé nhỏ. Trước đó dù cả tôi và bạn đời đều mong muốn có con, nhưng chỉ đến khi mẹ của con trai chúng tôi hỏi: “Khi đứa bé được sinh ra, các anh có muốn trở thành cha của nó không?”, lúc đó tôi mới tin rằng ước muốn của mình trở thành sự thật. Và nếu như không có lời đề nghị đó có lẽ chúng tôi đã không thể có cô con gái đáng yêu này (bé Lucy – PV), bởi cô ấy mang thai lần nữa sau 2 năm, và cũng tìm đến chúng tôi với một câu hỏi tương tự. Bây giờ tôi cảm thấy gia đình mình thật trọn vẹn.
– Vậy một ngày bình thường của gia đình đại sứ sẽ như thế nào?
– Tôi đang làm những nghiên cứu về luật cho ngành học của mình, đọc sách và viết chiếm phần lớn thời gian của tôi. Còn lại khi không phải tham dự các buổi gặp gỡ hay sự kiện thì tôi luôn dành thời gian cho 2 con.
Ted thì luôn bận rộn với công việc của anh ấy, những chuyến công tác, tiếp khách hay công việc ở Sứ quán. Nói thật, thu xếp thời gian dành cho gia đình là một thử thách đối với cả hai chúng tôi, cả tôi và Ted đều muốn dành nhiều thời gian hơn nữa cho các con. Chúng tôi thường thức dậy sớm để ăn sáng cùng nhau, hoặc khi Ted đi làm về, chúng tôi ăn tối và chơi cùng các con. Con trai lớn của tôi (bé Tabo – PV) năm nay 3 tuổi và đang đi học mẫu giáo, còn bé gái vẫn nhỏ nên ở nhà với tôi.
Dù bận đến đâu chúng tôi đều cố sắp xếp một thời điểm nào đó trong tuần để dành cho nhau, thường là Chủ nhật, chúng tôi hẹn ăn trưa hoặc ăn tối, chỉ có hai chúng tôi mà thôi.
Chúc gia đình ông luôn hạnh phúc!
QUYỀN LỰC MỀM TRONG CÁC TÒA ĐẠI SỨ
Trong lịch sử ngoại giao, mối quan hệ giữa hai đất nước được củng cố và thúc đẩy nhờ nỗ lực và những đóng góp không nhỏ của các vị Đại sứ. Trong nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài hay tại một tổ chức quốc tế, với tư cách là người đại diện cao nhất cho chính phủ của mình, mỗi Đại sứ đều mang trên vai những trọng trách to lớn mà tổ quốc giao phó cho họ.
Nhưng ít ai biết được rằng, một nửa của các Đại sứ, chính họ cũng phải gánh vác sứ mệnh riêng của mình trong hành trình theo chồng/vợ đến một quốc gia mới. Bằng những con đường khác nhau, không ồn ào mà lặng lẽ, mỗi người trong số họ, dù là lần đầu tiên đến Việt Nam hay có “duyên” quay trở lại nơi này, đều đang âm thầm đóng góp những điều nhỏ bé, thắt chặt thêm sự gần gũi giữa Việt Nam và thế giới. Với tâm niệm không muốn trở thành khách du lịch trên mảnh đất mà mình đang sinh sống, họ đã dùng một thứ “quyền lực mềm” đến từ sự duyên dáng, thông minh và chân thành để chinh phục trái tim người Việt Nam vốn nồng hậu và mến khách.
Vậy một nửa của các Đại sứ – họ là ai?
Tổ chức: Thùy Anh, Hellos
Đọc thêm:
– Bà Eva Nguyễn Bình – Phu nhân Đại sứ Cộng hòa Pháp: Tôi là cầu nối cho gia đình mình
– Ông Clayton Bond – bạn đời Đại sứ Mỹ: Hãy dũng cảm là chính mình!
– Bà Irene Öhler – Phu nhân Đại sứ New Zealand: Tôi muốn được nghỉ hưu ở Hà Nội