Sách hay nên đọc

Không ai qua sông 

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư – NXB Trẻ   

“Giây phút bị chồng nắm tóc dìm đầu vào bồn tắm đầy nước cho đến lúc thôi sủi tăm, Nhí có nghĩ mình đang lặn vào sông Muống như hồi nhỏ đua với bạn coi ai nhịn thở lâu, hay ngắm san hô vịnh Nha Trang, không ai biết. Nghe cảnh sát kể, lúc còng tay Hi-ếc, anh ngọng nghịu xổ những lời (tưởng đâu) yêu thương học lỏm tiếng nước vợ. Tổ cha mi, Nhí. Tao say quá nên lỡ tay thôi. Tao xin lỗi Nhí ơi, mụ nội mày” – Bi kịch gái quê Việt lấy chồng Hàn qua ngòi bút của tác giả “Cánh đồng bất tận”. Lại thêm một cuộc đời đắng đót, trong những phận đời đắng đót thường thấy trong văn Nguyễn Ngọc Tư. Và đáng tiếc là bi kịch vẫn chưa có ý định dừng lại, khi “Tụi con gái trong xóm vẫn đang rủ nhau đi tìm những anh Hi-ếc khác. Ngay cả Nhí, người ra đi đầu tiên đã trở về, trong giỏ mẹ. Bà vẫn băn khoăn con nhỏ bốn mươi bảy ký, giờ sao chỉ còn vài nắm, không biết người ta có đốt sót mẩu nào không…”

Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ

Tác giả: Dương Thụy – NXB Trẻ

Cuốn du ký mới nhất của cây viết nữ nổi tiếng thích xê dịch. Thêm lần nữa, tác giả “Oxford thương yêu”, “Chờ em đến San Francisco”… lại bị phải lòng với nước Mỹ. Điều gì là sung sướng nhất khi làm một du khách tại Mỹ? “Gặp Tổng thống Mỹ ở Washington D.C” (dù là… bằng sáp)? “Cưỡi mây New York”? “Ăn tôm hùm Boston”? Ngắm “biển xanh Santa Barbara và nắng vàng Solvang”? “Ăn táo ở thung lũng Silicon”? “Nằm võng Yosemite và ăn bánh kem Grand Caynyon”?... Không hẳn, món khoái khẩu số 1, không gì khác, chính là… shopping. “Shopping ở Mỹ sướng như tiên” – Dù tự nhận mình không phải là một tín đồ của shopping nhưng tác giả vẫn không khỏi thốt lên sung sướng. “Anh ta lấy ra hai cái túi, một bằng giấy, một bằng nilon, chỉ vào từng túi hỏi: ‘Cô muốn tôi bỏ hàng cô mua vào loại túi giấy này, hay là túi nilon này?’… Thái độ phục vụ kiên nhẫn, tận tâm của anh làm tôi quá cảm động”. Còn với nữ nhân viên bán hàng của Macy’s thì sao? “Bà bao nhiêu tuổi? Sao tuổi này bà còn đi làm mà chưa nghỉ hưu?” – tôi hỏi. “Tôi 39 tuổi. Mọi phụ nữ đều dừng lại ở tuổi 39.” – bà trả lời dí dỏm… Nhưng cái giá của sự niềm nở? “Sau chuyến đi Mỹ lần đó, tôi rất “phẫn nộ” nếu ai đó nói shopping ở Mỹ rất rẻ. Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý nếu có ai cho rằng shopping ở Mỹ rất vui”…

Cuộc đời yêu dấu

Tác giả: Alice Munro – Nobel 2013

Người dịch: Nguyễn Đức Tùng – NXB Trẻ

“Những người quen biết có thể chạm mặt họ, dù chưa từng như thế, không nghi ngờ họ là cặp tình nhân tội lỗi, dù đúng như thế. Anh có thể đã giới thiệu cô như một người chị em bà con, cố không để lại ấn tượng sâu xa gì – kiểu quan hệ mờ nhạt mà thỉnh thoảng anh mới đáo qua thăm. Anh có những người bà con mà vợ anh chẳng bao giờ muốn biết. Và ai lại đi hẹn hò với một cô nàng tuổi bắt đầu xế bóng với một bàn chân khập khiễng? Không ai lưu giữ ký ức về chuyện ấy để phun nó ra vào giây phút nguy hiểm. Mình có gặp Howard ở bờ biển với cô em gái, phải thế không? Anh ta trông khỏe mạnh. Cô em bà con, hình như thế. Đi cà nhắc? Mấy chuyện ấy hoàn toàn không đủ để tạo rắc rối…”. Chủ nhân của giải Nobel 2013, “bậc thầy của truyện ngắn đương đại” viết về ngoại tình – một chuyện tình vẻ như ngoài thông lệ: Hai người đến với nhau khó khăn, không vì những hấp lực thường tình. Những nhân vật của Alice Munro, nhất là phụ nữ, ngay cả khi họ có lỗi, cũng thường không đáng giận, trong thứ văn phong đặc biệt giản dị, trong trẻo ấy của bà, mà ẩn sâu trong đó, là sự cảm thông và lòng trắc ẩn…

logo


From the same category