Trong những ngày qua, khi Lý Nhã Kỳ xuất hiện tại Liên hoan phim Cannes với những hình ảnh lộng lẫy trong các bộ đồ hàng hiệu đắt giá, công chúng Việt Nam ngoài việc chiêm ngưỡng, luôn đặt ra câu hỏi, cô đến Cannes với tư cách gì? Trên thực tế, Lý Nhã Kỳ xuất thân từ diễn viên, cô có vai diễn đầu tay nổi tiếng trong phim truyền hình “Kiều nữ và đại gia”, mới đây cô cũng tham phim điện ảnh “Mùa hè lạnh” của đạo diễn Ngô Quang Hải. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, Lý Nhã Kỳ đã thông báo rút lui khỏi showbiz để tập trung cho công việc kinh doanh.
Hình ảnh Lý Nhã Kỳ trên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes năm nay
Vì thế, khi Lý Nhã Kỳ đến Liên hoan phim Cannes, nhiều khán giả không biết cô đến liên hoan phim danh giá này với tư cách diễn viên hay doanh nhân. Trước những câu hỏi đó, Lý Nhã Kỳ đã chia sẻ cô không đến Cannes với tư cách đại diện của Việt Nam, cô đến Cannes với tư cách một doanh nhân, theo lời mời từ ban tổ chức chương trình. Cô đã tranh thủ cơ hội này để gặp gỡ bạn bè doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới, để tranh thủ gặp gỡ và bàn công việc.
Lý Nhã Kỳ cũng giải thích, đến Cannes không chỉ có giới nghệ sĩ mà còn có doanh nhân ở nhiều lĩnh vực, họ là các nhà tài trợ hoặc những người có nhu cầu đến thưởng thức tác phẩm điện ảnh mà mình yêu mến. Vì thế, thảm đỏ Cannes còn là nơi gỡ giao lưu cùng nhau của nhiều đối tượng, tất nhiên vẫn trong khuôn khổ những người được ban tổ chức mời đến.
Dưới đây là chia sẻ của Lý Nhã Kỳ:
“Tôi chỉ quyết định tham dự thảm đỏ Liên hoan phim Cannes trước giờ khai mạc đúng 10 ngày, bởi lời mời gọi nhiệt tình từ những người bạn trong Ban tổ chức Liên hoan phim Cannes 2015. Lần thứ 2 tới Cannes, tôi có nhiều điều kiện quan sát, học được khá nhiều bài học hữu ích và được chia sẻ…
Khi tôi tới Cannes, có một số bài báo đã ưu ái nói tôi vinh dự được là “đại diện Việt Nam tới Cannes”. Tôi cảm ơn sự ưu ái đó, nhưng, nghĩ mình không đủ tài năng hay sắc đẹp để thực hiện “nhiệm vụ” đó. Việt Nam mình có nhiều người đẹp hơn, tài năng hơn xứng đáng trở thành một đại diện tại Cannes.
Tôi đơn giản tới Cannes từ lời mời của ban tổ chức, và cũng như nhiều doanh nhân trên thế giới tụ hội về đây, tôi đến để tìm kiếm những cơ hội phát triển kinh doanh mới, và đặc biệt là để gặp gỡ bạn bè quốc tế, tranh thủ hội họp với những đối tác mà bình thường tôi sẽ phải bay qua từng nước để gặp họ.
Cannes là một liên hoan phim danh giá hàng đầu thế giới, ai cũng mong một lần xuất hiện tại đây. Nhưng Cannes không phải chỉ dành riêng cho giới diễn viên, đạo diễn mà còn là nơi hội tụ rất nhiều người ở các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là đại diện các thương hiệu lớn, các doanh nhân nổi tiếng, các hoa hậu, người mẫu và cả những khán giả yêu chuộng điện ảnh. Tất cả đều tới vì những mục đích riêng của mình: người thì đến tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh, người đến để tìm cơ hội giao lưu, người chỉ đơn giản đi thưởng thức những bộ phim hay vì yêu điện ảnh.
Đặc biệt, có rất nhiều nghệ sĩ đến từ các nước không có phim tranh giải. Họ đến để ủng hộ giới điện ảnh, để “đánh dấu” sự xuất hiện của đất nước mình trên thảm đỏ danh giá. Và đó cũng là một trong những lý do khiến tôi quyết định tới dự liên hoan phim này. Ai bước ra quốc tế chắc chắn cũng sẽ có những cảm xúc như tôi, giữa rất nhiều quốc gia, thì khát khao cái tên Việt Nam mình được biết đến, được tô đậm hơn.
Tôi tới Cannes với tư cách cá nhân, tôi bước trên thảm đỏ Cannes không với tư cách một ngôi sao, một diễn viên. Tôi là một doanh nhân như bao doanh nhân bạn bè tôi và chúng tôi cùng nhau bước trên thảm đỏ như vậy. Cannes luôn là một cánh cửa rộng mở đối với mọi lĩnh vực nhằm kích thích sự phát triển của điện ảnh cũng như thương mại, du lịch. Bởi vậy, tôi tới Cannes, bước trên thảm đỏ không phải để xem có bao nhiêu chiếc máy chụp hình đang hướng về mình. Nhưng tôi cảm thấy tự hào khi có nhiều nhiếp ảnh gia đã giúp tôi lưu giữ những hình ảnh, khoảnh khắc đẹp của tôi trên thảm đỏ và luôn chào đón mỗi lần tôi xuất hiện, luôn hỏi thăm tôi đến từ đâu. Trong giây phút đó, điều tôi hạnh phúc nhất là được giới thiệu mình đến từ Việt Nam.
Bước đi trên thảm đỏ Cannes cũng cho tôi thấy nhiều điều thiệt thòi của nghệ sĩ Việt mình khi tham dự các sự kiện lớn trên thế giới. Chỉ cần nhìn sang những nước mạnh về điện ảnh ở Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng đủ thấy rõ điều đó. Như là tôi đã tận mắt chứng kiến một ekip làm việc cực kỳ chuyên nghiệp, hùng hậu để tạo nên hình ảnh Phạm Băng Băng trên thảm đỏ.
Phạm Băng Băng bước lên thảm đỏ có tới 3 trợ lý phía sau để giúp cô chỉnh trang váy áo, có stylist theo sát, cô cũng được rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới hỗ trợ những chiếc đầm đẹp nhất để cô có thể tỏa sáng. Đó là chưa kể đến việc để chuẩn bị cho sự kiện này, cô ấy có cả một ekip lớn, một tập đoàn phía sau để chuẩn bị hàng năm, hàng tháng trời. Hơn nữa, thảm đỏ là “nghề” của cô cũng như các diễn viên ở các nước mà điện ảnh, giải trí là một ngành công nghiệp hái ra tiền, nên họ chuyên nghiệp vô cùng, họ được đào tạo đầy đủ từ việc chụp hình, cách giao tiếp để luôn giữ được thần thái nổi bật của một ngôi sao.
Còn ở Việt Nam mình, cá nhân tôi thấy nghệ sĩ còn rất vất vả, trước khi được diện bộ dạ hội lộng lẫy, phần lớn đều phải làm việc hoặc kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau để “nuôi” nghệ thuật. Thế nên việc không có “nghề diễn” trên thảm đỏ, không được học “công nghệ” gây chú ý ở thảm đỏ là điều đương nhiên.
Bản thân tôi cũng vậy, khi tới Cannes, tôi không được ngồi thư thả uống trà, ăn sáng thảnh thơi rồi make-up, mặc đẹp chờ đến khi dự thảm đỏ như nhiều nghệ sĩ Châu Á khác mà tôi phải tranh thủ làm việc của công ty mình, tranh thủ họp hành, không có thời gian thư giãn. Gần đến giờ đi thảm đỏ mới về khách sạn thay đồ, đổi make-up. Tôi cũng tự mình phải ủi đồ, chọn đồ và mặc đồ.
Nhưng dù không được cả ekip hùng hậu hỗ trợ như các sao quốc tế, không có điều kiện chuẩn bị trang phục cả năm trời như họ, mà chỉ có một buổi chiều lựa những trang phục có sẵn tại shop thời trang của mình, tôi và chuyên gia trang điểm Minh Lộc, nhiếp ảnh Lê Thiện Viễn đã rất cố gắng để có thể bước trên thảm đỏ một cách chỉn chu, đẹp nhất với phong cách riêng của mình. Tôi hài lòng khi hình ảnh mình đem tới Cannes ít nhiều cũng đọng lại những ấn tượng, không chỉ với giới truyền thông mà cả với các ngôi sao quốc tế.
Tôi luôn nghĩ, Việt Nam mình có đủ người có tài, có sắc để bước lên thảm đỏ Cannes mà không hề thua kém bất cứ ai trên đấu trường quốc tế, chỉ là chúng ta còn ít cơ hội. Một con cá còn ở trong hồ thì luôn bị nghĩ rằng, sẽ không đủ khả năng bằng con cá ngoài biển, nhưng nếu con cá đó ra được biển thì chưa chắc biết con cá nào sẽ có khả năng hơn! Tôi luôn tin Việt Nam sẽ làm được nhiều điều để thế giới biết đến nếu như có cơ hội. Cũng vì chúng ta còn ít cơ hội, nên khi một ai đó bước ra thế giới, không chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật, điều họ cần nhất chính là sự ủng hộ của người trong nước để có thể tự tin tỏa sáng. Thay vì những soi mói, chỉ trích như vẫn thấy, là nhữnglời động viên, những lời khuyên chí tình thì tôi tin sẽ mang đến những điều tốt đẹp hơn.
Dù không bước ra thế giới với vai trò đại diện, nhưng bất cứ ai bước ra ngoài, tôi tin họ đều cảm thấy mình cần có trọng trách tôn vinh đất nước mình. Những động viên, chia sẻ, khích lệ của công chúng trong nước mới chính là chiếc áo choàng tuyệt vời nhất che chở, bảo vệ họ bước đến thành công ở quốc tế. Ngược lại, những lời chỉ trích, những soi mói, sẽ là một ngáng trở, sẽ làm người ta thấy ngại ngần, lo lắng không thôi khi có ý định tham dự một hoạt động nào đó.
Cannes cho tôi rất nhiều trải nghiệm, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhờ những sự quan sát, những cuộc tiếp xúc, giao lưu với bạn bè quốc tế, với các ngôi sao thế giới… Cannes đã khép lại, nhưng trong tôi vẫn lưu giữ mãi những cảm xúc, niềm hạnh phúc từ những lời yêu thương, ủng hộ của đông đảo giới truyền thông, công chúng ở Việt Nam trong những ngày tôi dự Cannes.”
Bài: Hải Khôi
Ảnh: Nhân vật cung cấp