Khi nghệ thuật… “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

NSND Lê Khanh trong vở “Rừng trúc”

“Đường ra trận mùa này… hẹp lắm”
Khi hoàng tử Pơliêm Quốc Chiêm cất lên những lời dằn vặt từ tâm can trong liên hoan vở diễn Lưu Quang Vũ hồi 2013, những dằn vặt ấy đã khô, gân và yếu lắm rồi. Gần như chỉ “diễn ké”, vai diễn đã làm người chuyên trị vai hoàng tử Quốc Chiêm mất hình ảnh. Cằm ông đã xệ và đôi mắt chẳng thể ánh lên những tia khi nghi ngờ lúc thiết tha của ngày xưa ấy cách đã hơn hai chục năm. Nhưng mất nhiều nhất, vẫn là ấn tượng với giọng ca. Cổ họng ngoài năm mươi của ông đã không còn đủ khỏe để điệu chèo có thể luyến láy mềm mượt đúng như nó cần phải vậy. Nghe ông hát, thấy vất vả. Đã thế, vai diễn ngày cũ còn hại ông thêm, bởi “nàng Sita” thuở trước có băng cassette, và khán giả đã tua đi tua lại đến thuộc lòng sự ngọt ngào ấy.
Nhưng Trần Quốc Chiêm không thể không lên sân khấu vào tối hôm đó!
Được xét tặng danh hiệu NSƯT từ 1997, theo quy định, ông cần hai huy chương vàng tính từ đó trở đi mới có thể đủ tiêu chuẩn xét NSND. Chỉ có một giải Bạc từ 2001, ông buộc phải “ra trận” để tìm kiếm vinh quang còn thiếu. Ông Chiêm không được giải thưởng cá nhân nào cho vai diễn vất vả đó. Mặc dù vậy, là diễn viên, ông cũng nhận phần huy chương quy đổi của mình khi vở diễn do những người khác làm nên thành công có giải Vàng. Sau này, ông Chiêm còn phải cộng thêm cả huy chương quy đổi của những đoàn nghệ thuật mình đứng tên chỉ đạo nữa mới tạm đủ chuẩn. Vị Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội này cuối cùng đã nhận NSND vào đợt phong tặng mới nhất hồi đầu tháng 1/2016. Một hoàng tử may mắn.
Công chúng nào sẽ nhớ Pơliêm chỉ chực hụt hơi của 2013? Vai diễn “nhân dân” – vai diễn mang lại danh hiệu NSND của ông – cuối cùng, đã đến nhờ phép cộng thành tích, không phải nhờ sự xuất chúng như ngày ông còn trẻ. Như thế, cách xét duyệt nghệ sĩ kiểu cộng dồn, quy đổi không khác gì cái bẫy. Thậm chí, một nghệ sĩ chia sẻ, hội diễn ca múa nhạc có tiết mục tưởng như cả đoàn lên sân khấu. Những “nghệ sĩ độn” sau này dần dần cũng được danh hiệu. Họ không có vai diễn để nhớ, cũng chẳng có bài ca bản nhạc khó quên, nhưng danh hiệu thì vẫn được.

“Thượng đế thì cười”

Không  phải ai cũng may mắn như Quốc Chiêm. Ông đã ở trong một đoàn nghệ thuật nhà nước để có thể tham gia hội diễn, nhận đủ huy chương để có danh hiệu đầu tiên. Ông cũng là lãnh đạo ngành văn hóa thành phố để có thể gom đủ huy chương cộng dồn cho danh hiệu thứ hai trên cương vị chỉ đạo tới 6 đoàn nghệ thuật Hà Nội. Nhưng có những nghệ sĩ sẽ không thể tham dự hội diễn như ông. 
Năm 2011, khi Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc diễn ra, các đoàn nghệ thuật xã hội hóa phía Nam khi ấy đã từ chối không tham gia. Một năm sau, tới hội diễn sân khấu, dàn nghệ sĩ sân khấu phía Nam cũng không thể tham dự, trong khi họ nắm trong tay nhiều nghệ sĩ tài hoa. Tự lo tiền để cân đối thu chi cho diễn viên, những ông bầu bà bầu của sân khấu Tp.HCM năng động không thể cố thu xếp kinh phí, cũng như hủy buổi diễn nhà mình để dự liên hoan được. Số tiền 50 triệu đồng Cục Nghệ thuật Biểu diễn hỗ trợ quá nhỏ bé so với chi phí khoảng 160 triệu đồng nếu họ kéo quân đi thi. Vì thế, dù biết nghệ sĩ của mình đi thi sẽ có cơ hội đoạt giải, sau đó xét danh hiệu, họ cũng không thể “vung tay quá trán”. “Chúng tôi không thể vì vài ba cá nhân để phải chi một số tiền quá lớn, cũng như huy động thêm quá nhiều người đi cùng đến hội diễn”, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu kịch IDECAF lừng danh khi ấy nói. Thời điểm đó, Thành Lộc chỉ thiếu một huy chương vàng để được NSND. 
Điều đó thật đối nghịch với việc các đoàn nghệ thuật công lập địa phương có thể tham dự liên hoan thoải mái với hỗ trợ kinh phí từ ngân sách được bao cấp. Ngay trong tổng kết hoạt động 2015 mới đây thôi, một lãnh đạo ngành văn hóa thậm chí còn chia sẻ, có lãnh đạo địa phương tuyên bố tỉnh nhà thừa sức nuôi vài đoàn nghệ thuật thoải mái. Tới kỳ liên hoan, thiếu tài năng, đua kết quả, các đoàn công lập tỉnh kiểu này mời đạo diễn trung ương về dựng tác phẩm. Đến mức, hội diễn sân khấu còn phải có quy định hạn chế số lượng tác phẩm dự giải với đạo diễn, tác giả kịch bản. 
Các đoàn nghệ thuật công lập còn có “chiến lược” nhân sự để anh em cùng tiến. Cũng tại liên hoan vở diễn Lưu Quang Vũ, người ta thấy NSND Lê Khanh lùi lại, không đóng vai nữ chính trong các vở diễn nữa. Qua cùng một vở diễn, khán giả nhìn thấy sự chênh lệch chất lượng của hai diễn viên khi Lê Khanh vẫn là cái bóng quá lớn trùm lên. Lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ sau này chia sẻ muốn tạo điều kiện cho anh em trẻ tham gia, có huy chương, sau này đủ điều kiện xét tặng danh hiệu. Nhưng nhớ tới vở kịch ấy, khán giả ắt sẽ chỉ nhớ tới vai diễn của Lê Khanh.
Khi giá trị nghệ thuật đã bị hành chính hóa qua đo đếm cộng trừ kết quả các liên hoan thì giá trị của nghệ sĩ cũng sẽ chỉ nằm trên tấm bằng công nhận. Khác biết mấy với những rưng rưng phận người khi Lưu Quang Vũ viết những vở kịch báo trước đổi mới, Trần Tiến viết những bản rock để hát rong sau đổi mới ít lâu… 

Ai sẽ khóc cười cho nghệ thuật, khi danh hiệu chỉ đến sau những lần miệt mài dự liên hoan? Hay khán giả – như vẫn quen được gọi là “thượng đế”, chỉ còn nước cười thầm?

Bài: Trinh Nguyễn

logo


From the same category