Một không gian Avant-Garde của Louis Vuitton

Living Luxury

Các thương hiệu thời trang cao cấp từ lâu luôn tìm kiếm những hướng đi, ngã rẽ mới phát triển từ các giá trị di sản. Bước đầu là các món đồ trong phòng tắm của những khách sạn 5 sao, sau đó là phòng suite cực sang trọng được bài trí theo đúng phong cách đặc trưng của thương hiệu, và giờ là “mạnh dạn” dấn thân vào ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn, khu nghỉ dưỡng,… “Living Luxury” – khái niệm sống cao cấp không chỉ gói gọn ở những chiếc túi xách và bộ đồ hàng hiệu, mà còn là trải nghiệm về một cuộc sống xa hoa với những tiện nghi khó có thể hình dung.

Đọc thêm:
“Chuỗi vòng cổ” đắt giá của BVLGARI trên vịnh ở Dubai
Bức họa vùng Firenze mang tên Portrait

Nhà thiết kế Pierre Paulin, qua đời vào năm 2009, được biết đến với vai trò là người trang hoàng lại tư dinh của cựu tổng thống Pháp Georges Pompidou tại cung điện Élysée vào năm 1971. Những thiết kế hiện đại đề cao công năng và sự thoải mái dành cho sáu phòng tiếp tân tại đây đã mang đến luồng sáng mới cho ngành thiết kế nội thất đương đại Pháp với cách sử dụng chất liệu đầy sáng tạo, chẳng hạn như nhựa, nhựa thông và các loại sợi tổng hợp.  

Buổi triển lãm sắp đặt vừa qua của Louis Vuitton được tổ chức tại Hong Kong nhằm tưởng nhớ và tri ân những thiết kế độc đáo của Paulin dành riêng cho cung điện, trong đó có lớp khung giàn uốn cong nổi tiếng mà nhà thiết kế tạo ra để tránh gây tổn hại đến những bức tường nguyên thủy có từ thế kỷ 18. “Pompidou muốn có một nước Pháp hiện đại, vì thế, ông đòi hỏi một điều gì đó có thể khiến người ta kinh ngạc sững sờ,” Maia Paulin, người vợ và đồng nghiệp của Paulin trong suốt 40 năm, kể lại. “Ngài tổng thống yêu cầu không được chạm vào những bước tường và cũng không được gây ra bất cứ tiếng động nào. Vì thế, Pierre đã thiết kế sao cho mọi thứ được thi công ở bên ngoài, và sau đó đưa vào lắp ráp bên trong cung điện”.

Bản vẽ phác thảo căn hộ độc đáo mang cảm hứng Avant-Garde

Tại Hong Kong, sơ đồ không gian triển lãm “L’Appartement” của Louis Vuitton gợi lại thiết kế của cung điện và là nơi trưng bày các tác phẩm nội thất tiêu biểu, chẳng hạn chiếc bàn Rosace thiết kế riêng cho tổng thống. Bên cạnh đó là các tác phẩm được sáng tác cho sự kiện thiết kế Louis Vuitton Design Miami (kệ sách Module B), và một vài thiết kế thử nghiệm của Paulin dự kiến sẽ ra mắt tại một triển lãm ở bảo tàng Centre Pompidou, Paris trong năm nay. Các tác phẩm của Paulin mang ảnh hưởng của phong cách Phục hưng, điển hình như chiếc ghế Ribbon, được bán rất tốt tại các buổi đấu giá. Những thiết kế “hữu cơ” của ông đã làm nên sự đột phá khi ra mắt vào thập niên 1960 và 1970. Chúng được tạo cấu trúc bên trong bằng ống thép, đồng thời được bao phủ bởi bọt xốp và sợi co giãn để làm nên những hình dạng uốn cong mềm mại, thoải mái.

Ý tưởng hợp tác tại một căn hộ riêng tư ở Hong Kong nảy sinh khi Giám đốc Sáng tạo nhà Louis Vuitton – Nicolas Ghesquière – ngỏ ý xin phép gia đình Pierre Paulin được sử dụng chiếc sofa Osaka dạng điêu khắc của ông trong một buổi trình diễn thời trang. Không gian độc đáo này chỉ để đón tiếp những khách VIP của Louis Vuitton ở khu trung tâm với đầu bếp Pháp. Có hai không gian phòng khách, một phòng riêng với chiếc ghế nấm (mushroom chair) hình vuông có tên gọi The Nest, và một phòng ăn được tô điểm bởi các thiết kế đầu tiên, nguyên mẫu, trong đó có chiếc ghế cong Fauteuil màu đỏ rực rỡ đầy ấn tượng.  

Chiếc kệ hình kim tự tháp bất hủ của Paulin, một thiết kế có thể biến hóa thành những hình dạng khác nhau, cũng được trưng bày; cùng hệ thống kệ mới dạng module với những bản lề “vô hình” cho phép chúng bám dính vào bất kỳ bức tường cong nào. “Các tác phẩm của Pierre luôn mang một triết lý về tính công năng”, Maia Paulin cho biết. “Ông từng nói: cái đẹp sẽ đến khi bạn tìm cách giải quyết vấn đề”.

Không gian căn hộ với các thiết kế nội thất của Pierre Paulin và bộ sưu tập Louis Vuitton Xuân Hè 2015  

Bài: Tuấn Anh
Ảnh: Michael Webber, Pierre Paulin

logo 


From the same category