Xu hướng toàn cầu hóa “tiếng Anh”
Cannes (Pháp), Venice (Ý), Berlin (Đức), Toronto (Canada)… là những liên hoan phim (LHP) quốc tế uy tín hàng đầu thế giới và được xem là thước đo giá trị nghệ thuật của điện ảnh hàng năm. Những phim tham gia ở đây được tuyển chọn từ nhiều nước trên thế giới và đặc biệt sự phong phú, đa ngôn ngữ của các bộ phim chính là bản sắc và nền tảng của các liên hoan phim danh tiếng này.
Nhưng trong năm 2015 vừa qua, điều đặc biệt đáng ghi nhận là lượng phim sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính bỗng tăng đột biến và lấn át các tác phẩm mang ngôn ngữ khác. Các nhà làm phim thế giới ngày càng có xu hướng chuộng tiếng Anh để tác phẩm của mình mang tính đại chúng, phù hợp với xu hướng của khán giả toàn cầu. Ngoài các bộ phim được sản xuất ở những nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính như: Anh, Mỹ, Australia…, các nước khác tại Châu Âu cũng bắt đầu tuyển chọn nhiều kịch bản, thậm chí chọn các ngôi sao Anh ngữ để vào vai trong phim của mình.
Điển hình là bộ phim đoạt giải Ban giám khảo tại LHP Cannes 2015, “The Lobster” của đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos (người từng tạo nên tên tuổi với “Dogtooth” và “Alps”) quy tụ dàn sao quốc tế Colin Farrell, Rachel Weisz… Hai bộ phim Ý cùng tham gia LHP Cannes 2015, “Tale of Tales” của đạo diễn Matteo Garrone và “Youth” của đạo diễn Paolo Sorrentino, đều có dàn diễn viên đến từ Anh, Mỹ: Salma Hayek, Toby Jones, Michael Caine, Harvey Keitel, Rachel Weisz… Phim tham dự LHP Toronto của Na Uy, “Louder Than Bombs”, đạo diễn Joachim Trier đã mời các diễn viên quốc tế tham gia: Jesse Eisenberg, Gabriel Byrne, David Strathairn. Phim Mexico dự Cannes 2015 của đạo diễn Michel Franco, “Chronic”, đã chọn Tim Roth và Bitsie Tulloch. Thậm chí, phim Pháp dự Cannes 2015 của đạo diễn Guillaume Nicloux chỉ để tựa bằng tiếng Anh, “Valley of Love”. Mặc dù diễn viên toàn là người Pháp (Gerard Depardieu và Isabelle Huppert) nhưng phim lại sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính…
Tuy nhiên, xu hướng phim các nước chuộng tiếng Anh, từ chối sử dụng ngôn ngữ bản địa khiến giới chuyên môn tỏ ra lo lắng cho việc đánh mất bản sắc riêng của mỗi nước. Vì thế, không biết vô tình hay hữu ý, những bộ phim đoạt giải tại các LHP lớn năm nay đa phần đều không phải phim nói tiếng Anh. Phim về đề tài đồng tính “From Afar” của đạo diễn Lorenzo Vigas đến từ Venezuela giành giải Sư tử Vàng tại LHP Venice. LHP Cannes xướng tên “người chiến thắng” là “Dheepan” – bộ phim của đạo diễn kỳ cựu người Pháp Jacques Audiard xoay quanh những người tị nạn Sri Lanka trên đất Pháp, và ngôn ngữ sử dụng chủ yếu trong phim là tiếng Tamil. Còn LHP Berlin thì tiếp tục tôn vinh điện ảnh Iran khi trao giải Gấu Vàng cho phim “Taxi” của đạo diễn Jafar Panahi, người bị cấm làm phim ở quê nhà Iran từ năm 2010.
Phim điệp viên lên ngôi, trừ… 007
Chỉ tính riêng tại Hollywood trong năm 2015 đã có hơn 20 tác phẩm khai thác đề tài điệp viên và nội gián được ra mắt công chúng, trong đó nổi bật là 8 cái tên: “Kingsman: The Secret Service”, “Spooks: The Greater Good”, “Spy”, “Mission: Impossible – Rogue Nation”, “The Man from U.N.C.L.E.”, “American Ultra”, “Bridge of Spies”, và “Spectre”.
Phần lớn trong số này đều thành công về mặt doanh thu, trong đó tập thứ 24 về điệp viên James Bond 007 mang tên “Spectre” được khán giả mong chờ nhất. Nhưng trớ trêu thay, tập phim này thật sự là một bước lùi khổng lồ của loạt phim 007, mặc dù nghe đâu kinh phí sản xuất thuộc loại đắt nhất lịch sử: 300 triệu USD. Phim liên kết với 3 tập 007 trước đó, nhưng cách xây dựng tình tiết lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết, diễn xuất vô hồn nhạt nhẽo của hầu hết ngôi sao trong phim. Đỉnh điểm là sự xập xệ già nua của Daniel Craig trong vai James Bond 007, khiến bom tấn này trở thành một trong những tập phim đáng xấu hổ nhất của loạt phim, mặc dù vẫn thắng lớn với doanh thu gần 800 triệu USD. Dù chưa biết số phận chàng điệp viên hào hoa nước Anh sẽ đi đến đâu, nhưng khán giả vẫn hy vọng sẽ được xem Bond 25 với dàn diễn viên mới và góc nhìn mới mẻ hơn trong tương lai.
Phim siêu anh hùng giậm chân tại chỗ
Trong các năm trở lại đây, dòng phim siêu anh hùng chuyển thể từ thế giới truyện tranh phát triển rất mạnh và là vũ khí chiến lược của các hãng phim lớn trên toàn cầu. Trong năm 2015, chỉ vỏn vẹn có hai tựa phim từ “vũ trụ” Marvel là “Ant-Man” và “Avengers: Age of Ultron”. Dù đạt đến hơn 2 tỉ USD doanh thu nhưng chất lượng kịch bản của hai tác phẩm đều bị nhiều chê trách do kém hấp dẫn hơn hẳn so với các phim trước. Điều này cũng khiến cho dòng phim này có dấu hiệu chững lại. Nhưng khán giả vẫn rất hy vọng năm 2016 sẽ là cú vùng dậy mạnh mẽ của dòng phim siêu anh hùng với hơn 7 tựa phim đình đám: “Deadpool” (Marvel và Fox), “Batman vs. Superman: Dawn of Justice” (DC & Warner Bros.), “Captain America: Civil War” (Marvel và Disney), “X-Men: Apocalypse” (Marvel và Fox), “Suicide Squad” (DC& Warner Bros.), “Gambit” (Marvel& Fox), và “Doctor Strange” (Marvel và Disney). Đây cũng là cuộc chiến lớn nhất trên màn ảnh giữa hai ông trùm truyện tranh khổng lồ của thế giới là DC Comics và Marvel, dưới sự bảo bọc của những gã khổng lồ ở Hollywood như Fox, Warner Bros. và Disney. Dĩ nhiên, các bộ phim về những người hùng truyện tranh vẫn sẽ ăn nên làm ra ít nhất là trong một thập niên tới, khi mà kế hoạch phát triển những loạt phim siêu anh hùng của các hãng ngày một dày đặc hơn.
LGBT: Chủ đề “vua” của năm 2016?
Nửa cuối năm 2015 chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của các tác phẩm về người đồng tính, song tính và chuyển giới, cùng sự kiện Mỹ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, là tiền đề để dòng phim này trở lại ngôi vương trong năm 2016, sau một khoảng thời gian bị thoái trào.
Khán giả đang mong đợi để được thưởng thức câu chuyện về cô gái chuyển giới Einar Wegener trong “The Danish Girl” với phần diễn xuất của diễn viên người Anh Eddie Redmayne vừa đoạt giải Oscar hồi đầu năm 2015. “Freeheld” dựa trên phim tài liệu ngắn, là câu chuyện có thật về trận chiến pháp lý của một nữ nhân vật đã đấu tranh giành trợ cấp hưu trí cho phụ nữ, sau khi biết được mình mắc phải ung thư giai đoạn cuối, với sự góp mặt của hai ngôi sao Ellen Page và Julianne Moore. Ngoài ra, còn nhiều tựa phim đáng chú ý khác như “Grandma” do Lily Tomlin đóng vai chính, câu chuyện gia đình của những người đồng tính nữ trong “About Ray” cùng màn diễn xuất tuyệt vời của Elle Fanning và Naomi Watts, “Stone Wall” do đạo diễn Roland Emmerich thực hiện về cuộc đấu tranh cùng tên giành quyền bình đẳng của người đồng tính tại New York trong năm 1969…
Đáng chú nhất trong số này chính là “Carol”, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “The Price of Salt”, với sự góp mặt của hai minh tinh Cate Blanchett và Rooney Mara. Đây là dự án ấp ủ hơn 11 năm của các nhà sản xuất Anh quốc, sau khi tranh cử giải Cành cọ Vàng LHP Cannes 2015, “Carol” tiếp tục dẫn đầu danh sách đề cử Tinh thần Độc lập 2016 (Independent Spirit Awards) – giải thưởng quan trọng thứ ba trong năm sau Oscar và Quả cầu Vàng, tranh tài tại 5 hạng mục với 6 đề cử bao gồm: phim truyện, đạo diễn, kịch bản, diễn viên nam/nữ chính và quay phim xuất sắc nhất.
Liệu dòng phim LGBT có vượt lên định kiến và mang về nhiều thành công trong năm 2016? Sự bùng nổ của đề tài này cũng là tín hiệu tốt cho nhiều nhà làm phim trẻ thuộc cộng đồng LGBT trên thế giới, giúp họ tin tưởng hơn vào chủ đề phim mà mình lựa chọn để thực hiện, hơn là e dè trước những kì thị như trước đây.
Bài: Bá Vũ