“Người Việt Nam thực sự như thế nào?” – Tôi đã lên đường với câu hỏi đó
– Từng chọn Việt Nam để du học trong một thời gian ngắn, sau đó bạn đã quay trở lại Mỹ và thậm chí đã vạch sẵn kế hoạch sẽ tới New York để phát triển một tương lai xán lạn, vì sao tới giờ phút này, bạn vẫn ở Việt Nam và còn khẳng định rằng sẽ không bao giờ rời khỏi Việt Nam?
– Tốt nghiệp đại học ở Mỹ, tôi muốn đi một chuyến trở lại Việt Nam để thăm bạn bè trước khi tới New York lập nghiệp. Trong chuyến đi thứ hai, tôi đã bị yêu Việt Nam thêm một lần nữa. Không còn nhìn Việt Nam với con mắt của một du khách nước ngoài bập bẹ tiếng Việt, tôi nhận ra sự đa dạng về địa lý, vẻ đẹp của giọng nói ở mỗi tỉnh thành, cách những con người ở đây định nghĩa hạnh phúc (bằng tình yêu và văn hóa, không phải bằng vật chất). Tôi dần dần từ chối nói tiếng Anh, chỉ ăn đồ Việt và đi đâu cũng giới thiệu mình tên là Hùng. Ở thêm một tháng, rồi lại thêm nhiều tháng, cuối cùng thì tôi ở lại hẳn.
– Và điều gì sau đó đã thôi thúc bạn dấn thân vào hành trình biết chắc là sẽ vô cùng gian khổ: 80 ngày đi bộ dọc đất nước?
– Dù có nhiều người công nhận tôi là người Việt, nhưng một số không ít vẫn luôn hồ nghi tôi. Họ nói với tôi rằng: vì tôi không sinh ra và lớn lên ở đây, tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành một người Việt Nam thực sự. Tôi thắc mắc, vậy người Việt Nam thực sự là như thế nào? Tôi luyện tập thể lực suốt 1 tháng, rồi một ngày, theo lời mẹ của bạn thân tôi nói: “Ngày đẹp đấy, hợp với tuổi của cháu, cháu nên đi!”, tôi lên đường để tìm câu trả lời cho mình.
Hùng dạy Tiếng Anh cho các em nhỏ ở Thanh Hóa.
– Vậy bây giờ bạn có câu trả lời chưa, người Việt Nam thực sự thì như thế nào?
– Người Việt Nam rất phức tạp, không đơn giản như người Mỹ (cười).
– Nhưng họ chắc hẳn phải có điểm gì đáng yêu khiến bạn muốn gắn bó mãi mãi chứ?
– Người Việt Nam rất tình cảm. Lòng tốt của họ khác với người Mỹ. Ở Mỹ, bạn và người hàng xóm của bạn có thể sống sát vách suốt 10 năm nhưng cả hai chẳng hề biết gì về nhau, ai sống cuộc đời người đó, không ai quan tâm đến ai cả. Còn ở Việt Nam, dù tôi là một lữ hành hoàn toàn xa lạ, không cần biết tôi là ai, họ vẫn cho tôi ăn nhờ, ở nhờ, thậm chí dù rất nghèo, có người vẫn dúi cho tôi tiền để phòng thân (số tiền này Hùng lại dùng để giúp đỡ những người nghèo cậu gặp dọc đường đi, hoặc mua quà cho trẻ em ở các trại mồ côi – PV). Nếu không có tình cảm của họ, tôi sẽ chẳng thể đi hết hành trình này với không một xu dính túi.
Tôi không mang theo tiền vì nghĩ tiền bạc luôn làm mọi việc thêm rắc rối
– Không mang theo tiền là cách để bạn thử thách bản thân hay thử lòng tốt của người Việt Nam?
– Cả hai phỏng đoán đó đều không đúng. Tôi chỉ đi một mình vì cảm thấy đây là hành trình dành cho bản thân. Tôi đi bộ để có thể nhìn nhiều hơn và không mang theo tiền để trải nghiệm được nhiều hơn. Nếu mang theo tiền có thể tôi sẽ thuê khách sạn để ở và ăn trong nhà hàng thay vì xin được ăn nhờ, ngủ nhờ nhà người khác và trả ơn họ bằng cách giúp họ làm việc.
Hãy đi và khám phá. Đừng sợ hãi và tìm lý do trốn tránh. Hãy tự tạo ra số phận của bản thân mình!
– Một cái lều
– Một cái mũ
– Một chai nước
– Một túi đeo ngang bụng
– Ba bộ quần áo
– Đồ sơ cứu
– Kem chống nắng
– Bản đồ, sổ tay, sạc điện thoại
– Một đôi giày và một đôi dép tông
– Bật lửa, dao, bàn chải đánh răng và đèn pin
– Phương Mai, người phụ nữ là tác giả của cuốn “Tôi là một con lừa” và “Con đường Hồi giáo” từng nói: “Tôi lên đường với một trái tim trần trụi”. Là một chàng trai, bạn lên đường với trái tim như thế nào?
– Tôi chỉ nghĩ đó là sứ mệnh của mình, mình phải đi. Trước khi đi, trong lòng tôi có le lói 3 nỗi sợ: ma, máu và kim tiêm. Cuối cùng, tôi đã gặp cả 3 điều đó.
Sống ở Mỹ, tôi chỉ tin những điều có thể giải thích bằng khoa học, chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày gặp ma, cho đến khi ngủ qua đêm trong một ngôi nhà ở Quảng Trị. Mảnh đất này từng là nơi bị dính bom nhiều nhất trong chiến tranh, nên có lẽ rất nhiều linh hồn vẫn còn lang thang ở đây. Đêm đó, tôi không tài nào ngủ được khi liên tục nghe thấy những tiếng đập nhẹ phát ra từ trần nhà, mùi nước hoa ngọt kì lạ phảng phất và chiếc bóng trắng như bóng của một người phụ nữ cứ hiện lên rõ dần như thể tôi thực sự nhìn thấy cô ấy.
Máu – là khi tôi nhìn thấy ngay trước mắt mình một vụ tai nạn giữa hai chiếc xe máy. Người đàn ông không đội mũ bảo hiểm loạng choạng đứng lên ôm phần đầu gần như nứt vỡ rồi gục ngã. Tai nạn giao thông là điều xảy ra hàng ngày ở Việt Nam, tôi chưa từng thấy một cảnh tượng nào khủng khiếp đến như vậy.
Để trả ơn những người nông dân đã cho mình ăn nhờ, ở nhờ, hàng ngày, Hùng theo họ ra đồng làm việc.
Kim tiêm và bệnh viện – tôi đã cố gắng chạy trốn hai điều này, cho tới khi không còn cách nào khác. Họ lấy máu từ tay tôi và kết luận: “Có cái gì đó rất lạ trong máu nhưng không rõ là cái gì”. Ấy là lần tôi uống túi sữa đậu nành nhận từ tay một người lạ, một cô gái đến từ Hòa Bình, nơi tôi đã nghe đồn về những người biết làm bùa ngải.
– Có giây phút nào trên hành trình này bạn cảm thấy ân hận và muốn quay về không?
– 3 món ăn Việt Nam ngon nhất: bún bò Huế, bánh căn Đà Lạt và thịt chuột nướng ở đồng bằng sông Cửu Long
– Chính vào buổi đêm sau khi tôi uống túi sữa đậu nành đó. Toàn thân tôi đau nhức, hết lạnh run rẩy lại chuyển sang nóng rẫy, đầu tôi như bị búa bổ vào từng nhát, một loạt ảo giác hiện ra. Tôi nhìn thấy toàn bộ cuộc đời mình như một bộ phim tua qua trước mắt. Cảm giác cái chết đến gần khiến tôi sợ hãi. “Tại sao mình lại ở Việt Nam?” Tôi bắt đầu nghĩ đến gia đình và những người bạn của tôi. Tôi muốn quay về với họ ngay lập tức.
Lần thứ hai là lúc tôi gặp khó khăn khi cố gắng vượt đèo Hòn Giao trên chặng đường từ Nha Trang tới Đà Lạt bằng một chiếc xe đạp. Đó là món quà một người bạn đã tặng tôi dọc đường đi, với mong muốn rằng nó sẽ giúp tôi đi nhanh hơn và có nhiều thời gian hơn để khám phá. Nhưng rắc rối xảy đến khi tôi phải đạp xe trên quãng đường dốc đứng. Tôi kiệt sức, bị thương khi trượt ngã, tôi cố gắng vẫy tay cầu cứu sự giúp đỡ nhưng những chiếc xe cứ thế lướt qua, có lẽ họ sợ bị cướp giữa đường núi. Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ đến những điều tồi tệ, tôi muốn nhảy lên xe khách đi về Hà Nội, nhưng tôi làm gì có tiền? Suy kiệt cả thể lực lẫn tinh thần, tôi ngồi giữa đường và rơi nước mắt.
Tại Chùa Hang, đảo Lý Sơn, do thủy triều dâng cao chặn mọi lối đi, không thể quay về, Hùng buộc phải ngủ lại một đêm trên bờ biển. Không đồ ăn, không nước uống, có lúc cậu phải uống tạm nước biển và gần như đã nôn ra vì quyết định dại dột đó.
– Và điều gì đã giúp bạn đi tiếp?
– Bạn gái tôi gọi điện, như linh cảm được điều gì không may. Cô ấy nói với tôi: “Anh hãy nghĩ tới những người anh đã gặp trên đường, những người anh đã truyền cho họ cảm hứng sống tốt”. Tôi đã thường nói với mọi người rằng khi gặp khó khăn, hãy tìm cách vượt qua, đừng từ bỏ. Tôi không thể là một kẻ đạo đức giả được!
– “John” đã tìm được “Hùng”, nhưng 3 năm kể từ ngày đó, trên giấy tờ, bạn vẫn là người Mỹ. Mong muốn nhập quốc tịch Việt Nam, trở thành người Việt Nam thực thụ của bạn đã được thực hiện đến đâu rồi?
– Tôi gặp khó khăn vì gia đình không ai còn giữ được giấy tờ tùy thân chứng tỏ chúng tôi là Việt kiều. Nhưng tôi được biết rằng vẫn có một cách khác để nhập quốc tịch, đó là đóng góp thật nhiều cho xã hội Việt Nam. Tôi nghĩ rằng những cuốn sách của mình cũng góp phần thay đổi được suy nghĩ của nhiều người. Tôi muốn khuyến khích các bạn trẻ bước ra khỏi “tổ kén” được bao bọc bởi bố mẹ, hãy theo đuổi điều họ thực sự bị thôi thúc. Đi và khám phá. Đừng sợ hãi và tìm lý do trốn tránh nữa. Hãy tự tạo ra số phận của bản thân mình.
Trích ngang
– Sinh năm 1989, tốt nghiệp ngành tâm lý tại Đại học Berkeley, Mỹ.
– 2010 sang Việt Nam du học theo chương trình trao đổi văn hóa Việt – Mỹ.
– 2012 thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt và không mang theo tiền. Trong suốt 80 ngày, anh đã trải nghiệm cuộc sống cùng những người dân Việt Nam dọc 3 miền đất nước: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc. Có lúc Hùng rơi vào cảnh không nhà không cửa, có lúc bị dọa bỏ tù vì không có giấy tờ tùy thân, có khi bị… gạ tình, có lần trúng độc, tưởng rằng cả hành trình và cuộc đời sẽ kết thúc tại đây.
– 2013 Hùng ra mắt cuốn sách “John đi tìm Hùng”, thuật lại hành trình của mình.
Trần Hùng John – Việt kiều Mỹ