1. Hơn 10 năm rồi nếu tính từ thời điểm 2001, khi Victor Vũ về VN để tìm cách sản xuất “Oan hồn” – bộ phim kinh dị đầu tiên của anh. Không quen biết ai, càng xa lạ với việc phải nộp và chờ duyệt kịch bản, rồi không đồng ý vì đề tài kinh dị khi đó còn là cấm kỵ… Victor Vũ đành sản xuất “Oan hồn” tại Mỹ.
Nhưng mắc mớ ấy không là cái barie để anh chàng đạo diễn Việt kiều này quên đi VN. “Tôi tin mình vẫn sẽ trở về nhà và vì thế năm 2007, tôi đem theo kịch bản “Chuyện tình xa xứ” cùng một anh bạn chuyên về địa ốc về VN để quyết làm phim này”. À đúng là thời gian đó, dư luận cũng râm ran là ngoài “Dòng máu anh hùng” thì có một ông Việt kiều khác cũng đang quay phim ở TP.HCM! Victor cười ranh mãnh “thằng – lúc đó chưa là ông, lúc đó là thằng!”
2. 10 năm, có lẽ đến bây giờ, người ta đã không còn nhắc “Giao lộ định mệnh”với Victor Vũ nữa. Bởi lẽ những gì anh làm được, con đường anh đi đã là câu trả lời. Nhưng dấu mốc ấy, sự trả giá lại nằm ở phía truyền thông. Không “thèm” giống sự “nice” của đa số nhà làm phim gốc Việt đang làm phim ở Việt Nam, Victor Vũ khước từ đa số những cuộc vui, hiếm hoi mới có thể thấy một đôi bài phỏng vấn. Ngay cả giải thưởng Cánh Diều vinh danh cả hai phim lớn của Victor là “Thiên mệnh anh hùng” và “Scandal – Bí mật thảm đỏ”, Victor cũng có lý do để từ chối!
Không chọn một cách đi an toàn, dù có thể nói chính Victor là người đã mở toang cánh cửa phòng vé với thể loại kinh dị, ly kỳ: “Giao lộ định mệnh”, “Scandal – Bí mật thảm đỏ”, “Quả tim máu”… thể loại tâm lý hài hước:“Cô dâu đại chiến” 1 & 2. “Thiên mệnh anh hùng” có vẻ như lại là một thách thức mới, để người ta cũng khẽ mừng, rằng Việt Nam cũng có thể làm phim cổ trang võ hiệp, xem không sống sượng, không vụng về như… “Tây Sơn hào kiệt”, chẳng hạn. Dù rằng “Thiên mệnh anh hùng” cũng không dễ dàng lấy lại doanh thu. “Tôi không đặt doanh thu phòng vé là mục đích làm phim, đó là mục đích của nhà sản xuất. Nhưng có lẽ đến “Scandal”, tôi bắt đầu có cảm giác của một người làm chủ công việc của mình, tôi được lựa chọn cái tôi muốn làm, và chỉ cần làm thật tốt cái mình muốn, thì sẽ thành công”.
Victor Vũ là đạo diễn hiếm hoi chịu khó… xem phim Việt. “Phim nào tôi cũng đi xem hết, dù hay, dù dở, nếu đó là phim Việt thì tôi không bỏ qua”. Có facebook, nhưng kiệm lời (ngoài đời sống sao trên mạng sống hao hao như vậy!), ít khi người ta thấy Victor Vũ post gì đó mang tính cá nhân lên mạng. Thế nên mỗi khi anh thú vị với một phim nào đó, một lời khen của anh dường như cũng bằng vạn cái vỗ tay. Đạo diễn của phim sướng một, thì nhà phát hành sướng bằng mấy. Hình như đến giờ, mới có 3 phim Việt được tay đạo diễn nổi tiếng khó tính và giấu mình này, buông lời khen. Nhưng “hậu quả” thì khôn lường. Tối vừa xem xong khen một câu, sáng hôm sau thông cáo báo chí trích lời đạo diễn Victor Vũ đã bay như bướm bướm… Thị trường điện ảnh Việt, người được “lợi dụng” như Victor Vũ, có lẽ hơi bị hiếm!
3. Mẹ Victor Vũ mang thai anh ở Việt Nam nhưng sinh anh ở Mỹ năm 1975, chính vì lý do này Victor hay đùa: Tôi là người sản xuất ở Việt Nam mà phát hành bên Mỹ. Những thông tin còn lại, Victor gần như không bao giờ tiết lộ. Nhưng, có những điều khá kỳ khôi. Có lần, người viết trò chuyện với đạo diễn Phan Đăng Di về Victor Vũ, Phan Đăng Di bảo: Tôi tin một người tinh khôn như Victor, ắt hẳn là gốc Bắc. Lấy điện thoại nhắn tin hỏi: Victor, có phải anh gốc Bắc không? Victor nhắn lại: Đúng, anh gốc Bắc. Phan Đăng Di lại hóm hỉnh nói tiếp, không những gốc Bắc, chắc chắn Victor là quê ở Nam Định! Lại nhắn tiếp hỏi, Victor kiên nhẫn trả lời: Ừ đúng, Bố quê ở Nam Định! Đến bây giờ cũng không biết có phải Phan Đăng Di đã biết thông tin mà cố tình “troll” người viết không, nhưng nói gì thì nói, người Nam Định có cái cốt cách khó lẫn, thường là rất giỏi văn, và cũng rất giỏi hài hước, châm biếm…
Kín tiếng, nên chuyện đời tư của Victor cũng luôn là ẩn số. “Đam mê lớn nhất của tôi là làm phim, nên tôi luôn bận tâm với việc đó đến mức chẳng còn biết đến đam mê nào khác”. Không phải người ta chưa từng thấy Victor đi với cô này, hay cô kia. Nhưng anh không phải là một kẻ lăng nhăng dù bề ngoài điển trai đến bất thường so với một đạo diễn, lại luôn tóc bóng mượt, quần áo tề chỉnh khi trên set. 10 năm ở VN, chắc chắn tên Victor chỉ gắn với 3 người phụ nữ mà chỉ đến lễ vu quy của diễn viên xinh đẹp Đinh Ngọc Diệp, bóng hồng của Victor Vũ mới lần đầu tiên danh chính ngôn thuận mà công khai! Lễ vu quy rực một màu hồng và được báo chí hào hứng theo dõi cập nhật từng hành vi cử chỉ của nhà trai nhà gái giữa Victor và Đinh Ngọc Diệp. Victor Vũ hạnh phúc không chỉ bên cô dâu, hạnh phúc còn bởi bên anh có mẹ, người lần đầu tiên trở về Việt Nam để ra mắt phim của con mình. Lễ vu quy ấy diễn dù được định trước nhiều ngày nhiều tháng trước nhưng tình cờ nó lại trùng với thời điểm mà cái tên Victor Vũ nóng hơn bao giờ hết bởi hiệu ứng hoa vàng cỏ xanh! Giống với trạng nguyên ngày xưa, Victor Vũ đã thỏa nguyện (nếu anh có ước nguyện) rằng đại đăng khoa rồi sẽ tiểu đăng khoa!
Thấm thoát, Victor Vũ đã về Việt Nam sống và làm việc gần 10 năm, ngày nào tóc xanh mướt ở lễ ra mắt “Chuyện tình xa xứ” thì hôm nay, trong buổi sáng Sài Gòn chói chang nắng, tôi ngạc nhiên, tóc của Victor đã điểm bạc. Ừ thì đã 10 năm. Trong cả khoảng thời gian đó, anh gắn bó với Việt Nam một cách mật thiết bất bình thường! Bởi nếu như các đạo diễn Việt kiều khác thường cập nhật công việc xen kẽ của họ ở Mỹ hay một nước nào đó, thậm chí gia đình cũng ở nước ngoài thì Victor Vũ lúc nào cũng đang làm phim ở Việt Nam. Hỏi khó, gắn bó với Việt Nam đến thế, nếu có cơ hội làm phim ở nước ngoài, anh có đi không? Victor Vũ bình thản trả lời: “Tôi thích làm phim ở Việt Nam bởi tôi tin rằng ở Việt Nam, nơi tôi hiểu khán giả, khán giả hiểu tôi, tôi mới có thể kể câu chuyện mà tôi và họ sẽ thích thú. Tôi đã có công ty riêng. Đầu tiên là đầu tư, sau này sẽ tính chuyện sản xuất. Tôi chỉ có lẽ chỉ đủ sức làm một phim mỗi năm, vì vậy, tôi muốn cùng công ty của mình hỗ trợ cho các bạn đạo diễn trẻ làm phim, tôi làm sản xuất. Việt Nam, tôi không dám trả lời tuyệt đối vì cơ hội nào khác phải chờ nó xuất hiện mới biết mình lựa chọn ra sao, nhưng hiện tại, bây giờ, với cuộc sống và đam mê này, tôi cứ tin tôi sẽ ở đây. Mãi mãi!”
– Phan Đăng Di: “Mày muốn gì, tên làm phim kia?”
– Victor Vũ: Đại đăng khoa rồi lại tiểu đăng khoa
– Quốc Trung: “Làm cái bóng của người thân đáng giá hơn nhiều”
– Công Trí: Một thập kỷ thời trang và sáng tạo
– Johnny Trí Nguyễn: Hành trình 10 năm của một gã rong chơi
Bài: Cát Khuê
Ảnh: Mạnh Bi