Tại sao có những người không thích được khen? - Tạp chí Đẹp

Tại sao có những người không thích được khen?

Sống

Lời khen được ví như liều thuốc tinh thần giúp chúng ta cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và tích cực hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, có những người cảm thấy khó chịu, lúng túng, thậm chí là từ chối lời khen. Vậy điều gì đã khiến họ không thích được khen?

Chứng lo âu “đánh giá tích cực”

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association), rối loạn lo âu xã hội là một tình trạng sức khoẻ tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến 7% dân số Hoa Kỳ. Con số này có xu hướng tăng một phần do tác động của đại dịch COVID-19. Đáng chú ý, khi nhắc về chứng rối loạn lo âu xã hội, hầu hết mọi người nghĩ về những nỗi sợ hoặc lo lắng liên quan đến việc bị người khác đánh giá tiêu cực. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới hơn cho thấy rằng những người mắc chứng lo âu xã hội cũng sợ bị đánh giá tích cực.

Có những người lo sợ rằng các đánh giá tích cực sẽ “biến” họ trở thành tâm điểm của sự chú ý, gây ra cảm giác không thoải mái.

Tiến sĩ Tâm lý học Lauren Neaman hiện đang là thành viên Hội đồng quản trị của Trung tâm Lo âu Xã hội Quốc gia (The National Social Anxiety Center) và là Nhà ngoại giao của Học viện Trị liệu Nhận thức (The Academy of Cognitive Therapy). Với tư cách là một nhà trị liệu, Lauren cho biết thường xuyên nghe bệnh nhân chia sẻ rằng họ cảm thấy không thoải mái khi được khen ngợi. Điều này xảy ra vì họ lo lắng những đánh giá tích cực sẽ thu hút nhiều bình luận hơn về mình và khiến họ trở thành tâm điểm của sự chú ý, một nỗi sợ điển hình của những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội. Vì vậy, những người này thường lựa chọn gạt bỏ những lời tử tế mà người khác dành cho mình để hạn chế việc thu hút sự chú tâm từ mọi người xung quanh.

Việc từ chối nhận lời khen cũng xuất phát từ cảm giác tự ti, không có niềm tin vào bản thân.

Mặt khác, tình trạng phổ biến của những người mắc chứng bệnh này là luôn tự ti, không tin vào năng lực cá nhân. Do đó, họ khó chấp nhận lời khen vì cảm thấy mình không xứng đáng với kỳ vọng từ người khác. Ngoài ra, một số người được nuôi dưỡng trong môi trường có xu hướng hạ thấp giá trị bản thân và luôn bị chỉ trích, cũng dần hình thành cảm giác tương tự, dẫn đến việc khó mở lòng đón nhận sự công nhận từ bên ngoài.

Áp lực hòa nhập cộng đồng

Trong cuốn “Chính trị học” (Politics), Aristotle – triết gia Hy Lạp sống vào thế kỷ IV trước Công nguyên đã khẳng định “con người theo bản chất là một sinh vật chính trị”. Điều này được hiểu là con người có xu hướng sống trong các cộng đồng và tổ chức xã hội. Từ thời tiền sử, con người đã sống thành các nhóm xã hội như bộ lạc để cùng nhau tìm kiếm thức ăn, bảo vệ lẫn nhau và duy trì nòi giống. Xuất phát từ nhu cầu hoà nhập cộng đồng, lời khen có thể khiến con người cảm thấy mình trở nên khác biệt và nổi bật so với đám đông, dẫn đến cảm giác lạc lõng khi tất cả những gì họ thực sự muốn chỉ là hoà nhập với mọi người xung quanh.

Một lý do sâu xa khiến nhiều người không thích nhận lời khen là do họ sợ điều này tạo ra mâu thuẫn và áp lực cạnh tranh trong các mối quan hệ xã hội. Dựa trên góc nhìn về tiến hóa sinh học, Lisa Schuman – một nhà trị liệu và hoạt động công tác xã hội ở New York – nhận định rằng việc phủ nhận lời khen là một chiến lược sinh tồn giúp chúng ta duy trì sự hòa hợp trong cộng đồng. Theo đó, những người được khen vô tình trở thành mục tiêu của sự ganh đua, đố kỵ. Điều này làm nổi bật sự chênh lệch thứ bậc trong tập thể. Do đó, việc khiêm tốn bằng cách từ chối lời khen có thể giúp họ tránh gây nên những hiềm khích không mong muốn từ những người xung quanh.

Khi lời khen là “sợi xích vô hình” của sự tiến bộ

Một số người không thích được khen bởi họ nhìn nhận chúng là một công cụ để thao túng hoặc ngăn cản bản thân phát huy hết năng lực thực sự của mình. Trong nền văn hóa Trung Quốc, con người đại lục có xu hướng đưa ra những phản hồi mang tính khuyến khích sự cải thiện hơn là lời khen ngợi. Theo Eddie Brummelman, phó giáo sư tâm lý phát triển tại Đại học Amsterdam, lời khen cơ bản là một sự đánh giá và nó khiến con người quan tâm nhiều hơn đến việc người khác nghĩ gì về họ. Một kết quả khảo sát do Lauren Scissors cùng cộng sự thực hiện vào năm 2016 đã chỉ ra có khoảng 16% trong số 1.500 người dùng Facebook cảm thấy tiêu cực khi một nội dung nào đó họ đăng tải nhận được ít lượt thích. Trong trường hợp này, lượt thích tương tự lời khen, nhưng dường như chúng không có giá trị trong việc thúc đẩy bản thân. Vì vậy, nếu cứ mải mê “đắm chìm” trong những lời ca tụng từ người khác, con người có thể trở thành những kẻ “tự luyến phù phiếm”, tự mãn về bản thân trong khi mục tiêu cuộc sống lại vô định.

Ở Nhật Bản, nơi sự khiêm tốn được coi là giá trị quan trọng để duy trì hình ảnh của một dân tộc hiếu học, việc nhận lời khen thường không phù hợp với chuẩn mực văn hoá. Một nghiên cứu năm 2022 của Ryoko Suzuki, giảng viên Khoa Kinh tế tại Đại học Keio, chỉ ra có tới 45% người Nhật cảm thấy không thoải mái hoặc căng thẳng khi nhận lời khen. Trong khi đó, Florrie Fei-Yin Ng, giáo sư khoa tâm lý giáo dục tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, nhận thấy các bậc phụ huynh Trung Quốc thường tập trung vào việc nhấn mạnh những điểm yếu của con cái nhằm gợi nhắc chúng cải thiện bản thân liên tục, từ đó phát triển toàn diện hơn.

Lời khen thực sự mang đến giá trị?

Cuộc sống sẽ trở nên tẻ nhạt và hụt hẫng nếu thiếu vắng đi những lời khen. Ngoài việc thúc đẩy và khích lệ tinh thần, lời khen còn gắn kết con người lại với nhau hơn. Tuy nhiên, lời khen đến từ một người không đáng tin hoặc vô tình mang hàm ý xúc phạm cũng khiến nhiều người khó mà tiếp nhận chúng một cách thoải mái. Giả sử bạn đang có mâu thuẫn với một người và họ khen bạn, bạn có thể sẽ cảm thấy lời khen đó chứa đầy hàm ẩn “khích tướng” và châm biếm.

Lời khen từ những người có mâu thuẫn với bạn hoặc không phù hợp hoàn cảnh có thể mang hàm ẩn “khích tướng” và châm biếm.

Nghiên cứu của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychological Association) đã chứng minh những lời khen không phù hợp cũng có thể được hiểu là những trường hợp xâm phạm nhỏ. Ở khía cạnh dân tộc, chẳng hạn như lời khen dành cho người Mỹ gốc Á về kỹ năng tiếng Anh, phụ nữ Mỹ gốc Phi với kiểu tóc xoăn “afro” độc đáo. Ở khía cạnh giới tính, việc dành lời khen về ngoại hình của phụ nữ được ngầm hiểu là củng cố vai trò truyền thống của họ trong xã hội. Cụ thể là coi phụ nữ như những đối tượng tình dục mà giá trị của họ được đánh giá chủ yếu dựa trên vẻ bề ngoài, thay vì công nhận các phẩm chất khác của họ như trí tuệ, khả năng làm việc, hay tính cách. 

Mặc dù lời khen mang lại sự động viên và cảm giác tích cực, nhưng không phải ai cũng thoải mái với chúng. Nguyên nhân có thể xuất phát từ cảm giác tự ti, nỗi sợ bị tách biệt khỏi cộng đồng, hay ngay chính những lời khen thiếu sự chân thành. Trong trường hợp này, tôn trọng cảm xúc của người khác khi họ phủ nhận lời khen là cách tốt nhất để duy trì môi trường giao tiếp thân thiện và thấu hiểu hơn.

Tác giả: Hà Phương

15/10/2024, 16:10