Đầm dạ hội: Vincent Doan – Trang sức: Swarovski – Giày: Christian Louboutin – Ghế: Medea
Từng bị cho là một trong những hoa hậu có nhan sắc không quá lộng lẫy của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Ngọc Hân dần khẳng định vị trí của mình bằng “vẻ đẹp khác” khi không ngừng tham gia nhiều hoạt động xã hội trong suốt 5 năm qua.
Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân
Sinh năm 1989 tại Hà Nội Tốt nghiệp Khoa Thiết kế trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội
Sau 5 năm đăng quang, Ngọc Hân gắn tên mình nhiều với các hoạt động thời trang khi trình làng một số bộ sưu tập cá nhân. Cô hết lên vùng cao lại ra biển khơi, hết ở dự án xanh này lại xuất hiện trong sự kiện làm sạch vùng biển nọ, và đặc biệt là trong các chương trình cổ vũ tinh thần biển đảo. Tên cô cũng gắn với nhiều chương trình quảng bá vẻ đẹp danh lam thắng cảnh đất nước…
Bên cạnh đó, là nhan sắc dần được cải thiện bằng sự thay đổi về làn da cùng gu thời trang, trang điểm…
Nếu bỏ qua những ồn ào về Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (do đến trễ vì tắc đường), những thị phi về ngôi vị vương miện (bị nghi ngờ là người nhà của ban tổ chức và thân thiết giám khảo)…, Ngọc Hân là một trong số ít hoa hậu có đời sống bình yên nhất, tính đến thời điểm này.
– Mất mát nào là lớn nhất từ khi chị trở thành hoa hậu?
– Chỉ thấy được chứ chưa thấy mất.– “Hoa hậu bây giờ đã bão hòa rồi” – câu đó có khiến chị buồn?
– Không hề. Mỗi người có một giá trị riêng. Bão hòa hay không là do quan điểm của từng người.
– Chị có chung ý nghĩ “Sắc đẹp cũng là một tài năng”?– Theo Hân thì đó là một sự may mắn.
Hoa hậu Việt – Ai người mang “gương mặt hân hoan”?
Theo thời gian, sắc đẹp là thứ sẽ tàn phai, vương miện không mãi thuộc về, danh hiệu dần là phù phiếm, trước những được – mất song hành… Điều gì đọng lại sau ánh hào quang, đó mới thực sự là gương mặt hân hoan mà công chúng muốn được nhìn thấy nhất ở những cô gái đã, đang và sẽ đội trên đầu chiếc vương miện mang tên sắc đẹp…
2015 có thể nói là “năm của hoa hậu” với cùng lúc hai người đẹp Việt có mặt tại hai đấu trường nhan sắc quốc tế đình đám, diễn ra cùng thời điểm: Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới, thu hút sự chú ý cao độ của truyền thông.
Ai đó nói rằng: Trong 30 năm đổi mới, một trong những diện mạo “hân hoan” của một nước đang phát triển như Việt Nam có lẽ chính là những cuộc thi hoa hậu – thứ không mang lại cơm áo gạo tiền cho số đông nhưng trong một thời điểm nào đó, cũng có thể phần nào giúp người ta tạm quên đi cơm áo gạo tiền.
Có điều, các cuộc thi sắc đẹp ngày càng mọc lên như nấm, trước những con mắt “tinh như cú vọ” của truyền thông, hai chữ “hoa hậu” vì thế cũng dần bớt đi sự lung linh của nó, hay đúng hơn, chỉ còn là câu chuyện của số ít có quyền lợi liên quan trực tiếp, hoặc là ước mơ “khi người ta trẻ”.