Truyền hình “Streaming” – “Sát thủ” của chiếc ti vi

Ti vi ngày càng trở nên vô dụng

Đó là truyền hình streaming, hay còn gọi là xem truyền hình qua internet, với cách thức người xem phải trả tiền thuê bao hàng tháng để truy cập vào các nội dung được cung cấp như phim truyền hình, phim điện ảnh hoặc gameshow… Hiện tại, trên thế giới đã có các nhà cung cấp chuyên nghiệp loại hình dịch vụ này như Netflix, Hulu hay Amazon. Nổi bật nhất là Netflix, hiện đã có mặt ở 130 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù streaming cung cấp nhiều dịch vụ và khá tối ưu cho khán giả thích xem phim điện ảnh, nhưng ảnh hưởng của nó đến công nghiệp phim truyền hình mới là điều đáng kể. Khán giả có thể xem trọn mùa, trọn bộ phim cùng một lúc. Dĩ nhiên, điều này đã tác động đến văn hóa đại chúng, cụ thể là ngành công nghiệp sản xuất phim truyền hình, cũng như thói quen xem phim của khán giả.

Ở Mỹ, ti vi ngày càng trở thành đồ vật vô dụng khi truyền hình streaming tấn công. Thông qua các dịch vụ như Hulu, Amazon và tất nhiên không thể không nhắc đến “gã khổng lồ” Netflix, người xem có thể xem phim mọi lúc mọi nơi với smartphone hay trên các thiết bị như máy tính bảng, máy tính truyền thống.

Streaming giúp khách hàng chủ động sắp xếp lịch xem. Điều này tạo nên sự khác biệt so với trước đây, khi mà khán giả muốn xem trọn một bộ phim, luôn phải phụ thuộc vào lịch chiếu của nhà đài. Thi thoảng người xem bị stress vì phim đang ở cao trào lại phải chờ đến tuần sau mới được theo dõi tiếp. Thậm chí, giữa các phần phim, các “thượng đế” bị ức chế bởi những đoạn quảng cáo bất chợt bị chèn vào. Nay với streaming, họ có thể xem phim truyền hình lúc 9 giờ sáng, 2 giờ chiều lại xem, và 3 giờ sáng hôm sau xem tiếp, nếu muốn.

Truyền hình streaming nắm bắt và làm chủ thời gian rảnh rỗi của người xem. Họ giúp bạn mặc định luôn chế độ tự động cho tập tiếp theo. Cách phục vụ này truyền hình truyền thống không làm được. Và chính streaming tạo ra thói quen xem phim như một đường chạy marathon, nơi khán giả sẽ được xem các tác phẩm mình yêu thích theo cách mà họ muốn.

Streaming và hạn chế của “fast food”

Truyền hình streaming đang sở hữu một format siêu tiện lợi. Về mặt phục vụ, nó khiến người xem có cảm nhận như đang đọc sách – trọn bộ, trọn tập – nhưng ở cách tiện lợi hơn. Về mặt nội dung, nó tạo ra một cách thức kể chuyện mới, biết lúc nào cần ngừng, lúc nào cần ngắt, lúc nào cần đẩy cốt truyện lên cao trào theo khung thời gian trong một tập phim và một mùa phim. Chính điều này khiến khán giả phải (cố) xem đến khi “về đích”. Về mặt phương tiện, nó tận dụng sự tối ưu của thời đại công nghệ. Về văn hóa, nó mô phỏng văn hóa “thức ăn nhanh”, phục vụ nhanh gọn và tận nơi. Ngoài ra, nó còn tạo nên thói quen xem streaming khi có những ngày nghỉ lễ dài.

Tuy vậy, streaming cũng đối mặt với những hạn chế nhất định. Khi rating sụt giảm, họ không có cơ hội để sửa sai, bởi tất cả các tập đã lên sóng. Điều này trái ngược với phim truyền hình truyền thống phát trên ti vi. Nhà sản xuất có thể vừa bấm máy vừa nghe ngóng dư luận để chiều theo ý khán giả, hoặc thay đổi, thêm thắt diễn viên. Do vậy, mỗi ê kíp trước khi bắt tay vào sản xuất đều phải thận trọng thăm dò dư luận rất kĩ càng.

Tất nhiên, các dịch vụ như Netflix, Hulu hay Amazon đang nắm trong tay kho dữ liệu khổng lồ về thói quen giải trí của người xem thông qua các tài khoản đăng kí. Những dữ liệu này bao gồm giới tính, độ tuổi, các thông số về địa lý, cũng như những chủ đề các nhóm đối tượng khán giả thích xem. Họ có những thể loại phim phục vụ từng đối tượng khán giả. Khán giả thích phiêu lưu, sẽ có “Marco Polo”; người thích trinh thám sẽ có ngay “How To Get Away With Murder”; còn nếu quan tâm tới vấn đề nội chính thì có “House of Cards”…
 
Hơn thế nữa, những người sản xuất phim streaming luôn ý thức được rằng họ không thể thực hiện những bộ phim quá dài. Mỗi bộ phim của họ chỉ gói gọn dưới 20 tập. Đó là cách để tiếp sức cho người xem nghỉ “giữa hiệp”, và nhà sản xuất cũng kịp lấy đà cho bộ phim khác hoặc cho mùa tiếp theo (nếu mùa trước ăn khách).

Giờ vàng phim Việt có còn ý nghĩa?

Khi truyền hình streaming, cụ thể là Netflix vào thị trường Việt Nam, điều này sẽ tạo ra ảnh hưởng gì tới văn hóa xem phim truyền hình ở Việt Nam?

Với mức giá tương đồng các dịch vụ truyền hình cáp (giá từ 180 nghìn đồng/tháng với nhiều gói thuê bao khác nhau), chắc chắn sẽ không ít người chọn Netflix.

Ngoài ra, không ai có thể phủ nhận rằng, phim truyền hình Mỹ đa phần rất hấp dẫn, tình tiết lôi cuốn với nhiều cách thức làm phim mới mẻ, kĩ xảo đẹp mắt và bối cảnh đa dạng. Nếu đem so sánh với phim Việt giờ vàng hay những bộ phim dài lê thê như “Cô dâu 8 tuổi” trên truyền hình truyền thống, rõ ràng Netflix đang có nhiều lợi thế để tiếp cận khán giả đại chúng Việt với những bộ phim ngắn hơn, hấp dẫn hơn và trên hết, cách thức xem tiện lợi hơn. Hơn thế nữa, những ngày nghỉ lễ dài ở Việt Nam cũng là điều kiện lý tưởng để Netflix kéo khán giả Việt vào trào lưu xem phim kiểu marathon.

Xét ở một khía cạnh khác, streaming cũng là thứ khiến những nhà làm phim truyền hình Việt xem lại cách thức làm phim, hay cách nhập phim. Có lẽ đã đến lúc khán giả Việt thực sự có quyền lựa chọn những bộ phim phù hợp với mình, mà không phải phụ thuộc vào nhà đài.

Ở Mỹ, streaming phổ biến từ năm 2010 và nay, thuật ngữ “streaming” đã trở thành một dòng phim mới, mang những đặc tính riêng, gắn liền với văn hóa đại chúng. Đó là văn hóa của kỉ nguyên công nghệ.

 

Bài: Vĩnh Khang

logo


From the same category