Gửi em gái,
Có bao giờ dù chỉ một lần trong đời em tự hỏi:
Tôi là ai?
Tuổi 17, chị đã tự hỏi lòng mình như vậy.
Tuổi 22, chị đã tìm ra câu trả lời: Một người viết. Bắt đầu từ đây chị mới biết cảm nhận cuộc sống đa chiều bằng trái tim.
Tuổi 23, chị khắc khoải một ngày được khám phá thế giới.
Tuổi 27, chị dấn thân vào cuộc hành trình “có một không hai” trong đời. Chị còn nhớ khi dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng, em đã nói: “Đã đi thì phải tới đích, đừng có bỏ cuộc quay trở về”. Biết không, chị đã cố gắng sống chết giữ lời hứa đó với em. Chị đã chạm vào ước mơ Paris của hai đứa mình.
Chị vẫn luôn tự hỏi cái gì đã giúp chị vượt qua 291 ngày đầy gian nan, vất vả, vượt qua 15.000 cây số trên chiếc xe đạp? Để hai con người từ hai nền văn hóa, khác biệt về tuổi tác và ngôn ngữ có thể cùng “sinh tử” trên một con đường là điều không hề dễ dàng. Chị còn nhớ cái cảm giác phải vượt qua đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa cao đến 3.800m bên Kyrgyzstan, ngủ ở sa mạc Tân Cương, vật vã gần 5 tháng trời từ Tân Cương cho tới tận Hy Lạp với cái dạ dày khó tính không chấp nhận bất cứ món ăn nào, hay nằm một mình trên giường bệnh trong bệnh viện Thổ Nhĩ Kỳ… Chỉ khi hoàn cảnh đẩy người ta tới tận cùng giới hạn, chị mới hiểu điều giữ chị vẫn tiến về phía trước đó chính là ý chí. Em có tin chính những đêm lang thang giữa Paris của anh chàng nhà văn Gil trong bộ phim Midnight in Paris mà chị em mình đã từng xem lại là động lực để chị đạp đến đích không? Nghe ngớ ngẩn thật đấy, song chị muốn được như anh ta, được hít thở bầu không khí đẫm chất tình ấy của Paris. Đó chính là động lực để mỗi khi nản chí chị lại nhấn bàn đạp mạnh hơn để khoảng cách đến Paris thêm gần lại.
Chị sẽ không bao giờ quên được cảm giác khi leo lên được đỉnh núi 3.800m ấy, đó là lúc chị nhận ra rằng dù hai người đi cùng nhau nhưng thật ra đó lại là hành trình đơn độc, hành trình chinh phục chính mình em ạ. Ở đâu có ý chí ở đó có con đường. Khoảnh khắc đối diện với cái chết trong lần xe đứt thắng khi đổ núi ở Kyrgyzstan cho chị biết ý chí mạnh mẽ đã giúp chị sống sót. Lúc đó chị đã nghĩ tới hai khả năng: 1. Nếu chết thì nên chọn núi đá bên phải hay sông dưới vực bên trái, cái chết nào sẽ bớt đau đớn hơn; 2. Hãy cố bình tĩnh tập trung lao xuống để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Đôi tay run rẩy bám vào xe đạp, dạ dày chị sôi lên, và xe cứ thế lao đi cho tới khi dừng lại được ngay sau lưng anh. Không một giọt nước mắt. Anh không hề biết những khủng khiếp mà chị vừa trải qua. Từ giây phút ấy chị nhận ra rằng chính bản thân mình phải yêu thương và chịu trách nhiệm với cuộc đời mình.
Chị còn nhớ những lúc vui, hai đứa vừa đạp vừa hát vang trời, cả thế giới khi đó chỉ có mình bọn chị. Mỗi lần giận hờn chị để anh đạp trước còn mình cố tình tụt lại phía sau ngẫm nghĩ xem mâu thuẫn là do sự khác biệt Á – Âu hay do tính cách? Tới khi nguôi giận chị lại nhận ra anh là người chăm lo yêu thương chị vô điều kiện. Có lần nằm trong một căn nhà hoang giữa cơn gió thổi thốc lều run bần bật bên Hy Lạp, đêm ấy chị đã tự hỏi lòng vì cớ gì mình gắn bó với người đàn ông này? Nếu không phải vì cảm phục mong muốn tốt đẹp, muốn mọi người thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu mà anh đạp xe từ Việt Nam đến Paris, thì có lẽ chị đã quay lưng lại với anh. Vậy đấy, hành trình của bọn chị đủ cả ngọt bùi và cay đắng. Thế nên dù sau này em có yêu ai, hãy tìm người đàn ông yêu thương mình thật nhiều, ủng hộ đam mê của em nhưng phải biết dung hòa cái tôi của hai người.
Cuộc đời là một cuốn sách mà không ai khác ngoài chính bản thân mình tự viết nên cuốn sách ấy. Em ạ, 291 ngày rong ruổi từ Việt Nam đến Paris là một chương đẹp nhất trong đời chị. Người ta cứ bảo thế giới này hiểm nguy nhưng 99% những điều chị đã trải qua giúp chị nhận ra một điều: lòng tốt trải khắp nơi từ Á sang Âu. Vùng đất Tân Cương nổi tiếng với khủng bố bạo loạn nhưng bắt đầu từ đây chị đón nhận lòng hiếu khách đến ngạc nhiên của người Hồi giáo. Trước khi lên đường, những thông tin mù mờ về đất nước Hồi giáo Iran với những người phụ nữ mặc hijab trùm kín đen khiến chị sợ hãi nhưng đây lại là đất nước duy nhất chị phải kìm lòng không khóc lúc chia tay vì con người Iran quá tốt bụng. Đất nước nào đẹp bằng Kyrgyzstan với những đàn ngựa, lũ cừu thong dong gặm cỏ trên những quả đồi và thảo nguyên mênh mông cùng những dãy núi phủ tuyết. Đất nước nào kiều diễm như Pháp và hùng tráng như Italy. Đất nước nào mà chị đã phải gạt nước mắt trước tình cảm gia đình để ra đi nhưng lại khao khát trở về, vì có nơi nào bằng Tổ quốc mình phải không em?
Em ạ, 291 ngày ấy đã giúp chị trả lời được câu hỏi của năm 17 tuổi. Thế giới này rộng lớn lắm nên chị cần phải tiếp tục lên đường đón nhận mọi thứ vào lòng, trưởng thành hơn và một ngày sẽ mang chúng vào những trang viết.
Vì em là em gái của chị.
Thế nên, em hãy tự hỏi mình: Tôi là ai?
Và hãy lên đường đi tìm câu trả lời để có thời thanh xuân rực rỡ nhé em…
– Kim Ngân –
Hành trình xe đạp từ Việt Nam đến Paris
– Thời gian: 291 ngày
– Quãng đường: 15.000km
Phương tiện
– Một chiếc xe đạp touring bike tốt, giá khoảng 10.000.000VND
Hành lý
– Bộ dụng cụ vá xe đạp
– 4 chiếc túi treo xe đạp
– Cả chiếc xe đạp và hành lý chỉ có 33kg
– 5 bộ quần áo + 1 áo ấm + 1 áo gió + 1 áo mưa
– Mặt nạ chuyên dụng, găng tay xe đạp, mũ bảo hiểm
– Bản đồ google map, GPS ( tốt nhất nếu bạn có bản đồ giấy)
– Túi sơ cứu
– Kem chống nắng
– Bình đựng nước: Đảm bảo chứa đủ
2 lít nước
– Cuốn sổ nhỏ em gái tặng, có dòng chữ: “Paris is waiting for you”
Lưu ý
– Mua bảo hiểm quốc tế đề phòng những trường hợp rủi ro
– Tập luyện trước khi lên đường
– Uống nước nhiều, mỗi lần một ít
– Chuẩn bị nhiều ảnh chân dung 3x4cm để làm visa
– Ăn thường xuyên trong khi đạp: chuối, bánh cookies để có năng lượng
– Kiểm tra phanh trước khi xuống dốc
– Cắm trại: Quan sát kỹ địa thế xung quanh
– Khi gặp khó khăn, hãy bình tĩnh, hít thở sâu và tìm phương án
– Tìm hiểu thông tin điểm đến qua mạng
– Quan sát và bắt chước người bản địa (trang phục, cách đi lại…), đặc biệt ở các nước Hồi giáo
– Hãy luôn mỉm cười
– Gap Year: Đi một ngày đàng…
– Trái tim dẫn dắt hành trình
– Tôi muốn được tận mắt nhìn ngắm thế giới
– John đi tìm Hùng
– Gap Year: “Mất” một năm, được những gì?