Phim “Đao” do Từ Khắc dàn dựng năm 1994 được coi là một đỉnh cao của trào lưu “tân kiếm hiệp”
Đâu rồi thời hoàng kim?
Mặc dù phim võ hiệp là đặc sản của nền điện ảnh Hoa ngữ nói chung nhưng Hong Kong mới là mảnh đất giúp dòng phim này thăng hoa trong suốt nhiều thập kỷ, nó được coi như “vũ khí” chống lại cuộc xâm lăng ồ ạt của phim hành động Hollywood. Câu thoại kinh điển Lâm Thanh Hà từng nói trong phim “Đông Phương Bất Bại – Phong Vân Tái Khởi”: “Ngươi có khoa học của ngươi, ta có thần công của ta” chính là lời tuyên ngôn đanh thép của đạo diễn Từ Khắc – người khai sinh ra trào lưu tân kiếm hiệp hồi đầu thập niên 1990 dành cho những đồng nghiệp ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Trong vài chục năm ngắn ngủi, hòn đảo Hong Kong nhỏ bé đã cho ra đời cả ngàn bộ phim võ hiệp, trong đó con số kiệt tác cũng đến hàng trăm.
Võ hiệp là gì? Là câu chuyện về những người dùng “võ” để hành “hiệp”, trừ gian diệt bạo, giúp đỡ kẻ yếu. Võ thuật, bản thân nó đã mang nhiều nét văn hóa, trong đó, võ hiệp là mộng ước từ bao đời qua của người Trung Quốc, là “kỵ sĩ” văn học của phương Đông, là “chất gây nghiện” của Quentin Tarantino – một trong những đạo diễn tài hoa bậc nhất Hollywood. Thời hoàng kim của phim võ hiệp Hong Kong có thể chia làm hai giai đoạn chính: từ năm 1982 trở về trước với sự thống trị của Shaw Brothers Studio (Hãng phim Thiệu Thị) và sau đó là Golden Harvest (Hãng phim Gia Hòa), từ năm 1990 đến khoảng năm 2000 với dòng phim tân kiếm hiệp do đạo diễn Từ Khắc khởi xướng, bắt đầu từ “Tiếu ngạo giang hồ” với Hứa Quan Kiệt thủ vai chính.
“Ngọa hổ tàng long” của đạo diễn Lý An đã giành 4 giải Oscar năm 2001 nhưng không được lòng các fan của dòng phim võ hiệp truyền thống
Kỹ nghệ làm phim của hai giai đoạn có thể khác biệt nhiều nhưng phim võ hiệp Hoa ngữ (chủ yếu là Hong Kong) vẫn luôn đảm bảo được những tiêu chí bất biến: yêu cầu rất cao về vai trò võ thuật chỉ đạo, đòi hỏi đội ngũ diễn viên chính phải có “chân công phu” – tức am hiểu võ thuật, hạn chế sử dụng đội ngũ diễn viên đóng thế, cực kỳ sáng tạo với kỹ thuật kéo dây (wire work) trong các cảnh nhào lộn hoặc bay lượn trên không và cố gắng đạt được sự chân thực cao nhất trong các màn đả đấu. Bên cạnh đó, phim võ hiệp truyền thống luôn coi hai yếu tố “võ” và “hiệp” quan trọng như nhau, không phân nặng nhẹ, mô tả tâm lý, tình cảm nhân vật theo kiểu phác thảo chấm phá, tiết tấu nhanh, nhịp phim gọn, thời lượng không quá dài, dàn dựng đơn giản nhưng luôn tạo cho khán giả cảm giác họ đang sống trong bối cảnh đó, đang cùng các nhân vật chính lăn lộn giữa chốn giang hồ hung hiểm. Từ các bộ phim cổ điển như “Đại Túy Hiệp” (1966), “Long Môn khách sạn” (1967), “Thích Mã” (1973) đến trào lưu “làn sóng mới” với “Hào Hiệp” (1979), “Danh kiếm” (1980), “Sinh tử quyết” (1983) sang tới trào lưu “tân kiếm hiệp” với “Đông Phương Bất Bại” (1991), “Tân Long Môn khách sạn” (1992), “Bạch Phát ma nữ” (1993), “Đao” (1995)…, phim võ hiệp Hong Kong đã khiến cả thế giới phải ngả mũ kính phục. Không những vậy, còn là nguồn cảm hứng để Hollywood làm nên những siêu phẩm để đời như bộ ba “The Matrix”, bộ đôi “Kill Bill”…
Khi kỹ xảo xuất hiện – dấu chấm hết bắt đầu
Nhưng, khi nền điện ảnh Hoa ngữ mở cửa với thế giới cũng là lúc dòng phim võ hiệp truyền thống dần đánh mất bản sắc của mình. Năm 1998, khi
“Phong vân” (dựa theo truyện tranh nổi tiếng của Mã Vĩnh Thành) ra mắt với những màn đả đấu có sự can thiệp “thô bạo” của kỹ xảo máy tính, nhiều người đã coi đó là dấu chấm hết của một giai đoạn hoàng kim.
“Ngọa hổ tàng long” của đạo diễn Lý An được cả thế giới tôn vinh như một phim võ hiệp xuất sắc nhất mọi thời cũng không thực sự chiếm được cảm tình của nhóm công chúng “lão luyện”. Bởi sự đẹp đẽ, lộng lẫy đã khiến bộ phim trở nên “hư ảo” trong mắt người xem, các màn chiến đấu chỉ bắt mắt mà hoàn toàn mất đi sự chân thực, “võ” và “hiệp” cũng phải nhường chỗ cho chuyện tình yêu. Sau đó, những Trương Nghệ Mưu với
“Anh hùng”, “Thập diện mai phục” và
“Hoàng Kim Giáp”, Trần Khải Ca với
“Vô cực”, và
“Đạo sĩ hạ sơn”, Phùng Tiểu Cương với
“Dạ yến”, Ngô Vũ Sâm với
“Kiếm vũ”… cũng đều làm phim võ hiệp theo “công thức” của
Lý An, với những cảnh quay hoành tráng, sử dụng rất nhiều kỹ xảo máy tính, đội ngũ đóng thế hùng hậu, nội dung tầng lớp phức tạp, mượn “võ” để tả tình hoặc bàn chuyện chính trị, thế cuộc, hướng nhiều hơn đến khán giả phương Tây.
“Tân Thục Sơn kiếm hiệp” phiên bản năm 1983, phim khai phá xu hướng ứng dụng kỹ xảo của đạo diễn Từ Khắc
Ngay cả Từ Khắc cũng bị cuốn theo trào lưu đó một cách vô thức: những bộ phim mới nhất do ông làm đạo diễn như “Long Môn Phi Giáp”, “Địch Nhân Kiệt: Thần Đô Long Vương” thậm chí còn ra rạp với phiên bản 3D để tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ. Các màn đả đấu đôi khi bị rối mắt vì dùng kỹ xảo quá nhiều, các diễn viên “múa võ” nhiều hơn là đánh võ. Số lượng phim ra mắt cũng giảm đi đáng kể và trong vài năm trở lại đây, chỉ có “Võ hiệp” của Trần Khả Tân là mang nhiều màu sắc chính thống mà thôi, cũng là những hoài niệm của đạo diễn đa tài này về dòng phim võ hiệp đang dần mai một mà không có biện pháp cứu vãn nào đáng kể.
Những nỗ lực làm mới phim võ hiệp đều không thành công. Cho dù đặt ở bối cảnh hiện đại như “Toàn thành giới bị” hay kết hợp với khoa học viễn tưởng như “Cơ khí hiệp” cũng chỉ là những tác phẩm nhạt nhòa cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Trẻ trung và giàu ý tưởng như Phùng Đức Luân cũng chưa đủ sức mang đến sức hấp dẫn thực sự cho hai tập “Thái cực quyền” và tập thứ ba vẫn như một lời hứa dang dở với khán giả. Sự góp mặt của “cao thủ chân chính” Trương Tấn trong “Thiếu niên Hoàng Phi Hồng” cũng chỉ giúp bộ phim có được một màn đả đấu lôi cuốn mà thôi, còn lại vẫn rất nhạt nhòa và không có tí hồn cốt nào của tinh thần võ hiệp truyền thống. Đến cả dòng phim quyền cước hiện đại – một đặc sản nữa của điện ảnh Hoa ngữ trong khoảng một thập niên trở lại đây cũng chỉ có hai, ba tác phẩm được coi là xuất sắc, mà chủ yếu nhờ vào tài năng của Chân Tử Đan. Nhưng phía sau anh là một khoảng trống mênh mông.
Dường như nền điện ảnh Hoa ngữ đang cạn kiệt tài năng, cạn kiệt ý tưởng để vực dậy dòng phim võ hiệp, từng có một thời cạnh tranh rất sòng phẳng với phim hành động Hollywood ở thị trường Á Đông.
Còn những khán giả trung thành chỉ còn biết trông chờ và hi vọng.
Đầu tư “khủng” nhưng “Thập diện mai phục” là một thất bại lớn của đạo diễn Trương Nghệ Mưu
Bài: Hoài Điệp