Doanh nhân Tiêu Yến Trinh: “Sự đa nhiệm là thiên tính của phụ nữ”

Doanh nhân Tiêu Yến Trinh là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet). Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực con người, chị quan niệm rằng mỗi thế hệ phụ nữ Việt Nam đều có những vai trò và hệ giá trị riêng, nhưng điểm chung của họ nằm ở sự thấu hiểu, tinh tế, bền bỉ và tình yêu thương dành cho gia đình.

Doanh nhân Tiêu Yến Trinh

Với phụ nữ, vấn đề là để giải quyết

Chúng ta hãy bắt đầu cuộc trò chuyện từ triết lý kinh doanh của chị: “Tư duy toàn cầu và hành động địa phương”. Địa phương mà chị đề cập đến là gì, ngoài nguồn nhân lực là người Việt Nam ra?

Là một người Việt Nam, mong muốn của tôi khi làm ngành nhân sự chính là mang lại những giá trị tốt nhất cho người Việt. Tương tự như vậy, khi mở rộng doanh nghiệp ra các nước khác, mục tiêu chính của tôi là thu hút được nhiều người tài, đồng thời mang lại giá trị cho những người tại địa phương đó. Ở bất kỳ đâu, tôi cũng áp dụng phương pháp và cách tiếp cận quốc tế, nhưng bên cạnh đó cũng luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu văn hóa của đất nước mà mình làm việc.

Hầu như ở mọi lĩnh vực, người ta đều dựa trên tính văn hóa để kết nối đúng không?

Văn hóa là một yếu tố vô cùng quan trọng. Khi có một khủng hoảng xảy đến, doanh nghiệp xây dựng và nuôi dưỡng văn hóa tốt sẽ có nền tảng vững chắc để vượt qua biến cố.

Nhân nhắc đến văn hóa doanh nghiệp, là một nữ lãnh đạo, chị có nghĩ rằng văn hóa doanh nghiệp của mình thiên về tính nữ không?

Có chứ. Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận thấy trên thị trường, những doanh nghiệp do phụ nữ dẫn dắt thường đặt yếu tố nhân văn và con người làm trọng tâm. Còn những doanh nghiệp do nam lãnh đạo thì thường sẽ tham vọng và tập trung về mặt chiến lược kinh doanh, đồng thời, xu hướng chấp nhận rủi ro, hay nói rõ ra là chịu xem xét, nắm bắt cơ hội nhiều hơn doanh nghiệp do nữ dẫn dắt. Phụ nữ thường sẽ cẩn trọng hơn. Nhưng tất cả cũng chỉ là tương đối, vì trong mỗi người đều tồn tại cả tính nam và tính nữ.

“Những doanh nghiệp do phụ nữ dẫn dắt thường đặt yếu tố nhân văn và con người làm trọng tâm”.

Hơn 20 năm trước, công việc của chị là săn đầu người. Khi nhắc đến “săn đuổi”, thường người ta sẽ nghĩ đến bản năng của đàn ông nhiều hơn đúng không? Vậy lợi thế của phụ nữ trong công việc này là gì?

Ý nghĩa của công việc săn đầu người thực chất là tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho các ứng viên trên thị trường. Đối với ứng viên, tâm niệm của tôi là giúp mỗi người sau khi gặp mình đều có một tầm nhìn mới về định hướng nghề nghiệp trong vòng 5 năm tới, giúp họ hiểu được thị trường lao động đang như thế nào và chọn lựa nào là tốt nhất. Đối với khách hàng, trách nhiệm của tôi là tiến cử ứng viên phù hợp nhất với yêu cầu của họ.

Lợi thế của phụ nữ thì có rất nhiều, nhưng theo tôi, nổi bật nhất là sự kiên định. Khi có biến cố hay khủng hoảng xảy ra, phụ nữ thường giữ được sự bình tĩnh và lạc quan.

Chứ không phải cảm xúc là một trong những yếu điểm của phụ nữ sao?

Theo tôi thấy, phụ nữ tích cực và lạc quan là vì chúng ta nhìn nhận vấn đề là để giải quyết, đồng thời, não bộ của ta cũng có thể sắp xếp được nhiều việc cùng một lúc. Khi một vấn đề xảy ra, trong suy nghĩ của phụ nữ lập tức nảy ra nhiều giải pháp và mối quan hệ để hỗ trợ. Còn đàn ông chỉ có thể tập trung vào duy nhất một việc mà họ đang làm thôi. Năng lực đó là sự khác biệt trời sinh.

“Phụ nữ đồng cảm, thấu hiểu, tinh tế, bền bỉ, nhìn mọi việc ở nhiều góc độ khác nhau. Đối với tôi, gia đình nào có con gái là rất hạnh phúc.”

Chị nghĩ sao nếu nói phụ nữ còn có một khả năng khác vượt trội hơn đàn ông, đó là khả năng chịu đựng?

Theo tôi, đó là “đặc sản” của phụ nữ Việt Nam rồi. Kinh nghiệm tham dự các hội thảo toàn cầu khiến tôi nhận ra rằng ở bất cứ quốc gia nào, lịch sử đều tác động đến văn hóa và con người. Giai đoạn chiến tranh, người phụ nữ Việt Nam buộc phải vừa làm mẹ vừa làm cha, một tay quán xuyến mọi chuyện trong nhà. Bên cạnh đó còn các chuẩn mực như “công dung ngôn hạnh”, kỳ vọng của các thế hệ, họ thực sự phải gánh vác rất nhiều. Dần dần người phụ nữ trở nên đa tài, làm doanh nhân, làm cộng đồng, chăm sóc dạy dỗ con cái, kết nối gia đình hai bên… Và chưa dừng ở đó, họ còn phải biết yêu bản thân, có thời gian dành cho mình thì mới được xem là có một cuộc sống viên mãn.

Việc kiêm nhiệm nhiều vai trò để đáp ứng kỳ vọng của xã hội có phải cũng là một sự chịu đựng không? 

Có một điều khác biệt tôi nhận thấy ở các bạn trẻ ngày nay là văn hóa chia sẻ. Ai cũng có thế giới riêng cần được tôn trọng, đàn ông có sở thích của họ và phụ nữ cũng thế. Trong xã hội hiện đại, không phải một mình phụ nữ phải chăm sóc cho mọi thứ. Nên tính ra, cuộc sống và công việc của người phụ nữ ngày nay có thêm “nguồn nhân lực” là đàn ông. Tôi cho rằng không riêng phụ nữ mà tất cả mọi người giờ đây đều cần thay đổi triết lý sống, phải hiểu về văn hóa chia sẻ, nguồn lực chia sẻ…

“Ai cũng có thế giới riêng cần được tôn trọng, đàn ông có sở thích của họ và phụ nữ cũng thế.”
Muốn phụ nữ cam kết, cần có mục tiêu rõ ràng

Với kinh nghiệm làm nhân sự lâu năm, chị quan sát thấy sự khác biệt giữa các thế hệ phụ nữ gen Y, gen X, gen Z là gì?

Những người thuộc thế hệ 6X thường có xu hướng cống hiến cả đời cho một doanh nghiệp và mong muốn một cuộc sống ổn định. Về khía cạnh gia đình, họ có phần chịu đựng, ưu tiên việc chăm sóc con cái. Với họ, niềm vui của chồng con là niềm vui của bản thân.

Người thuộc lứa 7X có kết nối với cuộc sống cao hơn, hưởng thụ và khám phá thế giới nhiều hơn, tính cá nhân nhiều hơn. Họ thường làm việc ở một doanh nghiệp trong 5-7 năm, sau đó đổi sang môi trường mới để học hỏi, phát triển thêm.

Đối với thế hệ 8X, thời gian làm việc trung bình cho một doanh nghiệp là 3-5 năm. Họ có kỹ năng công nghệ nhiều hơn. Phụ nữ thuộc thế hệ này cũng năng động, độc lập và nếu không hài lòng với cuộc sống hôn nhân, họ sẵn sàng sống cho bản thân mình.

9X, 10X là thế hệ của những người sẵn sàng đảm nhận nhiều công việc để có thêm trải nghiệm cũng như thu nhập. Tuyển dụng nhân sự gen Z, chúng ta không thể mong đợi họ sẽ làm việc 5 năm, 10 năm. Bên cạnh đó, họ không áp lực về hôn nhân. Nhiều bạn nói sẵn sàng không kết hôn cho đến khi gặp được người mình thực sự yêu và cảm thấy đúng để cam kết.

Ở góc độ quản trị doanh nghiệp, tôi cần phân tích sự khác biệt ở các thế hệ, hiểu được nguồn lực của mình và lên một kế hoạch tổng quan để chủ động trong vấn đề nhân sự.

“Lợi thế của phụ nữ rất nhiều, nhưng theo tôi, nổi bật nhất là sự kiên định. Khi có biến cố hay khủng hoảng xảy ra, phụ nữ thường giữ được sự bình tĩnh và lạc quan”.

Theo như chị nói, có vẻ phụ nữ càng hiện đại thì càng biết tận hưởng cuộc sống hơn, nhưng có phải là tính cam kết cũng đã ít hơn so với phụ nữ thời trước không?

Ở thời trước, tôi thấy những người phụ nữ rất trung thành, họ làm việc theo định hướng của công ty. Thế nhưng hiện nay, động lực của thế hệ nhân viên trẻ là được làm việc một cách hiệu quả nhất, họ muốn được tự chủ, muốn một công việc giúp họ nâng cao bản thân, phát triển các kỹ năng. Và điều mà thế hệ trẻ ngày nay coi trọng nhất là mục tiêu cuộc sống, ý nghĩa của công việc và giá trị mà nó tạo ra. Giới trẻ hiện đại luôn hỏi tại sao: “Tại sao phải làm thế này, tại sao không làm kiểu khác?”. Nên cách tiếp cận với giới trẻ là phải bắt đầu từ câu hỏi “tại sao”.

Nghĩa là phụ nữ hiện đại khó nói lời cam kết hơn so với phụ nữ ngày xưa, đúng không?

Muốn phụ nữ hiện đại cam kết thì phải có mục tiêu rõ ràng, cho họ thấy mình có thể mang lại giá trị gì, không thể nói suông. Giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh, tôi có cơ hội dẫn dắt các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X, 10X. Mỗi khi tổ chức một hội nghị, tôi và các bạn sẽ cùng nhau lên kế hoạch, thảo luận, chia sẻ xem mục tiêu, định hướng của hội nghị này là gì, tạo ra giá trị gì. Khi ấy, tôi quan sát thấy các bạn rất giỏi, đưa ra được rất nhiều ý tưởng hay. Thế hệ nào cũng có vai trò, giá trị và tính cách riêng. Nếu mình biết cách khai thác thì sẽ sở hữu một nguồn lực xuất sắc.

Nói về sự khác biệt rồi, vậy một tính chất xuyên suốt cho tất cả các thế hệ phụ nữ Việt Nam, theo chị thấy là gì?

Điểm chung nằm ở sự quan tâm, tình yêu thương dành cho gia đình. Điều này không thay đổi qua tất cả các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Đối với tôi, gia đình nào có con gái là rất hạnh phúc. Phụ nữ đồng cảm, thấu hiểu, tinh tế, bền bỉ, nhìn mọi việc ở nhiều góc độ khác nhau. Hơn nữa, phụ nữ có tính đa nhiệm. Sự đa nhiệm là thiên tính của phụ nữ chứ không phải hình thành từ kỳ vọng của người khác.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

Doanh nhân Tiêu Yến Trinh

Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Anh tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM và ngành Quản trị nhân sự của Đại học Swinburne (Úc).

Hiện chị giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài Talentnet, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM, Phó Chủ tịch CLB Nhân sự Việt Nam.

Năm 2019, chị có mặt trong “Top 10 doanh nhân trẻ xuất sắc” của giải thưởng Sao Đỏ và “Top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” do Forbes Việt Nam bình chọn. Năm 2020, chị tiếp tục được Forbes Việt Nam vinh danh trong “Top các nhà lãnh đạo nữ tự thân nổi bật”.

Tác giả: Nguyễn Khắc Ngân Vi
Giám đốc sáng tạo: Tang Tang
Nhiếp ảnh: Icon-T
Sản xuất: Chí Văn
Stylist: Tô Quốc Sơn
Trang điểm: Ruan Dang
Làm tóc: Dương Đăng Minh
Trợ lý nhiếp ảnh: Đại Lộc
Trợ lý stylist: Đỗ Vĩnh Minh
Trang phục: Valenciani

From the same category