Cưới nhầm người

Xã hội mới, những cô gái phải trở nên kén chọn thì mới thể hiện được bản lĩnh và tinh thần độc lập tự chủ, cánh đàn ông cũng vì thế mà nể phục. Cô bạn tôi vẫn thường đùa: “Càng lựa kĩ càng có quả ngon” mỗi khi cho vài anh chàng rớt đài. Nhưng cũng có những người kén cá chọn canh chán chê cuối cùng vẫn cưới nhầm người. Câu hỏi đặt ra là vì sao phụ nữ thường bỏ ra hàng tấn công sức để nhận biết, tìm hiểu, chấp nhận và yêu thương đàn ông để rồi sau một thời gian mất mát, đau khổ, tàn phai mới chợt nhận ra người đó không hợp với mình, không đúng ý mình, và không phải là của mình? Kết hôn chỉ để có một cuộc hôn nhân không hồi kết.

Tôi mang băn khoăn của mình ra hỏi mấy cô bạn thân.

Chúng ta cưới nhầm người vì chúng ta không hiểu chính bản thân mình. Bạn A nói.

Khi tìm bạn đời, các tiêu chí mà ta đặt ra thường được tô vẽ dựa trên những điều rất mơ hồ chung chung; ta sẽ muốn gặp được người nào đó “tốt bụng”, “vui vẻ khi ở bên nhau”, “dễ thương” hoặc “thích phiêu lưu mạo hiểm”…Những mong muốn đó không hề sai, không lạc hướng chỉ là không đủ chính xác, đối với riêng ta, không đủ cơ sở để ta có thể có cơ hội hạnh phúc – hay chính xác hơn – cơ hội để không bị đau khổ, đổ vỡ sau này. Tất cả chúng ta đều hơi “điên khùng” theo cách của riêng mình, nhưng chẳng ai can đảm hay thật lòng đến mức bắt chúng ta phải nhìn ra ta thực sự là ai, để từ đó biết mình có thể gặp được người như thế nào, có thể có được kiểu bạn đời ra sao. Chúng ta thường huyễn hoặc về sức chịu đựng của mình, thường quá tin vào sức mạnh tình yêu có thể thay đổi tất cả và vì thế trở nên bất hạnh ngay sau đám cưới. Một điều rất đơn giản: Nồi tròn xin đừng úp vung méo. Nồi tròn xin đừng hi vọng đến một ngày vung méo tự khắc thành tròn. Tất cả mọi sự xảy ra trên đời đều có lí do của nó và vì vậy có hi vọng cũng nên hi vọng đúng chỗ và hi vọng một cách thực tế. Có lẽ câu hỏi đầu tiên khi gặp nhau nên là: “Anh ‘điên’ cỡ nào?” thay vì tự tìm hiểu, tự tô vẽ và rồi thất vọng, đau khổ.

Chúng ta cưới nhầm người đơn giản vì chúng ta không hiểu người khác. Bạn B nói.

Chúng ta đều  là những kẻ tự phụ về khả năng am hiểu tính cách người khác. Thật ra cả ti tỉ lần ta chẳng biết, chẳng hiểu tí ti gì về người kia nhưng cũng buông câu ra vẻ chân thành: “Em rất hiểu anh”. Và vô hình trung chị phụ nữ đã khiến cho anh đàn ông nghĩ rằng: cô ấy cũng giống mình thế nhỉ. Rồi giống như kẻ mới biết đi xe đạp đã nghĩ mình có thể lái máy bay, chúng ta chứng minh việc “hiểu” họ bằng cách đến thăm gia đình họ, gặp gỡ bạn bè họ, tham gia vào đời sống cá nhân của họ mà quên đi rằng: ê mình đâu có hiểu nó đâu, mình chỉ giả vờ hiểu nó thôi mà. Lâu dần việc tự tham gia đã trở thành thói quen, thành niềm tin và rồi khi sống với nhau ta mới nhận ra niềm tin đó là không có thực, thói quen đó đã đến lúc nhàm chán. Ta đau khổ nhận ra: ôi mình lấy nhầm người và ta chia tay.

Chúng ta cưới nhầm người vì chúng ta không quen được hạnh phúc. Bạn C nói. (Tất nhiên khi nghe xong câu này thì tôi cũng mắt tròn mắt dẹt há hốc mồm nghe bạn vanh vách nói.)

Chúng ta nghĩ và tin tưởng rằng chúng ta tìm kiếm niềm hạnh phúc khi yêu nhưng điều đó không hề đơn giản như vậy. Thực ra có lúc cái mà chúng ta tìm kiếm chỉ là sự quen thuộc, một thói quen, một nếp sinh hoạt dễ dàng. Bởi vì tất cả chúng ta đều sợ sự thay đổi, hầu như không muốn thay đổi. Chúng ta tự có câu trả lời cho mọi vấn đề và chấp nhận nó như một quy tắc bất thành văn. Giả dụ người yêu rất gia trưởng (ờ thì giống bố), người yêu không tôn trọng chúng ta mấy (ờ thì con trai mà, thích làm tướng), người yêu bỏ bê không quan tâm (ừ thì đàn ông khô khan), người yêu tán tỉnh các cô gái khác ngay trước mặt mình (chắc muốn mình ghen đây). Cuối cùng thì hạnh phúc đâu không thấy chỉ thấy đau khổ nhưng chúng ta vẫn cho rằng: yêu nhiều khổ nhiều, có yêu mới thấy đau. Bởi vậy, chúng ta cưới nhầm người đơn giản vì nếu gặp và yêu một người khác không giống bố, không khô khan, không thích làm tướng, không muốn mình ghen thì có vẻ như không đúng lắm. Chúng ta dần dần tự cho mình cái “quyền” được không yêu bản thân và không xứng đáng được hạnh phúc. Chúng ta cưới nhầm người đơn giản vì ta “nghiện” buồn, “nghiện” khóc, và “nghiện” đau khổ mà thôi.

Chúng ta cưới nhầm người đơn giản vì không chịu nổi cuộc sống độc thân. Bạn D nói. Kinh thánh có dạy: thà cưới gả còn hơn bị lửa tình un đốt. Cứ độc thân mãi đến khi quá mệt mỏi thì đành nhắm mắt đưa chân thôi. Chúng ta chả yêu người bạn đời của mình nhiều hơn sự độc thân là mấy, nhưng ít nhất cũng coi như đã đến đích, cũng cưới như ai, cũng có người sáng tối nhìn thấy mặt, ngủ chung giường, làm tình đều đặn hàng tuần không còn vò võ một mình. Càng già thì gánh nặng tuổi tác con cái càng bị xã hội đè lên vai, phụ nữ có mạnh mẽ đến mấy cũng có lúc khóc thầm vì những câu hỏi thiếu tế nhị. Thôi nếu có gặp được người tạm tạm thì cũng cưới phắt đi cho xong chuyện là suy nghĩ không hề hiếm của những bà cô 30.

Chúng ta cưới nhầm người vì chúng ta chẳng được học trường lớp nào về tình yêu cả. Bạn E nói. Ngày xưa ông bà đến với nhau vì “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” không có sự chọn lựa, nhưng cũng đỡ phải suy nghĩ! Đến chúng ta thì cuộc sống trở nên có quá nhiều lựa chọn và nếu chúng ta là những người may mắn, chúng ta sẽ lựa chọn sống với nhau vì tình yêu. Bởi vậy, nếu chúng ta có cưới nhầm người thì đều vì ta thiếu hiểu biết. Chúng ta chẳng đọc một quyển sách nào về việc làm vợ làm chồng, chẳng dành thời gian chơi với trẻ con, chẳng nhìn vào cuộc sống gia đình khác để học hỏi. Chúng ta kết hôn và rồi không biết vì lí do gì hôn nhân tan vỡ. Chúng ta không bao giờ tự hỏi ngoài tình yêu có điều gì khác nữa để chúng ta đi đến hôn nhân? Vì đồng điệu về văn hóa, tâm hồn? Vì ham muốn riêng tư, vì lòng ngưỡng mộ? Nói chung cứ ngoài hai chữ “tình yêu” chúng ta sợ không dám nghĩ đến những lí do khác. Hôn nhân chỉ vì yêu thì mới là hôn nhân trong trắng, tinh khôi. Và vì vậy tự khắc thành cưới nhầm người.

Tôi nghĩ bất cứ người nào trong chúng ta cưới nhau cũng sẽ tìm thấy một điểm gì đó không hoàn hảo ở đối phương. Nghĩa là hợp tình nhưng chưa chắc đã hợp ý. Sự hoàn hảo là không thể, nhưng vẫn có hạnh phúc. Cũng có những cặp đôi, khi mới gặp nhau đã có cái gì đó không hợp rơ, có gì đó rất mâu thuẫn nhưng vẫn đi đến hôn nhân và kết quả là dẫn tới một mối quan hệ đầy rẫy những thất vọng thường nhật, những căng thẳng bền bỉ, sâu sắc. Cuối cùng nhận ra rằng: hoàn toàn không nên và không thể ở bên nhau, bởi có lẽ số phận không bao giờ có ý xếp họ ở cạnh nhau chăng?

Tôi nghĩ có lẽ từ nay phụ nữ khi muốn đi đến hôn nhân, ngoài tình yêu thì đã đành rồi, cũng cần hỏi to và rõ bạn đời của mình:

– Này, độ “điên” thế nào đấy?
– Này, nuôi nấng dạy bảo con cái thế nào nhỉ?
– Này, làm sao để có thể vừa được cưới lại vừa được sống?
– Này, liệu có thể mãi mãi là bạn của nhau không?

 
Bài: Liu Trần

logo


From the same category