“Tạo dựng một quá khứ thuyết phục là nghề của phụ nữ”

Nói hết? Hay là đàn ông cứ tưởng thế?

Đa phần, nữ giới nói nhiều hơn đàn ông. Trong một cuộc gặp gỡ, thường thì đàn ông lắng nghe. Vì ít nói hơn, nam giới lại tưởng những gì mình được nghe là tất cả. Rằng trong lòng có gì nàng đã kể hết. Thật vậy không?

Phụ nữ nói nhiều, kể nhiều, nhưng là những chuyện vô thưởng vô phạt. Chuyện nào cũng có vẻ như đầy ý nghĩa, kỳ thực những ý nghĩa đáng giá nhất, họ giữ lại. Vì ai cũng có những bí mật của mình.

Phụ nữ nói những gì? Họ kể chuyện. Đã là chuyện, bao giờ cũng thú vị, cũng đầy tình tiết, cũng giàu chi tiết, cũng hấp dẫn, cũng kết thúc có hậu (vì nếu không có hậu, họ đâu còn ngồi bên bạn mà kể). Họ kể chuyện đời họ, kỷ niệm ấu thơ, mối tình đầu, bi kịch gia đình, ước mơ sự nghiệp đã thành hoặc bất thành; họ kể chuyện những người họ quen biết với chi tiết phong phú như thể đó là chính họ; họ kể chuyện có thật và giống-như-thật, những chuyện khiến bạn phá ra cười hoặc rưng rưng thương cảm. Họ là những bậc thầy trong nghệ thuật kể chuyện.

Tạo dựng một quá khứ thuyết phục là nghề của phụ nữ.

Nhưng sao họ không kể tất cả? Vì chúng ta, những người đàn ông, có bao giờ kể gì cho họ đâu! Dù là kể hay, kể dở, lẽ ra chúng ta nên kể. Răng đổi răng, chúng ta phải lấy chuyện đổi chuyện.

Tại sao đàn ông cứ giữ lại tất cả? Họ sợ. Họ sợ mất hình ảnh.

Cho anh hư cấu một câu chuyện, anh không có khả năng. Mà chỉ nói thật, không được hư cấu, thêu dệt, tưởng tượng, thì anh mặc cảm, anh sợ. Ai cũng có những bí mật, và đàn ông chúng ta luôn lo lắng khi chia sẻ bí mật vì đa phần những bí mật ấy chán ngắt chứ chẳng trầm trọng, hồi hộp, thắt nút mở nút gì hết. Những bí mật nhàn nhạt, phẳng tênh không xứng tầm nam nhi – vậy nên chúng ta không dám kể.

Tôi đã có nhiều dịp ngồi nghe cơ man nào là câu chuyện do những người đẹp kể. Điều đáng ngạc nhiên không phải vì những chuyện ấy quá hay, quá thuyết phục, mà là người kể quá trẻ. Chưa đầy hai mươi tuổi. Tại sao một đời sống chỉ vừa chớm, quá ít trải nghiệm, mà có thể dựng nên những câu chuyện sóng gió ăm ắp tình tiết đến thế? Làm sao họ có thể tưởng tượng được những thứ giống như thật, có đầy đủ chi tiết không gian thời gian, để một người gấp đôi tuổi họ tin sái cổ? Sao họ hay ho đến vậy?

Trời sinh họ là những nhà kể chuyện thiên tài. Đàn ông là những người sinh ra để nghe chuyện họ kể, và luôn phải mặc cảm vì mình không tài nào nghĩ ra được một câu chuyện đáng đồng tiền bát gạo. Tôi có vài lần thử kể một chuyện tưởng tượng, lần nào cũng thất bại vì không nghĩ ra được điều gì khả dĩ hấp dẫn. Mà chuyện thật thì lại càng chán. Chúng ta đâu có được bình đẳng trước sóng gió, mười cuộc đời thì hết chín là chẳng có biến cố gì, lớn lên, già đi mà không làm nên một câu chuyện.

Vì vậy, nam giới chúng ta được quyền im lặng để lắng nghe cái vỏ của một tâm hồn. Chỉ có thể chạm đến cái vỏ. Phần ruột đẹp đẽ hay xấu xí, chúng ta không bao giờ nhìn thấy, dù ở một thiếu nữ đôi mươi mới hẹn hò hay ở người vợ đầu ấp tay gối hai mặt con. Không bao giờ có thể chạm được đến thế giới thật của họ.

Họ: người kể chuyện. Ta: kẻ nghe chuyện. Hãy chấp nhận điều này, đừng đòi hỏi.  

Bài: Quốc Bảo

logo


From the same category