Đẹp chọn sách tháng 3

Tám ngàn rưỡi dặm

Tác giả Tuấn Việt – NXB Trẻ

Dù không được tác giả ưu tiên cho vị trí số 1, như trong lời phi lộ: “Tôi nghĩ đẹp nhất trên đời này là thiên nhiên, thứ nhì mới đến phụ nữ”, thì thiết nghĩ, độc giả nữ cũng vẫn nên đọc cuốn bút ký này để được đi xa hơn khỏi những lo toan vặt vãnh của mình. Dù có khi, vấn đề được tác giả (nguyên là một phóng viên mảng quốc tế báo Tuổi Trẻ) chọn đề cập, lại vẻ như không được “nhã” cho lắm (nhưng nếu không đi triệu “ngày đàng”, còn lâu mới túm được bằng ấy “sàng khôn” và kể về nó hóm và duyên đến thế). Chẳng hạn như vấn đề… “cứt chó” trong một bài viết có cái tiêu đề lãng mạn: “Thương mến Paris”: “Tôi đã từng đạp trúng ‘mìn’ (cứt chó) dưới chân tháp Eiffel, vì vậy tôi thấy mình cũng có chút quyền để nói ‘I love France’. Bạn phải hiểu rằng cứt chó là một vấn đề đặc thù của người Pháp. Nó không thể giải quyết một cách kỷ luật theo kiểu người Đức (chủ xách cái bao ny-lon đi theo chó, đợi nó ‘hành sự’ là ra tay dọn dẹp). Nó không thể giải quyết một cách tài chính theo kiểu người Anh (chủ bị phát hiện không mang theo bao đựng cứt chó sẽ bị phạt 100 bảng). Nó có thể lên đến những cuộc họp Quốc hội, có thể gây ra những cuộc biểu tình của cả những người chống cứt chó, lẫn những chủ chó. Chính quyền đô thị Paris đã đầu tư một số tiền lớn (tôi không nhớ là bao nhiêu) để chế tạo và đưa vào sử dụng một thiết bị chuyên dụng hốt cứt chó, nhưng hình như ngân sách vẫn không đủ và vấn đề cứt chó vẫn cứ nằm lù lù một cục mà không có ý định đi đâu cả…” 

Cuốn sổ vàng

Tác giả Doris May Lessing – Nobel Văn học 2007

Dịch giả Lê Khánh Toàn    Nhã Nam & NXB Văn học


Tác phẩm nổi tiếng nhất của người phụ nữ thứ mười một, cũng là người lớn tuổi nhất khi được trao giải Nobel và là nữ tác gia đứng thứ 5 trong danh sách
“50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945” được xuất bản lần đầu năm 1962, hiện được xem là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất thế kỷ 20, “cho thấy sức mạnh của trí tưởng tượng nữ giới ở mức độ cao nhất”, là nhật ký nội tâm đầy chất chứa của một phụ nữ trẻ quyết tâm sống đời mình như một “phụ nữ tự do”, đồng thời như một “trí thức”. Cuốn tiểu thuyết đồ sộ đặc biệt phù hợp với những độc giả nữ đã, đang trải nghiệm cuộc sống không dễ dàng của một người mẹ đơn thân với hàng loạt các mối quan hệ bế tắc, hoặc với một người làm công việc sáng tạo cũng đang trong tình trạng bế tắc giữa những dự định dở dang. Bế tắc, ngay cả trong một khoảnh khắc nhắm mắt – như phụ nữ chúng ta thường vẫn thế, vào những lúc đàn ông thường… mở mắt: “Một lần, khi mở mắt ra, cô thấy gương mặt anh, và nó mang một vẻ gì đó khắc nghiệt, gần như là xấu xí. Vì vậy cô nhắm mắt lại để khỏi phải nhìn, và thấy hạnh phúc trong những khoảnh khắc yêu đương… Không hiểu sao bỗng dưng cô suýt bật khóc. Anh hỏi: ‘Bao lâu rồi em chưa ngủ với đàn ông?’…”

Buổi chiều ngồi hát
Tác giả Nguyễn Việt Hà – NXB Trẻ


Tập truyện ngắn mới nhất của tác giả
“Cơ hội của Chúa”, “Khải huyền muộn”, “Ba ngôi của người”, “Con giai phố cổ”, “Đàn bà uống rượu”, “Mặt của đàn ông”… – người sở hữu một giọng kể chuyện thuộc hàng đặc biệt: nhẩn nha mà thâm thúy, lơ đãng mà còn lâu mới để xổng bất cứ một chi tiết đắt nào… trong những tìm tòi câu chữ đầy lãng tử. “Buổi chiều ngồi hát”, mà thực ra là “đứng mắng” đàn bà kha khá, khi họ bỏ đi: “Mười bảy tuổi, thằng Lâm bắt đầu yêu. Giờ đây, mười chín tuổi nó bị đàn bà phụ tình. Người nó yêu hơn nó sáu tuổi, cứ thích giữ thói nhà quê, rất thật lòng muốn nó như một thứ em kết nghĩa… Hôm lần cuối gặp nhau ở nhà nghỉ Thủy Chung, nàng thì thầm nồng nhiệt: ‘Mình với Lâm thi thoảng gặp nhau nhé. Mình nhớ Lâm lắm’… Hình như trong mọi thứ đồ ngoại, thì ngoại tình là thứ được đàn bà ưa dùng”. Đành rằng, đàn bà thì thường thích được khen, nhưng kể mà bị mắng, kiểu Nguyễn Việt Hà, đôi lúc cũng có thể khiến độc giả nữ vừa tức vừa thinh thích vì cái kiểu “nói lấy được”, “trúng đâu thì trúng” rất duyên ấy của anh…

logo


From the same category