Khi thông tin Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ trần vào ngày 19/07/2024 và những hình ảnh cuối cùng của ông được công bố, nhân dân cả nước đều nghẹn ngào, xúc động. Cho đến tận những giờ phút cuối cùng, ông vẫn dành toàn bộ trí tuệ, tâm huyết hướng đến việc nước. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc cùng nỗi buồn nặng trĩu trong trái tim người dân cùng bạn bè quốc tế.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi sinh thời là một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cả dân tộc Việt Nam; là người học trò xuất sắc, gương mẫu, tiêu biểu, luôn không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời mình, Tổng Bí thư đã dành trọn tài năng và sức lực cho sự nghiệp cách mạng, để đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay”.
Người chính khách ấy luôn là tấm gương sáng về lòng trung thành với Đảng và Nhà nước, về những phẩm chất đạo đức tiêu biểu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của một người Cộng sản. Được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng với tầm nhìn chiến lược và khả năng lý luận sắc bén, cùng phương châm “vào Đảng không phải để làm quan phát tài, vào Đảng là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, đã cho chúng ta thấy hình ảnh một người Tổng Bí thư luôn toàn tâm, toàn ý phấn đấu cho mục tiêu, cho lý tưởng của Đảng. Ngay cả trong những ngày tháng cuối cùng khi sức khỏe yếu dần, ông vẫn tiếp tục làm việc, lắng nghe các báo cáo và đưa ra những chỉ đạo, trao đổi, căn dặn cần thiết cho các lãnh đạo cấp cao. Những chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, cùng những kết quả hết sức to lớn đã đạt được trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã phần nào củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào đất nước.
Có lẽ “bình dị” là tính từ được nhắc đến nhiều nhất khi mô tả về cố Tổng Bí thư. Kể từ khi còn là cậu học trò nhỏ sinh ra và lớn lên tại một làng quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội cho đến khi trực tiếp nắm giữ các vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước, ông vẫn giữ nguyên vẹn phẩm chất mộc mạc như những ngày đầu. Từ chiếc xe công vụ đã gắn bó hơn 20 năm, phòng làm việc đơn sơ, gọn gàng với tấm ảnh của Bác Hồ treo cao chính giữa, những bức thư tay gửi cô giáo không bao giờ ký tên với chức vụ, hay chiếc áo khoác nâu đã sờn vải vẫn được ông sử dụng dù đã qua nhiều năm là những hình ảnh khiến người dân không khỏi xúc động. Bao năm qua, người chính khách ấy vẫn lặng thầm cống hiến, lặng thầm hi sinh, mà chẳng cần phô trương hay được công nhận.
Trong kí ức của những đồng môn khoa Văn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là một người bạn lớn, chí tình chí nghĩa, nhân văn trong cả công việc lẫn đời thường. Khi nhớ về “người bạn lớn” ấy, những người từng là đồng môn khóa 8 năm nào đều có chung chia sẻ, nhận định: “Anh Trọng giản dị, gần gũi. Mỗi lần về họp với lớp, anh coi như về với một gia đình lớn, không bao giờ quá trịnh trọng, luôn giản dị với anh em, bè bạn”, hay “Anh Trọng là sinh viên tốt bụng, hiền lành, nhân hậu, dễ tính và rất chăm học. Anh luôn nói năng nhẹ nhàng, tính tình điềm đạm, chu đáo nên được bạn bè, thầy cô vô cùng quý mến”, và “Dù là lãnh đạo cao nhất nhưng chúng tôi không hề nhận thấy ở anh sự xa cách. Đó là điều rất đáng quý trong nét tính cách đặc trưng của anh”. Đối với những người bạn học ấy, sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát vô cùng to lớn “Anh mất đi, chúng tôi mất đi một người bạn lớn”. Ngay sau khi nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Thông tin – Báo chí Văn phòng Chính phủ Dương Quang Minh đã trao gửi niềm tiếc thương sâu sắc của mình qua những dòng thơ:
“Thế là Bạn đã về Trời
Gửi lại đất Mẹ cơ ngơi huy hoàng
Tám mươi năm ấy tuổi vàng
Học hành – Công việc vào hàng vĩ nhân
Với tôi bạn học thân gần
Nhớ thương Bạn biết bao lần lệ rơi
Phải chăng vất vả cõi đời
Bây giờ Bạn được thảnh thơi cõi Trời
Tạm biệt nhé Bạn yêu ơi
Hẹn ngày gặp lại nối lời tâm giao.”
Sáng ngày 25/07, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được thực hiện theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia – số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Nguồn: Tổng hợp