Không thày thuốc nào giỏi hơn chính bạn - Tạp chí Đẹp

Không thày thuốc nào giỏi hơn chính bạn

Sức Khỏe

Không ai lựa chọn được gen di truyền nhưng hoàn toàn có thể lựa chọn được sức khỏe cho chính mình. Theo Tổ chức Y tế thế giới, có 4 yếu tố quyết định đến sức khỏe của con người: một là gen di truyền từ bố mẹ: 15%; hai là môi trường bên ngoài: 17%, bao gồm môi trường xã hội (10%) và môi trường tự nhiên (7%); ba là điều kiện chữa trị: 8%. Cuối cùng, chiếm đến 60% là lối sống của chính chúng ta.

Làm sao tận dụng hết 60% đó vào những điều tích cực và hữu ích để trở thành bác sĩ tốt nhất cho chính mình?

Trong cuốn sách “Để bạn luôn khỏe mạnh”, tác giả Hồng Chiêu Quang đã đưa ra nhiều bí quyết rất đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Chẳng hạn:

Bí quyết “3 nửa phút”: Khi muốn thức dậy, nên nằm thêm nửa phút. Khi đã ngồi dậy, nên ngồi thêm nửa phút. Đặt chân xuống giường, chờ thêm nửa phút mới từ từ đứng dậy. Luôn ghi nhớ và thực hiện như vậy sẽ tránh được tình trạng thiếu máu não, tim không phải co bóp quá sức và tránh nguy cơ tai biến mạch máu não, đột quỵ, tử vong.

Bí quyết “3 nửa giờ”: Buổi sáng đi bộ hay tập thể dục nửa giờ. Buổi trưa nằm nghỉ nửa giờ. Buổi tối dành nửa giờ đi bộ hay tập luyện nhẹ nhàng để có giấc ngủ ngon. Cách đi bộ tốt nhất là “3, 5, 7”. 3 là mỗi lần đi trên 3km; thời gian tập trên 30 phút. 5 là mỗi tuần đi bộ trên 5 lần. 7 là đếm nhịp đập của tim trong 1 phút sau khi đi bộ, cộng với số tuổi bằng 170. Ví dụ: 60 tuổi thì nhịp đập của tim sau khi đi bộ thích hợp nhất là 110 lần/phút.

Đừng tiết kiệm những nụ cười: Kết quả từ nhiều cuộc khảo sát cho thấy, trẻ con cười 300-400 lần/ngày. Trong khi đó, người lớn chỉ cười khoảng 14 lần/ngày. Mà ai cũng hiểu tác dụng của mỗi lần cười rồi đấy. Đặc biệt, khi cười lớn, lồng ngực sẽ nở rộng, dung tích phổi có thể tăng lên gấp hai lần so với bình thường, khí huyết lưu thông nhiều hơn, người nóng lên và da mặt đỏ hồng trong trạng thái hưng phấn. Do đó, đây là một hình thức vận động giúp giảm căng thẳng, giảm đau và cải thiện nhiều chức năng sinh lý của cơ thể.

Kiểm tra huyết áp ít nhất 6 tháng/lần: Cách đơn giản nhất là sắm một chiếc máy đo huyết áp nhỏ gọn để có thể tự thực hiện tại nhà, giúp kiểm soát bệnh tim và đột quỵ. Bạn chỉ cần nhớ như thế này: Nếu huyết áp tối đa dưới 120mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 80mmHg là bình thường. Nếu huyết áp tối đa là 140mmHg và huyết áp tối thiểu là 90mmHg, hãy tiếp tục đo lại vào ngày hôm sau. Nếu chỉ số vẫn cao, cần đến bác sĩ ngay. Lưu ý để đo huyết áp cho đúng: đo cả hai tay sau 5 phút nằm nghỉ và sau ít nhất 1 phút ở tư thế đứng. Một số trường hợp huyết áp có thể tăng nhất thời theo cảm xúc, tâm trạng hoặc sau khi uống rượu, bia, tập luyện, lao động nặng…

Tự làm giảm nhanh cơn cao huyết áp: Hệ quả tai biến mạch máu não và những di chứng của nó là nỗi ám ảnh với nhiều người, đặc biệt là với các trường hợp bị cao huyết áp. Để hạn chế mức độ nguy hiểm cho sức khỏe khi huyết áp tăng cao, chúng ta có thể tự làm giảm nhanh cơn cao huyết áp bằng một số động tác rất đơn giản:

–  Vuốt hai vành tai bằng ngón cái và ngón trỏ của mỗi bàn tay, từ trên xuống dưới khoảng 10 lần cho ấm lên. Vành tai và cột sống có những điểm phản xạ tương ứng. Vuốt ấm vành tai cũng có nghĩa là tác động vào cột sống lưng, giúp điều hòa thần kinh giao cảm và kích thích sự lưu thông khí huyết. 

– Dùng ngón trỏ của hai bàn tay vuốt từ điểm giữa hai đầu chân mày xuống hai bên mũi, qua khóe miệng, đến cằm – vuốt chậm khoảng 15 lần. Đây là cách kích thích huyệt ấn đường (giữa hai đầu chân mày) để phóng thích endorphine nội sinh, giúp an thần, hạ huyết áp.

– Dùng hai ngón trỏ và giữa vuốt từ điểm giữa hai đầu chân mày ra đến xương chân mày, thái dương và mép ngoài đuôi mắt, mỗi bên khoảng 10 lần. Cách này giúp giải tỏa sự xung huyết tại những huyệt vị thường bị tắc nghẽn ở vùng trán và còn giúp khí huyết lưu thông ra hai cánh tay, bàn tay, giúp nhẹ áp lực ở đầu.

– Ngồi hoặc nằm thư giãn, hít thở đều, suy nghĩ tập trung vào 10 đầu ngón chân để hạ khí trong khoảng 10 phút.   

Theo dõi nhịp tim: Rối loạn nhịp tim ngày càng phổ biến ở rất nhiều người do áp lực cao từ công việc, cuộc sống hiện đại. Điều này khiến nguy cơ đột quỵ cũng tăng đáng kể. Vì vậy, cần kiểm soát nhịp tim của mình nếu thấy bản thân thuộc nhóm có nhiều nguy cơ mắc bệnh. Cách đơn giản nhất để đo nhịp tim là kiểm tra mạch: đặt ngón tay trỏ và giữa lên cổ tay, dùng đồng hồ để đo xem có bao nhiêu nhịp đập trong 20 giây. Nhân kết quả lên 3 lần sẽ có nhịp tim trong 1 phút. Nhịp tim bình thường ở người lớn là 60-85 nhịp/phút; trẻ em khoảng 110-130 nhịp/phút. Nhịp tim nhanh hay chậm hơn đều có thể là dấu hiệu của bệnh tật.

Đừng ngược đãi giấc ngủ! Nếu thiếu ngủ, bạn sẽ rất dễ thường xuyên cảm thấy buồn ngủ vào buổi chiều và gần như không còn chút năng lượng nào cho đến tối. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần thu xếp lại công việc và cuộc sống để đảm bảo ngủ đủ giấc, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Trong trường hợp đã ngủ đủ 8 tiếng/ngày mà vẫn thường xuyên cảm thấy buồn ngủ, hãy đến bác sĩ để được kiểm tra.
 
Kiểm tra “màu sắc tác phẩm” sau mỗi lần đi tiểu: Thông thường, nước tiểu có màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu sẫm màu, nặng mùi, có nghĩa là bạn chưa uống đủ nước (tối thiểu 1,5 lít/ngày). Nếu uống nhiều nước mà nước tiểu vẫn sậm màu, đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể có bệnh, cần đến bác sĩ kiểm tra.

 Bài: Thùy Trang

logo

Thực hiện: depweb

07/04/2016, 12:58