Giữ chức giám đốc sáng tạo của LOEWE từ năm 2013, cho đến nay, Jonathan Anderson vẫn không ngừng phá vỡ giới hạn của thời trang, nghệ thuật và nghề thủ công. Những ý tưởng lấy cảm hứng từ nền văn hóa sôi nổi và kỹ nghệ thủ công xuất sắc của Tây Ban Nha đã được nhà thiết kế người Anh thể hiện bằng hiệu ứng trompe l’oeil tinh nghịch và sống động.
Năm 1846, một nhóm thợ thủ công đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên một xưởng sản xuất đồ da tại thành phố Madrid (Tây Ban Nha). Các sản phẩm của họ được khách hàng đánh giá cao bởi thiết kế hiện đại và tinh tế. Đến năm 1872, khi nhà thuộc da người Đức Enrique Loewe Roessberg tiếp quản xưởng chế tác này, thương hiệu LOEWE chính thức ra đời. Điều này làm dấy lên sự tò mò trong giới sành điệu ở thế kỷ 19 bởi một thương hiệu Tây Ban Nha lại mang cái tên tiếng Đức, ngầm dự báo về một nhà mốt độc đáo trong tương lai.
LOEWE ghi dấu ấn là một thương hiệu thời trang luôn hướng tới sự đổi mới và táo bạo. Còn Jonathan Anderson là một nhà thiết kế luôn tìm tòi những cách thức mới mẻ để diễn giải cảm hứng từ văn hóa và nghệ thuật. Mối quan hệ kéo dài hơn một thập kỷ của anh với thương hiệu đã giúp LOEWE thành công chinh phục nhiều tệp khách hàng. Điều đó được minh chứng qua việc LOEWE liên tục nằm trong top 3 thương hiệu được yêu thích nhất (từ quý 2/2023 đến quý 1/2024) trong bảng xếp hạng Lyst Index.
Dù sinh ra ở Bắc Ireland (Anh) nhưng Jonathan Anderson thấu hiểu văn hóa Tây Ban Nha và thể hiện trọn vẹn bản sắc đó trên các thiết kế của mình. Qua đôi mắt nghệ thuật tinh tường, nhà thiết kế sinh năm 1984 mượn kỹ thuật đánh lừa thị giác trompe l’oeil để vẽ nên bức tranh về một Tây Ban Nha hóm hỉnh và nghịch ngợm, khác hẳn với khía cạnh sôi động, náo nhiệt mà người ta thường khai thác về quê hương của vũ điệu flamenco.
Chiếc túi basket trong bộ sưu tập Paula’s Ibiza 2024 là một sản phẩm được những người thợ vùng Madagascar thực hiện thủ công bằng cách đan các sợi cọ phơi khô lại với nhau. Jonathan Anderson đã khiến nó trở nên đặc biệt bằng cách gắn thêm chi tiết đầu voi vô cùng dễ thương. Không chỉ có vậy, anh còn chiều lòng các tín đồ trót yêu những món phụ kiện trompe l’oeil bằng phiên bản túi Squeeze da nappa đính cườm tạo hình quả dâu tây, với phần tay cầm kết hạt tua rua mô phỏng những chiếc lá sinh động.
Phong cách dí dỏm của Jonathan Anderson đã biến những sợi chỉ mỏng manh, miếng vải vụn đơn sơ và hạt cườm li ti trở thành bức tranh thiên nhiên Tây Ban Nha, nơi đầy ắp những loài kỳ hoa dị thảo, sóng biển lả lướt xô bờ hay những loài động vật xinh xắn. Trong bộ sưu tập Thu Đông 2024, anh sử dụng thủ pháp trompe l’oeil để kết những hạt cườm bé nhỏ thành hình ảnh chú chim đậu trên nhành cây lên bộ trang phục dệt kim, chú cún đáng yêu nằm phơi nắng trên thảm cỏ xanh mướt trên chiếc đầm suông, và một tràng hoa đủ màu sắc vươn mình đón ánh nắng từ mẫu đầm cúp ngực bất đối xứng lạ mắt.
11 năm giữ vị trí giám đốc sáng tạo tại đây, Jonathan Anderson vẫn trung thành với một mục tiêu, đó là tái định vị LOEWE trở thành “thương hiệu văn hóa” được khao khát nhất toàn cầu. Nói cách khác, LOEWE dưới thời Jonathan Anderson không đơn thuần là một thương hiệu thời trang cao cấp mà còn là nơi phản chiếu văn hóa của xứ sở bò tót, lưu giữ tinh hoa nghệ thuật thủ công và lan tỏa phong cách sống trẻ trung, tư duy đổi mới.
“Thủ công là bản chất của LOEWE, nhiệm vụ của chúng tôi là phát huy khả năng thuần khiết nhất của thương hiệu. Nghề thủ công vẫn luôn luôn có chỗ đứng trong bối cảnh đương đại”, Jonathan Anderson chia sẻ. Không chỉ dành tình yêu cho những kỹ nghệ thủ công liên quan đến thời trang, nhà thiết kế sinh năm 1984 còn đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn các loại hình thủ công ít phổ biến như nghề gốm hay đan lát.
Những tảng đất sét mềm dẻo phó thác cho người nghệ sĩ thỏa sức nhào nặn đã gợi lên cho Jonathan Anderson nhiều ý tưởng sáng tạo thú vị. Từ bộ sưu tập Thu Đông 2022, anh đã ứng dụng nghệ thuật trompe l’oeil để chơi đùa với chất liệu da, tạo ra những chiếc đầm trông giống như được nặn bằng đất sét. Ý tưởng đó tiếp diễn trong mùa Xuân Hè 2024, trên những bộ trang phục không viền làm bằng da, tạo cảm giác như những miếng đất sét dẻo mịn mang dáng hình chiếc áo, chiếc quần ôm lấy cơ thể người mặc.
Đan lát cũng là kỹ nghệ được Jonathan Anderson chăm chút trong các sản phẩm thời trang của mình. Trong bộ sưu tập Paula’s Ibiza 2024, anh chọn lá cọ phơi khô làm chất liệu chủ đạo tạo nên nhiều mẫu túi đan bắt mắt. Các thiết kế Puzzle Edge, Front Tote, Elephant Basket, Puzzle Fold Tote, Compact Hammock, Anagram Basket… đều được hoàn thiện bởi các nghệ nhân lành nghề nhất tại vùng Madagascar.
Việc bảo tồn nghệ thuật thủ công và văn hóa Tây Ban Nha của LOEWE được củng cố với giải thưởng LOEWE Foundation Craft Award. Đây là giải thưởng đầu tiên trên thế giới dành cho nghề thủ công đương đại. Kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống với hiện đại, dưới sự dẫn dắt của Jonathan Anderson, các sản phẩm thời trang của LOEWE đều mang tính bền vững. Chiếc túi LOEWE Flamenco Surplus là một ví dụ điển hình. Nó được tạo hình thủ công từ những tấm da thừa ở các bộ sưu tập trước. Bằng cách này, thương hiệu đã mang đến cho vải thừa một vòng đời mới với kiểu dáng sang trọng, mô phỏng chiếc váy viền bèo nhún điệu đà của những vũ công flamenco.
OPTICAL ILLUSIONS
Trong tiếng Pháp, “trompe l’oeil” có nghĩa là “đánh lừa thị giác”. Còn ở ngành thời trang, đây là thủ pháp tạo ảo ảnh quang học trên trang phục bằng hình vẽ hoặc in 3D trên bề mặt vải. Kỹ thuật này bắt nguồn từ nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, tiêu biểu có thể kể đến bức tranh vẽ những quả nho của danh họa Zeuxis (trông thật đến nỗi nhiều chú chim còn cố gắng mổ vào chúng). Trong bối cảnh thời trang hiện đại, LOEWE, Maison Margiela và Diesel là những tên tuổi đi đầu về việc ứng dụng kỹ thuật trompe l’oeil vào thiết kế.
Đọc thêm
LOEWE: Bản sắc truyền thống dưới nhãn quan tinh nghịch
Maison Margiela: Sự kịch tính trong thế giới Haute Couture
Diesel: “Nhà điêu khắc” denim tài hoa