Để không bị gắn mác “kẻ hủy hoại môi trường”, các thương hiệu thời trang hàng đầu đã tăng thêm giá trị cốt lõi cho sản phẩm của mình bằng cách nghiên cứu những kỹ thuật mới, áp dụng các tiêu chí nghiêm ngặt trong sản xuất và trở thành những người tiên phong trong phát triển thời trang bền vững. Họ tiếp tục mang đến những sáng tạo khiến cả thế giới trầm trồ, ngưỡng mộ, những biểu tượng gắn liền với thông điệp “không thỏa hiệp” để bảo vệ môi trường.
Đọc thêm: Sự xa xỉ bền vững
Bên trong xưởng in khăn lụa của Hermès
Cho tới nay Hermès đã cho ra đời hơn 1.500 mẫu khăn. Món phụ kiện huyền thoại này là cầu nối thương hiệu Hermès với những giá trị truyền thống tưởng chừng đã bị mai một. Đó là công sức của hàng trăm người thợ cần mẫn với công việc sáng tạo, những thao tác thủ công bài bản được lưu giữ và phát triển trong suốt hơn 70 năm qua kể từ khi mẫu khăn lụa vuông đầu tiên ra đời.
Nếu biết quá trình tạo nên một chiếc khăn vuông này như thế nào, bạn sẽ hiểu đó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi mùa, hơn mười phác thảo thiết kế mới được gửi đến xưởng in lụa của Hermès để rồi từ đó sản xuất thành hàng triệu chiếc khăn tại Lyon. Công việc của những nghệ sĩ chạm khắc và những nghệ nhân phối màu luôn được giữ kín tuyệt đối trước khi in các mẫu khăn.
Loại tơ dùng để dệt nên khăn lụa Hermès xuất xứ từ một vườn ươm ở Brazil. Những sợi kén tơ thô được thu hoạch, sau đó mang đến xưởng dệt Perrin – Pháp, nơi làm ra những chiếc khăn của Hermès từ hơn nửa thế kỷ nay. Phải mất gần ba tháng, lần lượt trải qua các công đoạn quay lụa, dệt và khử keo, sợi chỉ thô tạo thành những cuộn vải dài 100-150 mét, sẵn sàng cho các nghệ sĩ phối màu bay bổng.
Ngay khi nhận được bản thiết kế từ Paris, thợ khắc sẽ bắt tay vào việc giải mã các sắc màu, và phác lại chúng trên nhiều lớp phim, với mỗi màu là một lớp phim tương ứng. Sử dụng một chiếc bàn hắt sáng trắng, người thợ tỉ mỉ tách từng màu trên bản thiết kế. Mỗi nét vẽ được phác thảo lại bằng bút lông ngỗng, bút chì hay bút điện, sau đó được tô bằng loại mực đặc biệt của Ấn Độ. Một thiết kế khăn đơn giản với ba mươi màu đòi hỏi từ 400 đến 600 giờ làm việc. Đối với những thiết kế phức tạp, yêu cầu sự tinh tế như Les Jardins d’Andalousie, cần tới 1.500 đến 2.000 giờ trổ hình.
Giờ là lúc những nghệ sĩ phối màu dùng con mắt nhạy cảm của mình để đưa ra mười lựa chọn mang tính nghệ thuật, từ đó chọn ra bản phối thành công nhất.
Người thợ khắc đang thao tác
Công đoạn tiếp theo được thực hiện tại “Bếp pha màu” của những người thợ thủ công. Các hỗn hợp màu sau khi được cân đong chính xác đến từng miligram sẽ được nấu với nhựa cây. Những người thợ dày dạn kinh nghiệm sẽ thẩm định độ chính xác của màu sắc.
Ấn tượng nhất là quy trình in khăn của Hermès. Xưởng Ateliers A.S. có ba bàn in lụa chạy dài suốt chiều dài tòa nhà. Những dải lụa 150 mét được gắn bằng keo cố định trên bàn in. Khung kim loại giữ lớp phim tương ứng với từng màu một. Các khung lần lượt trôi theo trình tự, từ những nét vẽ thanh nhất rồi lan rộng ra, từ màu tối chuyển dần sang màu sáng, mẫu thiết kế dần được thành hình trên toan lụa trắng. Tấm lụa sau in được hấp ở nhiệt độ 103°C trong một giờ, trước khi sấy khô trên một tấm thảm khí. Quy trình này được lập trình tự động giúp hạn chế sự lãng phí nguyên liệu và lượng nước tiêu thụ, góp phần bảo vệ môi trường.
Công đoạn cuối cùng: cuốn viền khăn, đã tạo nên sự độc đáo mang tên Hermès. Lật ngược từ trái sang phải, những người thợ thủ công khâu chính xác 15mm để tạo nên đường viền khăn cuộn tròn ấn tượng.
Đằng sau mỗi chiếc khăn 90x90cm là cả một quá trình lao động nghệ thuật vô giá của các nhà thiết kế, các nghệ nhân và thợ thủ công.
Những tấm khung mang hình vẽ gắn với các màu sắc khác nhau phục vụ cho quá trình in lụa tại xưởng của Hermès
Những chai màu nguyên bản trước khi pha
Các tấm phác thảo bản in khăn Hermès qua nhiều năm
Màu sắc sẽ được pha theo công thức của thợ phối màu
Tấm khăn lụa vuông hoàn chỉnh của Hermès
Thực hiện: Tuấn Anh
Ảnh: Kai Jünemann