“Tôi là người già trước tuổi”
– Lan Khuê có thấy những cuộc thi hoa hậu bây giờ mang nặng tính biểu diễn (show) nhiều hơn là một cuộc tranh tài thực sự (competition) không?
– Đương nhiên là khi một cuộc thi đề ra, bên cạnh yếu tố cạnh tranh giữa các người đẹp thì nó còn phải đảm bảo tiêu chí giải trí mà khán giả đòi hỏi. Tôi không ủng hộ việc yếu tố giải trí được đặt cao hơn bởi nếu như chiều lòng khán giả thì sẽ vô tình thiếu tôn trọng dành cho các thí sinh. Và nếu cuộc thi ấy tôn vinh một người xứng đáng nhất, theo đúng những tiêu chí đã đề ra thì nó cũng thể hiện sự tôn trọng với chính những khán giả nữa.
– Nhưng rốt cục những cuộc thi gần đây cũng đâu có thể hiện sự tôn trọng ấy? Từ sự cố đọc nhầm kết quả ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ cho đến việc thay đổi thể thức ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới?
– Bất kỳ cuộc thi nào cũng có những thay đổi, những điều chỉnh như thế. Nhưng rốt cục thì các cô gái vẫn đổ xô đến các cuộc thi, vẫn ao ước được chạm tay vào chiếc vương miện. Nên dù có những bất cập gì thì danh hiệu người đẹp nhất vẫn là ước mơ của hàng triệu cô gái.
– Người đẹp của một quốc gia có thể gánh vác trách nhiệm lớn lao là đại diện cho nhan sắc của quốc gia ấy không? Rốt cục bản sắc của nhan sắc Việt Nam là gì khi cả Lan Khuê và Phạm Hương đều được khen là có nét đẹp kiểu… tây?
“Tôi hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi cũng tự hỏi là nếu không hoạt động trong ngành giải trí thì mình sẽ làm gì. Nhân viên văn phòng làm việc 8 tiếng/ngày ư? Giảng viên đại học chỉ biết giảng đường và về nhà với đống tài liệu. Nghĩ đi nghĩ lại thì tôi vẫn hài lòng với công việc mình đang làm, với con đường mình đã chọn”.
– Khi đã bước chân ra ngoài tham gia một cuộc thi quốc tế thì không còn là vấn đề thương hiệu cá nhân nữa mà đã trở thành thương hiệu của quốc gia ấy. Còn việc bản sắc của nhan sắc Việt thì đến giờ vẫn còn là vấn đề phải tranh luận. Một người đại diện Việt Nam đi thi nên là một nhan sắc phù hợp với thị hiếu của số đông quần chúng quốc tế hay là một nhan sắc thuần Việt. Mà trong lúc các chuyên gia vẫn còn đang tranh cãi thì bản thân tôi cũng khó mà đưa ra câu trả lời thỏa đáng.
Cá nhân tôi nhận thấy đây quả thực là vấn đề rất khó tìm sự đồng thuận vì nhan sắc là một phạm trù quá trừu tượng. Thế nào là đẹp? Mình có thể mang tiêu chuẩn đẹp của Việt Nam ra áp lên tiêu chuẩn của châu Phi không? Nên tôi nghĩ một người Việt Nam khi đã đi thi thì dù cô ấy mang nét đẹp tây hay thuần Việt, điều quan trọng là khán giả vẫn sẽ ủng hộ. Vì chỉ cần có sự ủng hộ thì người phụ nữ ấy sẽ có đủ tự tin để tỏa sáng.
– Lan Khuê đã góp phần không nhỏ trong việc khuấy động sự quan tâm của công chúng trong nước dành cho một cuộc thi hoa hậu quốc tế. Vậy Khuê thấy sự khác biệt của một nhan sắc Việt với những nhan sắc khác trên thế giới là gì?
– Hầu như các đại diện đến từ châu Mỹ Latin rất được chú ý. Bên cạnh đó là các người đẹp đến từ Philippines, Indonesia, Thái Lan… Đặc điểm chung giữa họ chính là sự khỏe khoắn. Có thể họ mang nét lai, cũng có thể là nét đẹp bản sắc quốc gia như anh từng nói. Nhưng điểm chung vẫn là khỏe khoắn, hiện đại và luôn trong trạng thái sẵn sàng bùng nổ.
– Như vậy để được chú ý như thế, mình cũng phải mang những nét đẹp… như thế?
– Vấn đề không phải là học theo người ta. Bạn có quyền đẹp theo cách của bạn, nhưng bạn có đủ tự tin là nét đẹp ấy chinh phục được khán giả và Ban giám khảo không. Như vậy, nói là thi về nhan sắc, nhưng sự khác biệt kỳ thực đến từ trí tuệ. Vì người thông minh sẽ biết cách tỏa sáng, biết cách thu hút ánh nhìn của người đối diện. Và bản thân tôi cũng đánh giá cao những người đẹp thông minh, bởi người thông minh luôn biết mình cần phải làm gì.
– Sự thông minh ấy có… đào tạo được không?
– Sự thông minh ngoài yếu tố di truyền thì còn có thể đến từ trải nghiệm. Khi đi xin việc, các công ty luôn đặt ra hai tiêu chí: thông minh và kinh nghiệm. Vì kinh nghiệm cho người ta vốn sống và sự hiểu biết. Hai điều này tạo nên trí tuệ. Khi có trí tuệ, bạn sẽ biết cách ứng xử tốt hơn trước các tình huống.
– Một người chỉ vừa hơn 20 tuổi nói về trải nghiệm thì có sớm quá không?
– Không biết có phải may mắn không nhưng ở ngưỡng cửa hai mươi, tôi đã tham gia rất nhiều cuộc thi và cứ sau mỗi một cuộc thi, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Câu ấy nghe có vẻ sáo rỗng nhưng đấy là sự thật. Trong một cuộc thi, mình phải trải qua bao nhiêu là cảm xúc. Vui có, buồn có, hy vọng có, thất vọng có. Thì việc trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc ấy khiến mình chững chạc hơn, để nhìn nhận mọi thứ rõ ràng hơn.
“Chúng ta đang tìm kiếm sự văn minh”
– Khuê có bạn thân không?
– Tôi có may mắn là có được một người bạn thân như thế, một người mà tôi có thể chia sẻ mọi bí mật. Với người ấy, tôi cũng không ngại ngần thể hiện tính xấu, thậm chí là cả những cái phốt của mình, điều mà tôi chả bao giờ dám làm với ai. Tôi nghĩ trong cuộc đời mỗi người, có một người như thế là quá đủ.
– Vậy một trong những tính xấu mà cô bộc lộ trước mặt người đó là gì?
– Haha. Không nói được.
– Trong giới giải trí thì sao, khó kết bạn hơn à?
– Ngoài người quản lý và bạn trang điểm, những người ở gần mình, thì tôi gần như không giao du với ai trong giới cả. Tôi nghĩ chỉ cần mình làm tốt công việc của mình, tử tế với những đồng nghiệp đã là quá đủ. Chứ công việc vốn đã chiếm quá nhiều thời gian của tôi, tôi không có nhu cầu đi chơi thêm với những người trong giới mà chỉ muốn quay về thế giới bình thường của mình, để luôn biết mình ở đâu. Công việc tôi làm nó quá hào nhoáng, thỉnh thoảng nó khiến tôi quên đi mình là ai, cứ lơ lơ lửng lửng chứ không đáp xuống mặt đất được.
– Khuê sợ hư ư?
– Tôi nghĩ xuất phát từ tính cách nhiều hơn. Tôi không thích chốn ồn ào náo nhiệt. Tôi không thích nói nhiều. Thậm chí có những ngày tôi chả nói một từ nào (cười).
– Vậy khi lui về thế giới riêng của mình, Khuê làm gì?
– Hồi còn… trẻ trâu, học đòi, tôi cũng hay đọc tiểu thuyết lắm. Nhưng đến thời điểm này thì tôi không còn đọc nữa…
– Ý Khuê những người đọc tiểu thuyết là trẻ trâu à?
“Tôi yêu hiện tại của mình. Tôi không thích nhìn về quá khứ, chẳng muốn tô vẽ tương lai. Nếu như có một điều ước cho hiện tại, tôi xin ước là… không thứ gì thay đổi cả”.
– Không (cười to). Tôi chỉ nói về tôi thôi (cười). Khi còn nhỏ, thấy bố mẹ thấy ông cầm mấy quyển sách to to, tôi cũng tò mò đọc thử. Không hiểu sao hồi nhỏ tôi có thể say mê cuốn tiểu thuyết đọc cả ngày, giờ thì tôi không thể đọc nữa. Có áp lực quá nên giờ tôi cũng chỉ tìm đến những quyển sách nhẹ nhàng, những tản văn dễ đọc, chẳng cần phải của nhà văn tên tuổi nào mà đôi khi chỉ là những cây bút xuất phát từ mạng xã hội.
Cách đây ít lâu, tôi có thử đọc lại tiểu thuyết. Nhưng cuốn Lolita đọc được 2 trang là đành phải bỏ, không cách gì đọc nổi.
– Còn phim ảnh thì sao? Khuê có theo dõi phim không?
– Tôi theo dõi sát phim Việt Nam lắm. Và trong những phim gần đây tôi xem thì tôi thích “Em là bà nội của anh”. Đấy là một phim hay, dễ thương. Tôi thích phim hài nhưng tôi không thích kiểu hài dễ dãi, tôi thích cái hài tình huống, tôi thích nhân vật của phim có số phận, hài chỉ là phương tiện. Tôi không thích kiểu hài chọc cười, bởi vì kiểu phim càng cố chọc cười thì tôi chả thể nào cười nổi (cười to).
– Khuê có ước mơ trở thành hoa hậu từ khi nào?
– Từ khi tôi còn nhỏ, lúc ngồi trước truyền hình xem một cuộc thi Hoa hậu. Tôi thích chiếc vương miện vô cùng, tôi thích cái màu xanh trên chiếc vương miện ấy. Sau này khi lớn lên, tôi không dám ngông cuồng mơ ước mình sẽ trở thành Hoa hậu, nhưng cái màu xanh ấy vẫn nằm đâu đó trong tiềm thức.
– Trong các phần thi ứng xử, phải chăng các thí sinh thường lựa chọn nói những điều mà họ nghĩ là giám khảo muốn nghe?
– Tôi nghĩ các giám khảo chẳng còn muốn nghe những thông điệp cũ kỹ nữa, cái họ tìm kiếm là cá tính của người phát ngôn. Những năm gần đây, phần trả lời chỉ có 30 giây thôi. Đấy là 30 giây để bạn thể hiện được hiểu biết, trí tuệ và cá tính của mình, không hề đơn giản chút nào.
– Khuê quan sát điều gì ở người đối diện trước khi quyết định là có kết thân với họ hay không?
– Tôi nhìn ánh mắt của họ và cách họ đối xử với những người xung quanh. Những người có địa vị cao luôn nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh. Vậy thì cách họ đối xử với những người có địa vị thấp hơn anh thế nào sẽ nói con người của họ.
– Còn trước khi quyết định yêu thì sao?
– Ba tôi vẫn nói muốn yêu thương ai đó, hãy nhìn vào 3 việc. Một là cách họ đối xử với gia đình. Hai là cách họ đối xử với những người có địa vị thấp hơn. Ba là cách họ đối xử với môi trường xung quanh, từ cây cảnh đến động vật. Thế nên tôi không mưu cầu trai đẹp hay thành công, tôi thích người đàn ông có trách nhiệm và cầu tiến.
– Tôi thấy người phụ nữ đẹp nào cũng nói vậy, và thường là họ sẽ chọn một người rất giàu…
– Vì đâu phải người ta tự nhiên mà giàu anh. Những người giàu thường có chí cầu tiến. Khi anh khởi nghiệp, chính chí cầu tiến sẽ mang đến thành công. Không có thành công nào từ trên trời rơi xuống cả.
– Khuê chờ đợi gì ở năm 2016?
– Tôi háo hức chờ năm mới để xem những mục tiêu tôi ấp ủ có trở thành sự thật hay không. Đây sẽ là một năm rất bận rộn, nhưng tôi thích như vậy.
Bài: Minh Trần
Ảnh: Rin Trần