Beatbox như Obama!

Ông Obama tận dụng rất tốt sự ủng hộ của giới nghệ sĩ trong hai lần vận động tranh cử.

Obama – “Ứng cử viên Hip hop”

Ông Obama đang trải qua những ngày cuối cùng ở nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng của mình. Và hẳn thiện cảm của một rapper trẻ người Việt cũng không đem lại cho ông lượng ủng hộ khổng lồ nào đó từ fan của cô ấy.
    

Nhưng sự ghi nhận của truyền thông và công chúng với ông Obama và tất nhiên, cả Suboi nữa, rất ấn tượng. Ngài tổng thống đã tiếp tục tạo ra một dấu ấn đẹp về “chất nghệ” của ông, vốn đã được thừa nhận từ nhiều năm qua, khi ông mới đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên.

Không ít bài báo phân tích về chiến thắng liên tiếp 2 nhiệm kỳ của ông Obama hồi năm 2009 đã nói tới một nguyên nhân khá thú vị: giới văn nghệ sĩ rất ủng hộ ông. 

Chưa từng có đời tổng thống nào được đặt biệt danh như cách người ta gọi ông Obama là “Ứng cử viên Hip hop”. Trong suốt thời gian tranh cử, ông liên tục xuất hiện bên cạnh các nghệ sĩ da màu nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn như vợ chồng Jay-Z và Beyoncé, Will.i.am hay nhóm Three 6 Mafia. Ông hát, ông nhảy, ông lên truyền hình giao lưu, thậm chí chọc cười khán giả. Và điều mà vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ nhận lại được là sự ủng hộ khổng lồ từ người dân Mỹ.

Năm 2009, sau khi ông Obama tái đắc cử, tờ Vibe, một tạp chí chuyên về hip hop, có bài phân tích khá thú vị của cây bút Jermaine Hall. Theo đó, bài viết phân tích tỷ lệ cử tri trẻ trong cuộc bầu cử năm 2008 của nước Mỹ đạt kỷ lục cao nhất trong vòng 35 năm. Và chiến lược bắt tay với giới nghệ sĩ của ông Obama là hoàn toàn đúng đắn khi nó lôi kéo chính đối tượng cử tri này, những fan trung thành của hip hop và pop. “Một số người thật sự bị ảnh hưởng bởi các quan điểm chính trị của ông Obama. Số khác thì đơn thuần cảm thấy hạnh phúc vì đã trở thành một phần trong chiến dịch đưa người da đen đầu tiên bước vào Nhà Trắng”, Jermaine Hall nhận xét. “Dù bằng cách nào đi nữa, vai trò của Jay-Z hay Puff Diddy và sự ảnh hưởng của hip hop trong cuộc bầu cử là điều không thể chối cãi”.

Đến lượt bà Hillary Clinton học hỏi ông Obama.

Không thể phủ nhận tính chất thực dụng trong việc gần gũi giới văn nghệ của ông Obama. Nhưng quan sát cho tới tận bây giờ, khi ông sắp hết nhiệm kỳ, có thể khẳng định ông làm được như vậy cũng nhờ “máu văn nghệ” vốn có sẵn trong mình. Màn ngẫu hứng với Suboi, hay mới đây nhất là màn thể hiện giai điệu “Slow jam the news” trong chương trình The Tonight Show đã chứng minh điều đó.

Barack Obama là vị tổng thống Mỹ thành công nhất khi tranh thủ sự ảnh hưởng của giới văn nghệ sĩ. Nhưng ông không phải ứng viên tổng thống Mỹ đầu tiên có ý thức về điều đó. 


Hillary Clinton & “công thức Obama”

Cứ đến mùa tranh cử tổng thống, các ứng cử viên lại chọn một ca khúc làm “giai điệu chủ đề” cho cuộc vận động của mình. Truyền thống đó đã được xây dựng từ vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington. Khi đó, phe ủng hộ Washington đã viết bản nhạc “God save the King” dành tặng ông và nó trở thành giai điệu riêng của vị tổng thống này. 

Sau này, việc tìm một ca khúc hay giai điệu đại diện đã trở thành thủ tục bất thành văn của mọi ứng viên tổng thống. Đặc biệt, đó cũng là cách để các ứng viên kết nối và tìm kiếm sự ủng hộ của giới nghệ sĩ, ca sĩ.

Trở lại với sự kiện thời sự nhất thế giới hiện nay, cuộc đua tới Nhà Trắng của hai ứng viên nặng ký Hillary Clinton và Donald Trump. Không nằm ngoài quy luật chung của nhiều đời tổng thống Mỹ, thêm lần nữa, vai trò của các nghệ sĩ lại được trưng dụng.

Truyền thông Mỹ bình luận Donald Trump là ứng cử viên tổng thống bị ghét nhất trong lịch sử. “Chưa từng có ai ‘chật vật’ với giới nghệ sĩ như ông ấy. Có lẽ cũng bởi tính cách quá ngang ngược của Trump!”, tờ New York Times bình luận.

Chỉ riêng việc chọn giai điệu chủ đề cho cuộc tranh cử của Donald Trump đã “ba chìm bảy nổi chín long đong”. Trump bị rocker cựu trào Neil Young từ chối cho phép sử dụng ca khúc của ông. Một nhân vật khác cũng thẳng thừng tuyên bố không cho phép ông Trump dùng nhạc của mình là Adele. Cuối cùng, ê kíp của đảng Cộng hòa chọn “We’re not gonna take it” của nhóm Twisted Sisters, một ca khúc bị đánh giá là “chưa xứng tầm”. Và chính các thành viên của nhóm rock nổi tiếng thập niên 1980 cũng tỏ ra khá dửng dưng khi được Trump ưu ái.

Những chính sách và quan điểm có phần bảo thủ và tiêu cực của Trump khiến ông mất điểm gần như hoàn toàn với giới nghệ sĩ. Từ các diễn viên như Angelina Jolie, Kristen Stewart, Jennifer Lawrence, Cher… tới các ca sĩ trẻ như Miley Cyrus, Rihanna, hay Chris Brown… đều lên tiếng thẳng thừng thể hiện thái độ không ưa Trump.

“Barack Obama là vị tổng thống Mỹ thành công nhất khi tranh thủ sự ảnh hưởng của giới văn nghệ sĩ. Nhưng ông không phải ứng viên tổng thống Mỹ đầu tiên có ý thức về điều đó.”
Ngược lại, bà Hillary lại đang nhận được và tận dụng tối đa sự ủng hộ của giới văn nghệ sĩ. Các chính sách ôn hòa, ủng hộ người gốc Latin, người da màu… khiến bà lôi kéo được một lực lượng đồng minh đáng giá. Từ gạo cội như Cher, Stevie Wonders… cho tới sao trẻ đương đại như Rihanna, John Legend hay Katy Perry…, tất cả đều dành cho bà Hillary thiện cảm lớn. Họ có mặt và góp giọng trong các sự kiện vận động của bà, lôi kéo về cho bà hàng vạn cử tri tại các bang. Đổi lại, bà Hillary và ê kíp vận động tranh cử xuống tay rất thoải mái các khoản chi cho giới nghệ sĩ. Được biết Katy Perry đã nhận 70 ngàn USD từ Hillary để tham gia buổi vận động tranh cử của bà.

Điều khá thú vị là chiến lược “lấy lòng anh chị em nghệ sĩ” của bà Hillary thực ra chỉ là học tập kinh nghiệm từ chính đối thủ của bà trong cuộc chạy đua cách đây 5 năm, ông Barack Obama.

Chưa thể nói ai sẽ chính thức là vị tổng thống mới của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng rõ ràng sự căng thẳng trong cuộc lôi kéo sự ủng hộ của giới văn nghệ sĩ cho thấy ảnh hưởng rất lớn của họ trong xã hội Mỹ hiện đại. 

Bài: Độc Cầm

logo


From the same category