Trải qua 17 ngày thi đấu đầy phấn khích với những cuộc thi đấu đầy thú vị giữa các quốc gia, Thế vận hội Olympic Paris cũng đi đến hồi kết. Lễ bế mạc được diễn ra tại sân vận động Stade de France với những màn biểu diễn bắt mắt dưới sự chỉ huy của tổng đạo diễn người Pháp Thomas Jolly. Ông cùng 270 nghệ sĩ đã mang đến một lễ trao giải mang hơi hướng điện ảnh Hollywood của Mỹ, như để gợi nhắc với khán giả rằng Olympic 2028 sẽ diễn ra ở thành phố Los Angeles, Mỹ.
Mở màn đẹp như tranh
Mở màn buổi lễ, ca sĩ người Pháp Zaho de Sagazan khuấy động không khí bằng màn biểu diễn đậm chất Pháp cùng ca khúc kinh điển “Sous le ciel de Paris” của danh ca Édith Piaf tại Vườn Tuileries, với chiếc vạc lửa Olympic làm nền.
Sau màn trình diễn của de Sagazan, vận động viên bơi lội người Pháp Léon Marchand nhấc chiếc đèn lồng chứa ngọn lửa Olympic ra khỏi vạc và mang nó về phía Stade de France. Được biết anh đã “bội thu” tại Olympic 2024 khi giành bốn HCV và một HCĐ, vậy nên không có gì bất ngờ khi anh xuất hiện trong sự hò reo của khán giả. Marchand không chỉ là niềm tự hào của nước Pháp, mà còn là vận động có thành tích xuất sắc nhất tại Thế vận hội Paris.
Bên trong sân vận động, quốc ca hùng tráng của Pháp là “La Marseillaise” được vang lên cùng lúc với lễ thượng cờ của nước chủ nhà, kết thúc một mùa Olympic đáng nhớ và đầy cảm xúc.
Tiếp theo là tiết mục diễu hành của các vận động viên. Đoàn Nigeria gây ấn tượng với trang phục mang tính truyền thống. Dù không mang về được huy chương, những VĐV vẫn cười rất tươi khi diễn hành, thể hiện tinh thần bất khuất của đất nước được mệnh danh là “Gã khổng lồ của Châu Phi”.
Mỹ xuất hiện cực kỳ “cool ngầu” trong lễ diễu hành. Vận động viên bơi lội Katie Ledecky và vận động viên chèo thuyền Nick Mead nhận được vinh dự cầm cờ cho đội tuyển Mỹ. Được biết Ledecky đã trở thành người phụ nữ Mỹ được trao nhiều huy chương nhất khi giành HCV thứ 9 tại Paris, còn Mead là thành viên đầu tiên của đội tuyển Mỹ xưng ngôi vương ở nội dung bốn người không có người lái kể từ năm 1980). Đội tuyển Mỹ là quốc gia đứng đầu bảng với 40 HCV, 44 HCB, 42 HCĐ.
Những khoảnh khắc đáng nhớ
Màn trao huy chương đặc biệt: Trong cuộc thi marathon dành cho nữ, cũng là một trong những môn thi đấu cuối cùng của Thế vận hội 2024, vận động viên chạy cự ly trung bình và dài người Hà Lan gốc Ethiopia – Sifan Hassan đã lập kỷ lục Olympic mới khi về đích với thời gian 2:22:55. Đặc biệt là cô được ăn mừng thành tích này trước hơn 70.000 người, bao gồm khoảng 9.000 vận động viên. Trước đó tại Thế vận hội, Hassan cũng đã giành HCĐ ở nội dung chạy 5.000 mét và 10.000 mét nữ).
Màn bắn pháo hoa đầy rực rỡ trên mái vòm của sân vận động Parc des Princes trong lễ bế mạc
Nhân vật nổi bật trong lễ bế mạc là một “Golden Voyager” (người du hành vàng) xuất hiện từ trên cao, bay lượn xuống Stade de France, gợi nhớ đến hình ảnh người cầm đuốc đeo mặt nạ trong lễ khai mạc. Lúc đó, khi hạ cánh, nhân vật bước vào một thế giới bí ẩn, chuẩn bị cho cuộc hành trình khám phá đầy hứa hẹn. Nhưng trong cuộc phiêu du hạ màn, người du hành phát hiện ra những vòng tròn Olympic, biểu tượng được cố Chủ tịch IOC người Pháp, Pierre de Coubertin, sáng tạo hơn một thế kỷ trước, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Thế vận hội.
Những “nhà khảo cổ học” nhào lộn và nhảy breakdance: Không khí buổi lễ trang trọng và nhuốm màu huyền thoại với sự xuất hiện của bức tượng “The Winged Victory” (tượng Nữ thần Chiến thắng có cánh) của Samothrace; giai điệu du dương của “Hymn to Apollo” từ ca sĩ người Pháp Benjamin Bernheim và Alain Roche, màn trình diễn piano trên cây đàn treo thẳng đứng… Phân đoạn này tái hiện một viễn cảnh phản địa đàng, nơi thế giới không có Thế vận hội Olympic. Mọi thứ đều vô cùng kịch tính và tuyệt đẹp.
Màn biểu diễn ấn tượng của Phoenix, Air và Ezra Koenig
Phoenix, ban nhạc indie của Pháp do ca sĩ chính Thomas Mars làm trưởng nhóm đã “chào sân” tại Stade de France với màn trình diễn 3 ca khúc là “Lisztomania”, “If I Ever Feel Better” và “1901”. Mặc dù các vận động viên đã được nhắc nhở phải rời khỏi sân khấu, nhưng nhiều người vẫn nán lại để hát theo và chụp ảnh selfie với thần tượng.
Ngoài Phoenix, lễ bế mạc còn có rất nhiều màn trình diễn sôi động khác: “Nightcall” ( ca sĩ người Bỉ Angèle và DJ người Pháp Kavinsky); “Playground Love” (ban nhạc Pháp Air cùng Mars); “If I Ever Feel Better” (rapper người Campuchia VannDa); “Tonight” (ca sĩ chính của ban nhạc Vampire Weekend – Ezra Koening). Vào cuối buổi biểu diễn, khán giả càng thêm phấn khích khi Mars “chơi lớn” và nhảy vào đám đông khi những mảnh pháo hoa giấy bay xuống sân khấu.
Lễ trao cờ Olympic
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo đã trao lá cờ Olympic cho thị trưởng Los Angeles là Karan Bass, cùng với “nữ hoàng thể dục dụng cụ” Simone Biles. Thời khắc chuyển giao này đã chính thức ấn định việc thành phố Los Angeles sẽ là chủ nhà của Thế vận hội lần thứ 34 diễn ra năm 2028.
Sau lễ trao cờ, ca sĩ H.E.R bước ra trong sự hò reo của khán giả để biểu diễn ca khúc đình đám “The Star-Spangled Banner” cùng với cây đàn guitar đặc trưng của cô.
Tiếp nối, “ngôi sao phim hành động vĩ đại nhất của nước Mỹ” Tom Cruise đã gây bất ngờ cho khán giả khi bay vào từ mái sân vận động. Sau màn xuất hiện chớp nhoáng, nam diễn viên đã leo lên một chiếc xe máy, mang theo lá cờ Olympic và phóng vút vào màn đêm. Vào lúc đó, sân khấu chiếu đoạn video được ghi hình trước cho thấy anh đang đạp xe, và nhảy dù từ Paris đến Los Angeles, tiếp tục thêm những vòng tròn Olympic mang tính biểu tượng vào tấm biển Hollywood.
Hình ảnh Tom Cruise cực ngầu khi mang theo lá cờ Olympic trên chiếc xe motor.
Bữa tiệc âm nhạc “toàn sao” ở bãi biển Venice
Chưa dừng lại ở đó, bữa tiệc âm nhạc hoành tráng theo phong cách cổ điển trên bãi biển Venice đã tiếp tục được diễn ra. Ban nhạc đình đám một thời Red Hot Chili Peppers đã khuấy động sân khấu với bản hit “Can’t Stop”.
Bộ đôi anh em nổi tiếng nhất hiện nay – hai chủ nhân giải Grammy là Billie Eilish và anh trai Finneas đã biểu diễn bản hit đình đám thống trị các nền tảng nhạc số là “Birds of a Feather”.
Nam rapper nổi lên với khả năng “bắn” tiếng Pháp Snoop Dogg cũng đã trình diễn hai ca khúc bất hủ của mình là”Drop It Like It’s Hot”, tiếp theo là “The Next Episode” với Dr. Dre.
Màn kết thúc “mãn nhãn – mãn nhĩ”
Khép lại buổi bế bạc, ca sĩ người Pháp Yseult đã trình diễn ca khúc “My Way” được Frank Sinatra ra mắt vào năm 1969 với giọng ca đầy mạnh mẽ và hùng tráng của mình. Cô cũng xuất hiện thật phong cách với chiếc đầm đen của nhà Dior, hoàn thiện cùng trang sức xa xỉ Chopard.
Cuối cùng, lễ bế mạc chính thức được kết thúc bằng một màn pháo hoa rực rỡ, đánh dấu chương cuối của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Tác giả: Tuấn Anh