#Stresslaxing: Khi thư giãn trở thành gánh nặng - Tạp chí Đẹp

#Stresslaxing: Khi thư giãn trở thành gánh nặng

Sống

Sau một khoảng thời gian “thâu đêm suốt sáng” cùng công việc, bạn đã bao giờ nhận ra rằng cơ thể của mình đã đến giới hạn và cần được nghỉ ngơi? Nếu việc cố gắng tìm cách giải tỏa căng thẳng vô tình tạo cho bạn thêm những lo lắng thì chắc hẳn, bạn đang rơi vào trạng thái “stresslaxing” – “áp lực” vì phải thư giãn, và lâu dần chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ tinh thần của chúng ta.

Nguồn gốc của “Stresslaxing”

Là sự kết hợp giữa 2 trạng thái “stress” (căng thẳng) và “relaxing” (thư giãn), “stresslaxing” mô tả cảm giác áp lực tồn tại ngay cả trong khoảng thời gian nghỉ ngơi. Mặc dù là một thuật ngữ mới với giới trẻ, “stresslaxing” đã được các nhà nghiên cứu quan tâm trong nhiều năm. Ở một buổi  thử nghiệm vào năm 1983, hiện tượng này được ghi nhận trong 30% đến 50% người tham gia, khi họ cố gắng thư giãn nhưng vẫn trải qua tình trạng ” đứng ngồi không yên” (như tim đập nhanh hoặc đổ mồ hôi).

Nhiều người trong chúng ta gặp trạng thái “đứng ngồi không yên” khi thư giãn

Thông thường, những người trải qua nhiều áp lực cần phải thư giãn để tránh rơi vào tình trạng kiệt sức. Tuy nhiên, nếu đã nghỉ ngơi mà vẫn không thôi lo lắng, điều này sẽ biến thành vòng lặp luẩn quẩn, dẫn đến nhiều cảm xúc tiêu cực và thậm chí là hoảng loạn.

“Stresslaxing” phổ biến như thế nào?

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến “stresslaxing” là do bạn đang vô thức hình thành cơ chế “đối phó né tránh” (“avoidance coping”). Khi phải đối mặt với những nhiệm vụ phức tạp vượt quá khả năng hiện tại – một điều rất dễ gây ra căng thẳng, bạn có thể sẽ lựa chọn chối bỏ thực tế và trì hoãn công việc, tìm cách giải tỏa tạm thời để tránh đối mặt với khó khăn.

Bạn có biết rằng, “ép” bản thân thư giãn cũng là một loại áp lực?

Tuy nhiên, khi nhiệm vụ chính chưa được hoàn thành, mức “dopamine” (một loại hormone hạnh phúc) sẽ giảm xuống và não bộ của chúng ta không cho phép “nghỉ ngơi” trong tình trạng này. Thay vì giúp bộ não thư giãn nhẹ nhàng, bạn lại có xu hướng tìm kiếm sự “kích thích” khác để thay thế như chơi game, xem phim… Và nếu các hoạt động thư giãn này không đủ hấp dẫn, mức “dopamine” trong cơ thể sẽ khó có thể tăng lên. Từ đó, bạn dần cảm thấy bế tắc và bứt rứt ngay cả khi tham gia vào những hoạt động giải trí thường sử dụng để cải thiện tâm trạng.

“Stresslaxing” ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại, nơi mà văn hóa tăng ca đã trở thành xu hướng. Áp lực phải duy trì năng suất cao và sắp xếp mọi thứ trong một lịch trình chật hẹp thường khiến những khoảnh khắc thư giãn thực sự trở nên hiếm hoi hơn hơn. Điều này dẫn đến việc bạn tự hối thúc bản thân phải năng suất hơn, ngay cả trong những giây phút đáng lẽ phải nghỉ ngơi.

Hậu quả của việc thư giãn sai cách

Thiếu đi những giây phút thả lỏng có thể dẫn đến sự gia tăng của nhiều chứng bệnh như trầm cảm và lo âu, hay thậm chí là gặp khó khăn trong giao tiếp và các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên khi thư giãn không đúng cách, chúng ta cũng phải đối mặt với một số hậu quả nghiêm trọng như: cao huyết áp, đau tim, đột quỵ, mệt mỏi, đau đầu, đau lưng, khó tập trung và dễ cáu kỉnh…

Sức khoẻ thể chất và tinh thần lành mạnh đến từ việc thư giãn đúng cách

Theo thời gian, việc “xả stress” sai cách sẽ khiến trạng thái cơ thể trở nên mệt mỏi và kém linh hoạt. Nhiều người trải qua cảm giác đau nhức chủ yếu ở phần dưới cổ, dù không cảm thấy lo âu về tinh thần. Điều này cho thấy rằng việc thực hành làm thế nào để thư giãn hiệu quả là điều vô cùng cần thiết để có một sức khoẻ thể chất lành mạnh.

5 cách tái tạo năng lượng hiệu quả

Điều quan trọng bạn cần hiểu rằng thư giãn không phải là hoạt động thụ động như nhiều người lầm tưởng, và không phải ai cũng có khả năng “bật chế độ tự động” nghỉ ngơi. Thực tế, nhiều người gặp khó khăn trong việc này vì đây là một kỹ năng cần được rèn luyện thường xuyên để thực sự cảm nhận được những lợi ích mà nó mang lại. Để “kích hoạt” chế độ thư giãn tối ưu, bạn có thể thử các phương pháp như thư giãn cơ bắp, massage, thở sâu, thiền và tập yoga… Hãy tham khảo những mẹo sau để quá trình thư giãn trở nên dễ dàng hơn:

Đừng quên “làm ra làm, chơi ra chơi”

1. Tách bạch công việc và cuộc sống riêng: Dù điều này có thể khó khăn, bạn vẫn nên tắt các thiết bị công nghệ từ sớm (trước khi đi ngủ 2-3 tiếng), dành thời gian tập trung thư giãn để không bị bồn chồn mỗi khi thông báo từ các ứng dụng vang lên. Ngoài ra, việc học cách quản lý, phân bổ hiệu quả thời gian cho từng đầu việc trong một ngày cũng sẽ mang lại những lợi ích tích cực cho tinh thần của bạn.

2. Thực hành phương pháp thư giãn Benson: Hãy ngồi ở một vị trí thoải mái, nhắm mắt lại, cảm nhận các cơ thả lỏng dần, bắt đầu từ bàn chân rồi lên đến đầu, hít thở chậm rãi trong 20 phút. Nếu bạn cảm thấy đôi chút khó khăn hoặc chưa quen, hãy bắt đầu với 5 phút và tăng thời gian sau. Thực hành liệu pháp này có thể giúp giảm lo lắng và các triệu chứng đi kèm.

Bạn đã thử thực thành liệu pháp Benson hay liệu pháp thiền chưa?

3. Tạm quên danh sách việc chưa làm: Việc suy nghĩ về danh sách công việc cần làm sẽ khiến bạn thêm mệt mỏi vì cứ suy nghĩ về tương lai, từ đó không thể tận hưởng những giây phút hiện tại. Hãy tập trung vào những đầu việc bạn đã làm được, từ đó bản thân sẽ cảm thấy hài lòng và trân trọng thời gian được nghỉ ngơi hơn.

4. Thiền trong 5 phút: Các nghiên cứu cho thấy, 5 phút hít thở sâu trong không gian yên tĩnh có thể cải thiện sức khoẻ tinh thần và thể chất rất hiệu quả. Hãy tìm một căn phòng không tiếng ồn, nhìn được ra khung cảnh thiên nhiên thì càng tốt, sau đó nhắm mắt lại, tập trung vào hơi thở trong vài phút… Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng điều này sẽ “đánh thức” lại cơ thể bạn sau một ngày mệt mỏi. 

Dành thời gian với bản thân và thực hành những liệu pháp giảm stress đúng cách là chìa khoá giúp bạn tránh khỏi tình trạng kiệt sức

5. Sử dụng phương pháp “5,4,3,2,1”: Hãy thực hành bài tập sau – tìm 5 thứ bạn có thể nhìn thấy, 4 thứ bạn có thể chạm vào, 3 thứ bạn có thể nghe thấy, 2 thứ bạn có thể ngửi thấy, và 1 thứ bạn có thể nếm. Việc kích thích các giác quan và tự cân bằng bằng cách sử dụng kỹ thuật “5,4,3,2,1” sẽ khiến bạn giảm lo âu và cảm thấy thư giãn hơn đáng kể.

Tác giả: Nhật Hà

30/07/2024, 11:20