MAKING THE ICONS
Để làm nên tên tuổi, mỗi thương hiệu thời trang đều sở hữu cho mình những biểu tượng, dấu ấn đặc trưng gắn liền với các thiết kế nổi bật. Ẩn sau các thiết kế mang tính biểu tượng ấy là những câu chuyện thú vị, những tinh hoa được tạo dựng, vun đắp, gìn giữ và phát triển. Theo thời gian, chúng làm nên những giá trị tuyệt vời, mang tính trường tồn, bất biến.
Đọc thêm:
Chiếc áo khoác bằng vải tweed đình đám của nhà mốt Chanel
Phong cách thời trang của những năm 1950 từng bị Gabrielle Chanel cho là quá cầu kỳ và không thích hợp với thời đại, bà đã mạnh dạn “lấy” những bộ suit lịch lãm và phóng khoáng của các quý ông “bỏ” vào tủ đồ của những người phụ nữ mạnh mẽ và cá tính. “Tôi vốn ngưỡng mộ phụ nữ, tôi muốn khoác lên người họ những gì có thể cho họ sự thoải mái, cho phép họ lái xe ô tô và đồng thời tôn vinh sự nữ tính của họ”. Kết quả là sự quyến rũ khó cưỡng của chiếc áo khoác và váy xẻ tà “huyền thoại” cộp mác Chanel đã được cả thế giới ngưỡng mộ.
Cùng với bộ suit Chanel là sự ra đời của thiết kế áo khoác vải tweed kinh điển mang đẳng cấp riêng biệt, không giống bất cứ chiếc áo khoác nào: đứng dáng, cấu trúc vuông vắn, đóng tại hai mép. Từ đó, chất liệu vải tweed lên ngôi và trở thành một loại chất liệu biểu trưng, Mademoiselle Chanel đã sáng tạo ra những chi tiết kỹ thuật đặc biệt làm cho chiếc áo khoác trở thành “lớp da thứ hai” của người phụ nữ.
Thân trước và thân sau của áo được trợ nối bằng một miếng lát dọc làm tăng sự linh hoạt của áo. Tay áo được cắt theo đường chỉ xuôi, ráp cao trên vai với đường cong nhẹ và ô vải đệm bên trong nhằm mang đến cho người mặc sự thoải mái tối đa trong mọi hoạt động. Ngoài ra, nhằm đảm bảo sự tự do tuyệt đối khi cử động, Mademoiselle Chanel luôn yêu cầu khách hàng bắt chéo tay lên vai để lấy số đo.
Lớp lót, bằng vải jersey họa vải lụa, được lựa chọn tương ứng với lớp vải ngoài. Số lượng ô vải có trên lớp lót được tính theo số lượng ô vải có trên lớp vải tweed, và tất cả được bố trí một cách tương đồng với nhau. Lớp tweed và lớp lót được may kề nhau một cách kín đáo gần như không nhìn thấy đường chỉ. Với thiết kế như vậy, hai lớp vải chuyển động cùng nhau vô cùng hài hòa.
Để chiếc áo khoác có độ buông thẳng hoàn hảo, một chuỗi dây xích đồng được đính vào tà dưới, nằm gọn trong biên gập của lớp lót áo. “Chiếc áo khoác đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài”, Chanel thường nhấn mạnh điều này. Mọi chi tiết áo đều cần phải phục vụ cho tính ứng dụng cao, nên bà đã thiết kế những chiếc túi để người phụ nữ có thể đút tay vào – một cử chỉ vốn được xem là quá nam tính vào thời ấy. Cũng như các cúc áo có thể được cài hoặc buông lơi hờ hững.
Ngày nay, thiết kế áo khoác vẫn không thay đổi. Tay nghề thủ công của xưởng may đường Cambon tiếp tục theo sát chuẩn mực chất lượng của thương hiệu Chanel. Nét truyền thống được nâng niu, bên cạnh đó, Karl Lagerfeld vẫn không ngừng cách điệu và sáng tạo mang tới cho chiếc áo khoác một hơi thở mới đầy táo bạo và lôi cuốn.
Bài: Tuấn Anh