… Hôm Châu mời bạn bè đi Điện Elysée dự lễ trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, thấy Châu cứ diện mãi một chiếc cà vạt, tôi vui miệng rủ Châu: “Đổi cà vạt cho nhau đi!”. Chần chừ một lúc, cuối cùng Châu cũng ok. Về sau, tôi mới hiểu ra, đấy là một chiếc cà vạt vô cùng ý nghĩa với bạn mình, vì nó đã cùng Châu chứng kiến bao nhiêu kỷ niệm lớn. “Nhớ dai” như vậy, mà có lúc Châu quên, quên chính… tấm bằng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh ấy, ở… một tiệm ăn. May là ông chủ tiệm ăn ở đường Tolbiac bữa đó đã cất giữ nó cẩn thận.
Châu có cách suy nghĩ giản dị, quyết đoán. Gặp những đề tài vòng vo vô bổ, giải pháp với Châu là: “Mệt quá, xin phép đi ngủ một lúc ạ!”. Và đi ngủ thật, một lúc. Hoàn toàn thật thà, hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn yên bình. Suy nghĩ và thực hành được giản dị như thế không chỉ là cách giải thoát tích cực cho bản thân, mà còn cho cả những ai đang bị “say” món lí sự.
Nhớ hồi Châu say mê viết blog Thichhoctoan. Ngày nọ rủ mãi, thấy tôi vẫn chần chừ, tối về Châu đăng “Chuyện trò với sư cụ […]”, kể luôn cuộc chuyện giữa chúng tôi. Tôi bảo: “Kể ra, viết thế cũng chưa thật đúng hết ý lắm…”, thế là Châu rủ rê: “Anh viết thêm luôn đi!”. Cách Châu “dụ” thật hiệu quả! Đến khi Châu bảo: “Cả hai đứa mình cùng quản admin blog Thichhoctoan này cũng được!” thì tôi chợt cảm phục Châu quá – một người tiếng tăm lớn rộng như Châu mà sẵn sàng để tôi cùng chia sẻ… Tôi hiểu và không tự cho phép mình lạm dụng sự rộng lòng ấy của bạn.
Tác giả Hoàng Hồng Minh và GS Ngô Bảo Châu trong buổi ra mắt cuốn tạp văn “Lòng người mênh mang”
Giáp Văn Dương say mê sự giao thoa của toán học, logic, triết học, ngỏ ý liệu có thể kết dựng được một cuộc chuyện trò dài tay ba với Châu và tôi về vùng xoáy giữa chúng. Tôi hỏi ý Châu, không ngờ Châu vui vẻ đồng ý. Chưa hết, Châu còn đứng ra đăng tải chính thức cuộc chuyện trò này. Sự giản dị này vượt qua mọi suy nghĩ thông thường về món “môn đăng hộ đối đẳng cấp học thuật”.
Điều rất khó, mà Châu làm được, là biết thực hành sự giản dị, quyết đoán với nhiều người khác nhau, với nhiều nhóm khác nhau cùng một lúc. Câu chuyện cuốn sách “Lòng người mênh mang” là một ví dụ. Bản thảo được Châu xem đầu tiên, xem kĩ, đã từ rất lâu, và lời nhận xét của Châu cũng thật giản dị, ngắn gọn: “Tính gắn kết của cuốn sách ổn đấy!”. Ban đầu, Châu định xin sử dụng cuốn sách trong một dự án sách khác, nhưng khi còn vài bạn ở đó chưa đồng lòng, Châu cũng khảng khái: “Châu quyết, thì được thôi, nhưng chắc chính anh cũng không thích như thế. Mình làm khác vậy!”.
Thỉnh thoảng viết bài hát, tôi chơi thử, và hứng thì gửi cho Châu. Châu không thấy thích, thì “no reply” (không trả lời). Châu thấy thích, thì cũng “no reply”…, nhưng liền tự đăng tải quảng bá hồ hởi ngay. Yêu sao tính giản dị gọn ghẽ quả quyết mà cũng đầy hồn nhiên như thế ở bạn!
– Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Cũng có lúc tôi áy náy với mình”
– Ngô Thanh Hiên – con gái đầu của GS Ngô Bảo Châu: “Bố Châu cũng phải… rửa bát”
– Nhà báo Trần Đăng Tuấn – Người khởi xướng chương trình “Cơm có thịt”: “Sự giản dị không nằm ở đôi dép tổ ong”
Thực hiện: Thục Khôi