Tâm sự người mẹ cho con tiêm Quinvaxem trước "bão" Pentaxim - Tạp chí Đẹp

Tâm sự người mẹ cho con tiêm Quinvaxem trước “bão” Pentaxim

Sức Khỏe

Vắcxin “5 trong 1” Quinvaxem. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Với họ, một chút phấp phỏng lo âu khi con bị sốt sau tiêm đã qua đi. Và giờ nhìn lại, họ vẫn cứ rỉ tai nhau rằng: Quinvaxem thực sự không có gì đáng sợ như một bộ phận người dân ở các thành phố lớn đang lo sợ và đồn thổi một cách không cần thiết.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ tiêm vắcxin Quinvaxem là khoảng 90%. Năm 2015, trên địa bàn, các trung tâm đã tiêm hơn 387.000 liều Quinvaxem, trong đó tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã tiêm 22.160 mũi và đảm bảo an toàn cho trẻ được tiêm.
Theo Thống kê của Bộ Y tế, từ khi triển khai tiêm vắcxin Quinvaxem (2010) đến nay, có khoảng 25 triệu mũi tiêm Quinvaxem được tiêm cho trẻ em, với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vắcxin hàng năm đạt trên 90%. Trong năm 2015, cũng đã có 4,8 triệu liều vắcxin Quinvaxem được tiêm chủng cho trẻ tại tất cả các điểm tiêm chủng xã/ phường trên cả nước.
Phóng viên VietnamPlus ghi lại những chia sẻ của ba trong số hàng triệu người mẹ đã cho con tiêm vắcxin Quinvaxem trong thời gian vừa qua.
Chị Kiều Phương Giang (30 tuổi), ở Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội: 
Tôi là mẹ của hai cháu nhỏ đang trong độ tuổi tiêm phòng, nên tôi rất hiểu tâm lý hoang mang, lo lắng của các bậc phụ huynh hiện nay. 
Trước đây, cháu lớn nhà tôi được tiêm phòng vắcxin 5 trong 1 dịch vụ (Pentaxim), nhưng đến cháu thứ hai, do không có thuốc dịch vụ nên tôi cho cháu tiêm Quinvaxem theo chương trình tiêm chủng mở rộng. 
Hiện nay, cháu đã được tiêm đầy đủ 3 mũi Quinvaxem và bản thân tôi thấy không thấy có gì đáng ngại về sức khỏe của cháu sau tiêm chủng.
Mũi đầu tiên, do cháu được tiêm khi 2 tháng tuổi, sức đề kháng còn yếu nên sau tiêm, cháu có sốt. Nhưng hai mũi sau thì cháu không sốt, vẫn vui chơi và bú mẹ bình thường.
Tôi nghĩ rằng, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về việc tiêm vắcxin dịch vụ hay vắcxin miễn phí, điều quan trọng là theo dõi sức khỏe của con mình. Nếu cảm thấy con mình không khỏe, chưa sẵn sàng cho việc tiêm chủng thì nên lùi lại.


Hai bé nhà chị Kiều Phương Giang ngoan ngoãn và đáng yêu. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Chị Nguyễn Thanh Tâm (25 tuổi) – Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus:
Cách đây mấy tháng mình cũng trong tình cảnh như nhiều bậc phụ huynh hiện nay là “săn lùng” vắcxin dịch vụ. Tuy nhiên, sau gần một tuần rong ruổi khắp các trung tâm, gọi điện khắp các viện lớn như Hồng Ngọc, Vinmec, Việt Pháp… đều nhận được chung một câu trả lời là hiện không có vắcxin dịch vụ 5 trong 1. Do vậy, mình đã quyết định tiêm vắcxin Quinvaxem cho con.
Trước khi tiêm cho con mình cũng đọc và tìm hiểu nhiều thông tin về loại vắcxin này cũng như những phản ứng của trẻ sau khi tiêm đồng thời chuẩn bị sẵn tinh thần đề phòng khi con bị sốt.
Vì là con đầu lòng nên mình suy nghĩ rất kỹ lưỡng và cẩn trọng trước khi đi tiêm. Mình cũng đã hỏi han kinh nghiệm từ nhiều mẹ từng cho con tiêm vắcxin Quinvaxem để có các biện pháp giảm bớt phần nào sự lo lắng. 
Và mình nhận được nhiều câu trả lời từ các mẹ đều khuyên cứ yên tâm cho con tiêm, chỉ cần theo dõi không để con sốt cao là được. 
Với suy nghĩ, hàng nghìn người cũng cho con tiêm như vậy, thì con mình cũng tiêm được và “trộm vía” mũi 1 sau khi tiêm, em bé nhà mình có sốt nhưng chỉ khoảng 38 độ, không quá cao nên mình chỉ chườm khăn ấm hạ nhiệt cho bé và sau 1 ngày bé lại chơi như bình thường nên mình đã thở phào nhẹ nhõm. 
Những mũi sau, phản ứng của bé tốt hơn, bé không sốt cao.
Mình thấy, nếu có vắcxin dịch vụ, thì mình cũng không ngần ngại để tìm cách tiêm phòng cho con, nhưng trường hợp bất khả kháng, mình nghĩ nên tiêm phòng cho bé đúng thời điểm thì sẽ hiệu quả hơn là việc chờ đợi rồi bị nhỡ lịch tiêm của con. 
Theo mình, các kinh nghiệm hạ sốt cho con sau khi tiêm Quinvaxem thì các mẹ có thể tham khảo trên mạng còn bản thân mình cũng áp dụng ví dụ như, mẹ uống nước lá tía tô cho con ti cho mát, cố gắng không để con khóc và cho con ti nhiều, kết hợp chườm ấm cho con, mặc đồ thoáng…


Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tiêm chủng là biện pháp hiệu quả để dự phòng nhiều bệnh. (Ảnh: TTXVN)

Chị Nguyễn Thị Huyền Phương (31 tuổi), nhân viên Ngân hàng, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thẳng thắn:
Những ngày qua nhìn các bậc phụ huynh khổ sở dầm mưa hay canh máy tính để có thể lấy được cho con một mũi vắcxin dịch vụ quả thực tôi thấy quá kịch tính. Bởi bé nhà tôi chỉ đi sang phường tiêm phòng cách nhà 300 mét rất đơn giản và không phải mất tiền hay chờ đợi nhiều.
Bé nhà tôi giờ đã gần 1 tuổi. Khi bé được 2 tháng tuổi thì tôi đã đưa bé sang phường tiêm. Đến ba tháng bé tiêm mũi 2, tuy nhiên sau đó bé hơi ốm nên đến tháng thứ 6 tôi mới cho bé tiêm mũi thứ ba.
Mặc dù có chút lo ngại khi biết 1 vài trường hợp em bé tử vong sau khi tiêm nhưng tôi nghĩ các bà mẹ chỉ cần lưu ý một vài điểm sau để tăng khả năng an toàn cho con như, theo dõi kỹ tình hình sức khỏe của em bé trước khi tiêm, chú ý những triệu chứng em bé không được khỏe như ho, sổ mũi, sốt…, kiểm tra kỹ nhiệt độ trước tiêm, đảm bảo em bé thật khỏe mạnh khi đi tiêm.
Sau khi tiêm cần ở lại theo dõi sốc theo đúng quy định và theo dõi bất thường trong vòng 30 phút sau tiêm để có phản ứng kịp thời. 
“Trộm vía” con mình có bị sốt sau khi tiêm, thậm chí sốt trong 2 ngày khi tiêm mũi đầu nhưng sốt đã giảm khi tiêm các mũi sau. 
Theo mình, nếu không tìm được vắcxin dịch vụ mình nghĩ các mẹ nên cân nhắc kỹ giữa việc phòng bệnh cho con và việc tiêm vắcxin Quinvaxem là lựa chọn phổ biến nhất trong mùa cao điểm dịch bệnh này.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, các kết quả nghiên cứu đánh giá cho thấy hơn 97% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra sau tiêm chủng 3 liều cơ bản với Quinvaxem. Hơn 91% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh Viêm gan B sau khi tiêm chủng vắc xin theo lịch mà chưa được tiêm chủng vắc xin viêm gan B vào lúc sinh.
Vì Quinvaxem có chứa thành phần toàn tế bào nên có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng như sốt, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc,… nhưng đạt hiệu quả miễn dịch tốt hơn vắcxin chứa thành phần vô bào (như Pentaxim). Trong khi đó, tỷ lệ phản ứng nặng và trường hợp tử vong của Quinvaxem so với vắcxin chứa thành phần vô bào như Pentaxim là như nhau.

Do vậy, trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, các bậc phụ huynh hãy sáng suốt lựa chọn thời điểm tiêm chủng và loại vắcxin phù hợp với trẻ.

Theo VietnamPlus

Thực hiện: depweb

31/12/2015, 14:43