QUA ỐNG KÍNH BẠN ĐỜI
Loạt ảnh đen trắng với những mảng chênh sáng lớn cùng những hạt nhiễu trên ảnh mà Brad Pitt chụp cho Angelina Jolie khiến bất cứ ai chiêm ngưỡng cũng lập tức bị lôi cuốn. Lý do không chỉ bởi đó là những lát cắt riêng tư hiếm hoi được công bố của cặp đôi nổi tiếng nhất thế giới, mà còn bởi minh tinh hàng đầu Hollywood chưa bao giờ đẹp một cách giản dị và bình yên như vậy dưới ống kính người bạn đời.
Ảnh, ấy là những hạt ánh sáng tụ lại trên mặt phim, nhưng nói như nhạc sĩ Quốc Bảo đó là những hạt sáng tình, khi mà người ta bấm máy bằng cả trái tim, “là những mảng, những vệt của tình thương mến được ghi nhận như một bằng chứng mà người đem lòng thương mến cần lưu giữ từ cái khoảnh khắc Tình yêu ấy cho đến mai hậu”.
Bức hình với góc chụp đặc biệt, độ sắc nét và tương phản cao, toát lên thần thái của Angelina Jolie. Để làm được điều này chắc chắn chỉ có Brad Pitt chứ không thể là bất kỳ nhiếp ảnh gia hàng đầu nào khác.
Ảnh, ấy là những hạt ánh sáng tụ lại trên mặt phim, ấy là những mảng những vệt của tình thương mến được ghi nhận như một bằng chứng mà người đem lòng thương mến cần lưu giữ từ cái khoảnh khắc Tình yêu ấy cho đến mai hậu, có thể chẳng để làm gì, chẳng để cho ai, và tất nhiên không cần công bố. Nhiếp ảnh chân dung nếu có thêm ý vị thương yêu, là để dành cho người chụp – người được chụp về sau cũng có thể quên lãng – nhưng người đã đem tấm lòng mình đặt vào mảnh phim, đem nguồn năng lượng tích cực vốn chỉ dành cho việc yêu thương nhớ nhung mà đặt vào ngón trỏ tay phải thì không quên được. Không bao giờ quên được.
Ảnh quảng cáo nước hoa Obsession cho nhà Calvin Klein đầu thập kỷ 90 do Mario Sorrenti chụp Kate Moss, khi họ đang yêu nhau.
Có một yêu cầu mà cả Klein lẫn Sorrenti đều nắm rõ, đó là loạt ảnh phải thể hiện được sự ám ảnh (tình dục/tình yêu/nhan sắc/sức quyến rũ) và ảnh phải chụp sao cho riêng tư nhất, không có ê kíp phụ trợ đông đảo, tốt nhất là chỉ có người chụp và người mẫu. Sorrenti và Moss bay đến một hoang đảo, sống với nhau ở đấy một tuần lễ như đôi tình nhân hạnh phúc nhất đời, và họ đốt phim hai tư giờ mỗi ngày. Như Phạm Việt Thanh nói với Lê Khanh: “Nắng đẹp quá em vào thay áo”, Sorrenti nói với Moss từ sớm tinh mơ: “Ánh sáng đẹp lắm em vào cởi áo”. Chụp như điên dại. Rồi họ bỏ nhau. Giờ đây ở tuổi bốn ba, Moss nhớ lại và tâm sự với nhiếp ảnh gia Nick Knight: “Khi đó em còn trẻ quá chẳng hiểu gì, em cứ thấy bị bắt làm mẫu cả tuần liền như vậy là một sự lạm dụng, thậm chí xúc phạm. Bây giờ đã hiểu ra cái triết lý Ám ảnh của Calvin Klein là thế nào, là phải ám ảnh thật, điên dại thật.”
Từ lúc bắt đầu biết đến máy ảnh và kỹ thuật ảnh, tôi đã chụp chân dung.
Chân dung người yêu vì thế, không thể thiếu. Trong một đoạn đời tình dài, chỉ có vài người tôi không chụp. Lý do của thiếu sót ấy là tôi biết mình không tái hiện được hình tượng người yêu vốn có trong tâm trí mình, nỗi ám ảnh vô phương thể hiện, và tôi sợ mình sẽ thất vọng khi nhìn lại ảnh. Như trong âm nhạc, bao giờ tôi cũng suy nghĩ rất lâu rồi mới viết, để cho sản phẩm đầu cuối gần nhất với những gì tưởng tượng – thì nhiếp ảnh cũng thế, tôi “chụp” bằng trí não và tình cảm trước, khi cầm máy chỉ là thu góp những hạt ánh sáng rồi sắp xếp chúng vào đúng vị trí mà mình đã nghĩ chín chắn. Vì vậy, tôi chụp nhanh. Vì vậy, tôi nghĩ chậm. Những chân dung thành công nhất chụp những người tôi yêu, là kết quả của một quá trình dài suy nghĩ và vài giây bấm máy.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe về loạt ảnh Private Session mà tôi chụp June Nguyen đầu năm ngoái, 2015.
Đó không phải là loạt ảnh đầu tiên chụp nàng, nhưng lại là kết quả của những nghiên cứu riêng của tôi dành cho Hedi Slimane (nhà thiết kế kiêm nhiếp ảnh gia Pháp hiện đang là giám đốc mỹ thuật cho Chanel), bởi anh đã chụp đen trắng theo tinh thần punk rock và hippie rất đẹp. Suy nghiệm, nghiên cứu, là vừa nghiên cứu cái tinh thần ảnh lại vừa gồm cả kỹ thuật nữa. Máy gì, ánh sáng ra sao, xử lý hậu kỳ thế nào. Làm sao để khơi gợi không khí hippie (vốn là thời đại mà June Nguyen chưa từng trải), làm sao để bắt những hạt ánh sáng nằm đúng ở nơi thuộc về một thời đại khác, văn hóa khác? Tôi nghĩ, nghĩ, và yêu cầu nàng nghĩ. Ít nhất, phải nghĩ ra một kiểu trang điểm, trang phục. Rồi thần thái, nụ cười, biểu hiện gương mặt. Rồi tôi đề nghị nàng selfie. Giờ có phương tiện, đâu phải cực khổ soi gương mà tưởng tượng và thử/sai nhiều lần. Cho đến khi người mẫu đạt đến gần nhất điều tôi mong muốn, thì tôi chụp. Chụp rất nhanh, trong khoảng hai mươi phút bằng chiếc máy số bỏ túi Fujifilm X30 đặt trước chế độ đen trắng, và không chỉnh sửa gì hậu kỳ.
Dĩ nhiên trong mười loạt ảnh, có những loạt thành công, đạt được ý định và tinh thần đã chuẩn bị; và những loạt khác hỏng. Thì có sao. Ta chụp chân dung người yêu chứ có chụp dịch vụ đâu mà sợ hỏng, sợ phí.
Những bộ ảnh tôi chụp Thủy Tiên (cho bìa đĩa thứ hai của cô, 2006), hay Quỳnh (cho bìa đĩa Q+B của tôi, 2009) cũng đã được chuẩn bị và thực hiện theo cùng cách thức. Chỉ khác ở phương tiện kỹ thuật và bối cảnh.
Đều là từ sự trân trọng và lòng thương mến sâu xa tôi dành cho nhân vật mẫu.
Và đằng sau, bên dưới bức ảnh, còn ẩn chứa những suy tư khác. Những rung động khác, riêng tư, không thể chia sẻ.
Bài: Quốc Bảo