Từ “thảm hoa” đến “thảm… họa”
Bộ phim mới nhất của Hàn Quốc được chiếu ở Việt Nam tháng 11/2015 – “The Advocate” (tựa tiếng Việt: “Xác chết bí ẩn”) – nhận được đánh giá tích cực của nhiều người yêu phim. Sự dung hòa giữa yếu tố giải trí và tính luận đề của tác phẩm thuộc thể loại hình sự, trinh thám pha hài hước được cân bằng khá tốt. Cũng tại Việt Nam, từ 11/12, bộ phim được làm dựa trên kịch bản gốc của Hàn Quốc: “Miss Granny” (Ngoại già tuổi đôi mươi) sẽ ra mắt khán giả dưới cái tên “Em là bà nội của anh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh).
Năm trước, “Snowpiercer” – bộ phim nói tiếng Anh của đạo diễn Bong Joon Ho với hàng loạt ngôi sao lớn của Hollywood góp mặt đã được hãng phim Weinstein Company mua bản quyền phát hành tại Mỹ và gây tiếng vang lớn.
“Làn sóng Hàn” sau một hồi tích tụ, lan theo chiều rộng nay đang dần chuyển sang chiều sâu, theo hình thái “lạt mềm buộc chặt”. Chiến lược “Cool Korea” mà nước này đặt ra hồi đầu thế kỷ, với mục đích tạo nên cảm giác “sành điệu” từ nhiều loại hình văn hóa phổ thông (pop culture) nay đang tiến đến những sản phẩm đại chúng mang hàm lượng sáng tạo cao hơn, có tư tưởng và hơi hướng hàn lâm.
Có thể kể ra một số dòng phim chiếu rạp vừa mang tính giải trí vừa có yếu tố nghệ thuật đã hình thành khá rõ nét. Đầu tiên là loạt phim về thảm họa với rất nhiều “gương mặt đại diện”. Với kinh phí 10 tỷ won, “Haeudae” (Sóng thần ở Haeudae) – bộ phim với những cảnh quay hoành tráng về con sóng thần hung dữ cao hàng trăm mét – đã lôi kéo hơn 10 triệu khán giả tới rạp, trở thành Top 5 bộ phim có doanh thu phòng vé nội địa cao nhất năm 2009. Nhiều tác phẩm sau đó hoành tráng không thua phim thảm họa của Mỹ hay Trung Quốc như “The Tower” (Tháp lửa), “The Flu” (Đại dịch cúm), “Deranged” (Nguồn nước chết)… Thành công của dòng phim này có ý nghĩa rất lớn về mặt thời sự, xã hội, đáp ứng mối bận tâm của người dân Hàn Quốc – một đất nước ở vị trí địa lý luôn phải đối mặt với nhiều hiểm họa, thách thức của thiên nhiên và từ láng giềng.
Không có lịch sử lâu đời như Trung Hoa, Ấn Độ…, nhưng Hàn Quốc vẫn có nhiều bộ phim lịch sử đáng xem. “Assasination” (Sứ mệnh truy sát), “Masquerade” (Hoàng đế giả mạo), “Ode To My Father” (Lời hứa với cha)… là những bộ phim như thế. Câu chuyện xưa cũ nhưng vẫn mang đến cảm xúc rất đương đại khiến chúng vô cùng ăn khách ở bản xứ.
Sau phim thảm họa, lịch sử, khối lượng đồ sộ hơn là những bộ phim có đề tài xã hội và gia đình. Qua thời phim “mì ăn liền”, Hàn Quốc ngày càng có những tác phẩm điện ảnh gây tiếng vang lớn trong những năm qua là “The Host” (Quái vật sông Hàn), “Miracle in Cell No.7” (Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7), “A Werewolf Boy” (Sói), “All About My Wife” (Yêu vợ tôi đi), “Dancing Queen” (Nữ hoàng khiêu vũ)…
Ngay trong năm 2015, Hàn Quốc cho ra mắt nhiều phim tâm lý, hình sự, trinh thám, vừa có tính giải trí vừa mang tiếng nói đanh thép trước những vấn đề xã hội. Sau “The Attorney” (Ngài luật sư) từng giành giải thưởng nghệ thuật Baeksang, “The Advocate” tiếp tục là phim đặt ra sự đối lập giữa cạm bẫy, cám dỗ và sự chính trực mà nghề luật sư phải đối mặt, đồng thời phơi bày các tập đoàn dược phẩm làm giàu trên thân thể người nghèo, sự vô tình của viện kiểm sát. Những bộ phim hấp dẫn và ý nghĩa khác như “Veteran” (Chạy đâu cho thoát), “Chronicles of Evil” (Vòng tròn tội ác), “The Gifted Hands” (Bàn tay ngoại cảm), “The Spy” (Điệp viên sợ vợ)… đều mang đến những câu chuyện gai góc, đậm tính phản biện trước những thực trạng nhức nhối.
Với phim hình sự, trinh thám, vấn đề quan trọng nhất để tạo sự hấp dẫn là khâu kịch bản thì đây là thế mạnh rất lớn của nền điện ảnh xứ kim chi. Khi kinh đô Hollywood đang vấp phải vấn đề “bí ý tưởng” thì Hàn Quốc liên tục gây ngạc nhiên ở khoản này.
Không chỉ có Kim Ki Duk
10 năm trở lại đây, Hàn Quốc không thiếu những tác phẩm điện ảnh thu hút trên 10 triệu khán giả. Năm 2014, “The Admiral: Roaring Currents” (Đại thủy chiến), bộ phim về cuộc chiến nghẹt thở của binh tướng Triều Tiên khi kinh thành Joseon đứng trước nguy cơ xâm chiếm của quân đội Nhật, chạm tới con số khán giả kỷ lục là 17 triệu lượt xem.
Quy mô thị trường trong nước mở rộng và đã có làn sóng những diễn viên, đạo diễn ra ngoài biên giới học làm phim, đồng thời khẳng định mình. Park Chan Wook – người từng nổi danh trong nước với “Oldboy” – đến Mỹ làm “Stocker” với diễn xuất của Nicole Kidman. Kim Jee Woon – người có “The Good, the Bad and the Weird” làm mưa làm gió trong nước, đến Mỹ có “The Last Stand” (Chốt chặn cuối cùng) được đánh giá tốt… Các diễn viên Ahn Sung Ki, Lee Byung Hun… góp mặt trong nhiều bộ phim bom tấn Hollywood.
Vấn đề còn lại bây giờ của Hàn Quốc, nhất là trong sự so sánh với Nhật Bản, đó là sự khát khao có kiệt tác vươn tới những sân chơi lớn như Oscar, Cannes, Venice… Năm 2012, LHP Venice đã gọi tên người Hàn trên bục trao giải Sư tử và vinh dự này thuộc về nhà làm phim Kim Ki Duk với bộ phim “Pietà” (Sự cứu rỗi). Tất nhiên, nhắc đến phim “art house” thì Hàn Quốc không chỉ có Kim Ki Duk, nhưng đến nay, Venice vẫn là điểm dừng chân cao nhất với điện ảnh xứ này.
“Giấc mơ Hàn” vì thế mà hẵng còn lâu mới chịu khép lại!
Bài: Bùi Dũng