Troye Sivan – “Ông cụ non” đáng yêu

Thêm một tài năng thuộc “thế giới thứ ba”

Thực ra, mọi người biết đến Troye Sivan trên màn ảnh trước vai trò là một ca sĩ. Năm 2009, cậu từng góp mặt trong bộ phim bom tấn “X-Men Origins: Wolverine” thuộc series phim đình đám về các dị nhân với vai diễn nhân vật James Howlett thời nhỏ. Sự nghiệp diễn xuất của Troye không quá tỏa sáng nhưng cũng không hề nhạt nhòa. Ngoài tham gia bộ phim ngắn “Betrand the Terrible” (2010), Troye đảm nhiệm vai diễn cậu bé Spud trong bộ phim cùng tên với 3 phần phát hành liên tiếp từ năm 2010 tới 2014. 
Ngoài ra, Troye cũng thử sức ở mảng kịch nghệ từ khi còn khá nhỏ. Tuy nhiên, như chính cậu từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ Out, “âm nhạc mới là điều tôi quan tâm nhất”.

Giống như khá nhiều “tiền bối” (chữ này được cho vào ngoặc kép bởi những đàn anh đàn chị của Troye thực ra vẫn còn rất trẻ) nổi lên trong làng nhạc khoảng một thập niên qua, chàng trai này bắt đầu gây chú ý trên mạng, mà cụ thể là Youtube. Ban đầu cậu cũng mượn kênh này để giới thiệu các bản cover, những ca khúc thử nghiệm đầu tay của mình và “đo đếm” phản ứng của khán giả. Trong khoảng thời gian hai năm, tài khoản Youtube của chàng trai sinh năm 1995 đã đạt tới hơn 3,6 triệu lượt theo dõi và tổng lượt xem lên đến 203 triệu.

Năm 17 tuổi, Troye Sivan tuyên bố mình là gay trên Youtube. Thời điểm đó, cậu đã thừa nhận về giới tính với gia đình được ba năm. Chính vì thế, nói về Troye và âm nhạc cũng như cá tính nghệ thuật của cậu, không thể không nói tới ảnh hưởng của yếu tố giới tính. 
“Blue Neighbourhood” ra mắt album phòng thu hồi đầu tháng 12 năm ngoái cùng bộ 3 MV được Troye và ê kíp sản xuất tung lên Youtube. Ba MV xây dựng theo thứ tự 3 ca khúc nổi bật nhất của album là “Wild”, “Fools”“Take me down” kể về mối quan hệ lãng mạn của hai thiếu niên thân thiết nhau từ khi còn nhỏ và lớn lên sự gắn bó chuyển hóa thành tình yêu đồng giới… Troye tỏ ra khá mạnh dạn với những cảnh âu yếm và thậm chí “khóa môi” giữa cậu và bạn diễn nam trong các MV.
Không quá nặng nề và ám ảnh như “Take me to the church” của Hozier, chủ đề tình yêu đồng giới trong âm nhạc và các MV của Troye Sivan khá nhẹ nhàng, dù vẫn không tránh được những chi tiết về sự cấm cản, kỳ thị… “Âm nhạc là cách tôi kể về câu chuyện của chính mình. Tôi tin rằng nếu ba mẹ đọc ca từ và xem các MV của tôi, họ sẽ không vui lắm đâu, dù họ đã chấp nhận giới tính của tôi. Nhưng thật may, họ chỉ nghe qua các ca khúc của con trai và có lẽ họ cũng hiểu rằng cần để tôi được sống thực với âm nhạc”, Troye tâm sự.

Một người trẻ “ẩn dật”

Chất liệu âm nhạc vẫn là synth-pop quen thuộc, chất giọng không quá xuất sắc và bản thân chủ đề mang nhiều thông điệp về tình yêu đồng giới cũng không quá mới mẻ trong làng nhạc. Vậy điều gì làm nên dấu ấn Troye Sivan?
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Troye tâm sự cậu không thích sống ở các thành phố lớn. Và thực tế cho tới nay, dù đã trở thành một ngôi sao đang nổi, Troye vẫn giữ một nhịp sống khá bình dị ở thành phố Perth, miền Tây nước Úc. “Tôi đã thử lưu trú tại một số thành phố lớn, những nơi được coi là kinh đô giải trí như New York hay London và thực sự chỉ sau vài tuần tôi phải xách va li chạy trốn. Đó là một nhịp sống không phù hợp với tôi. Chỉ khi về Perth, tôi mới có thể bình tĩnh và có nhiều cảm hứng để sáng tác và thu âm.”

Trường hợp của Troye khá giống với một số nghệ sĩ trẻ gần đây, mà điển hình là Lorde. Dù âm nhạc của họ mê hoặc hàng triệu khán giả là lớp thị dân trẻ, nhưng chính bản thân họ lại chọn cuộc sống có phần “ẩn dật” ở những nơi khá bình dị và xa lánh những nơi hào nhoáng. Như Lorde, dù được những tượng đài âm nhạc đặt kỳ vọng là ngôi sao mới, các sản phẩm âm nhạc tiêu thụ ầm ầm nhưng cô vẫn chỉ có thể sống và sáng tác ở New Zealand mà thôi.

Câu chuyện về không gian sống trên một phương diện nào đó lý giải sức hút âm nhạc của họ. Và câu trả lời cho thành công của anh chàng ca sĩ trẻ Troye Sivan có lẽ cũng chính là ở đó. 
Troye bổ sung tên mình vào đội ngũ những nghệ sĩ trẻ theo đuổi thứ âm nhạc mang nặng tinh thần của thế hệ họ, một thế hệ đối diện với quá nhiều biến đổi về quan niệm sống. Từ cách tiếp cận với phương thức giải trí tới những vấn đề giới tính, thậm chí chính những xung đột xã hội, chính trị cũng đang đặt ra cho thế hệ đó những cú sốc ngầm. “Thế hệ của chúng tôi có cô đơn không? Có đấy! Thế hệ chúng tôi có bi kịch không? Có luôn! Và có thực sự cần tìm kiếm sự sẻ chia và giải thoát không? Cũng có nữa! Chính vì thế những người bạn nhạc của tôi (music friends) – tôi thích gọi khán giả của mình như vậy, sẻ chia với tôi những câu chuyện qua mỗi bài hát, chứ họ không thần tượng tôi” – Troye chia sẻ trên Pop-Buzz. 

Nếu “dị ứng” đề tài giới tính, chỉ cần đừng xem các MV của Troye Sivan mà nghe album “Blue Neighbourhood”, sẽ thấy chàng trai này có lối viết ca từ đầy chất thơ, nỗi buồn hay niềm vui, sự phóng khoáng của tuổi trẻ cũng như những băn khoăn “cụ non” đều rất chân thành và bạn bỗng nhận ra: “Đúng quá! Dường như đĩa nhạc chính là chân dung của một người trẻ hôm nay!” 

Bài: Độc Cầm

logo


From the same category