Đến Ladakh ngắm tu viện trên núi, hồ Pangong, và trò chuyện với các vị Lama - Tạp chí Đẹp

Đến Ladakh ngắm tu viện trên núi, hồ Pangong, và trò chuyện với các vị Lama

Du Lịch

Tôi không nhớ nổi mình đã xem lại bao nhiêu lần bộ phim “Ba chàng ngốc”, đọc bao nhiêu bài viết về vùng đất này trước khi thực sự được đặt chân đến đây.

Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm

Mọi việc xảy ra trên đời đều chịu ảnh hưởng của hiệu ứng cánh bướm, tưởng chừng chỉ là tình cờ nhưng thực chất tất cả đều liên quan đến nhau. Chuyến đi này khiến tôi nhớ đến một trong bốn quy tắc tâm linh của người Ấn Độ: “Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm”.

Là một người quen du lịch bụi, tôi tự tin mình có thể đến Ladakh bằng vốn kinh nghiệm đã tích lũy được bấy lâu nay. Thế nhưng những chia sẻ của Max Vũ – một trong những người Việt đầu tiên khám phá vùng đất Ladakh – đã thuyết phục tôi tham gia vào lịch trình đặc biệt do anh xây dựng. Nhóm chúng tôi gồm bảy người do Max làm trưởng đoàn, khởi hành vào giữa tháng tư. Theo kế hoạch, tôi bay từ Hà Nội qua Ấn Độ trước hai ngày, sau đó hội ngộ cùng những người còn lại ở sân bay Indira Gandhi (thành phố Delhi, Ấn Độ).

Chuyến đi này khiến tôi nhớ đến một trong bốn quy tắc tâm linh của người Ấn Độ: “Trong mỗi khoảnh khắc, mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm”.

Những tưởng chuyến đi tới Ladakh cứ thế mà khởi hành thì khi ra sân bay, cả đoàn nhận được thông báo chuyến bay tới Leh (thủ phủ của Ladakh) bị hủy do thời tiết xấu. Là một trưởng đoàn giàu kinh nghiệm, Max Vũ rất biết cách trấn an mọi người và tìm phương án tối ưu cho đoàn. Sau một hồi gọi điện cho người ở phía Ladakh, anh quay lại và đưa ra cho chúng tôi hai lựa chọn: đổi chuyến bay sang một thành phố khác rồi di chuyển từ đó tới Ladakh bằng xe khoảng một ngày, hoặc ở lại New Delhi thêm hai ngày để chờ thời tiết khả quan. Tất cả mọi người nhìn nhau thăm dò, lựa chọn nào cũng có xác suất rủi ro. Chị Chanh (ca sĩ Phương Thanh) – người lớn tuổi nhất đoàn – bỏ phiếu ở lại, mọi người tán thành.

Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp

Mọi cuộc gặp gỡ trên đời đều là một sự sắp đặt nhân duyên, như một nguyên tắc tâm linh khác của người Ấn: “Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp”.

Thời điểm thích hợp để đến Ladakh là từ tháng 5 đến tháng 9.

Nếu không tự tin đi tự túc, bạn có thể tham gia tour du lịch do Fit Tour thiết kế.
Tham khảo thêm tại trang web: dulichcoguu.com

Quay lại thời điểm ở Delhi, chúng tôi tình cờ nói chuyện với một vị Lama (tu sĩ Phật giáo) khi chuyến bay bị delay. Lúc hạ cánh, bắt gặp chúng tôi đang ngồi thảo luận với gương mặt căng thẳng, vị Lama đã tiến lại gần và hỏi xem chúng tôi có cần sự giúp đỡ nào không. Ngài ngỏ lời mời chúng tôi về nơi tu tập của các ngài ở gần Old Delhi.

Tất nhiên là chúng tôi không từ chối mối nhân duyên này, dù mọi người đều đã có kế hoạch trong hai ngày ngoài dự kiến. Chúng tôi đã có thời gian đi dạo khắp các con ngõ chằng chịt, khám phá các quán ăn nhìn ra bờ sông, quán cà phê dưới bóng cây bồ đề xanh mát cũng như quan sát cuộc sống của người dân. Nhờ hai ngày ấy, những người xa lạ chúng tôi xích lại gần nhau hơn.

“Nơi này hoàn toàn khác so với những thành phố ở Ấn Độ mà tôi từng đi qua. Từ bầu không khí, cảnh quan thiên nhiên hay nét mặt người, tất cả đều tỏa ra một sự dễ chịu.”

Khi nhận được thông báo đã có thể di chuyển tới Ladakh, với kinh nghiệm bay hàng chục chuyến nội địa Ấn Độ của mình, Max Vũ đã mở một “workshop du kích” trên đường ra sân bay để mọi người không bỡ ngỡ trước văn hóa chen hàng hay các khâu kiểm tra an ninh vô cùng khắt khe ở sân bay Indira Gandhi.

Là một người kiệm lời, tôi thích quan sát mọi thứ rồi chuyển suy nghĩ của mình thành dạng văn bản. Trên chuyến xe về khách sạn ở trung tâm Leh, tôi chống cằm nhìn qua ô cửa sổ, ngắm nhìn Ladakh dần hiện ra. Tôi thấy nơi này hoàn toàn khác so với những thành phố ở Ấn Độ mà tôi từng đi qua. Từ bầu không khí, cảnh quan thiên nhiên hay nét mặt người, tất cả đều tỏa ra một sự dễ chịu.

Julley julley

Tiếng “Julley julley” đầy thân thương của những người ở khách sạn cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Chúng tôi được chào đón bằng nụ cười trìu mến cùng chiếc khăn màu trắng quàng lên cổ thay cho lời chúc may mắn. “Julley julley” là một từ kỳ diệu và phổ biến ở Ladakh dùng để chào mừng, chào hỏi, cảm ơn và cả chào tạm biệt với bất kể người quen hay người lạ. Chúng tôi được sắp xếp nghỉ ngơi hẳn một ngày, hạn chế vận động để thích nghi dần với độ cao ở Ladakh.

“Julley julley” là một từ kỳ diệu và phổ biến ở Ladakh dùng để chào mừng, chào hỏi, cảm ơn và cả chào tạm biệt với bất kể người quen hay người lạ.
Tu viện trên núi

Bảy người tới Leh với những lý do riêng và bánh xe vận mệnh sắp đặt chúng tôi ngồi chung một chuyến xe để khám phá mảnh đất này. Tôi tới đây để hiểu mình, nhóm chị Chanh đi với mục đích chuẩn bị hình ảnh cho liveshow trở lại sau nhiều năm chị rời xa showbiz. “Mỗi lần đến Ladakh, chị cảm giác như trở về nhà”, chị Chanh nói. Chị chỉ tay về hướng tu viện Hemis và kể rằng 12 năm trước chị từng đến đó. Ladakh vốn nổi tiếng với hàng trăm tu viện lớn nhỏ, đó là những dấu son về một thời đã qua, tiêu biểu cho nét kiến trúc rực rỡ của vùng đất và sức mạnh tinh thần của người dân. Ở đây có 16 tu viện cổ, mỗi tu viện nằm độc lập trong cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của dãy Himalaya.

Cứ thế, chúng tôi cùng chiếc xe van tiếp tục chạy qua những con đèo để chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên choáng ngợp. Dù đa phần cảnh quan bên đường là những rặng núi khô khốc, nhưng nếu để ý kĩ, sẽ thấy lớp đất đá có biến đổi theo các tông màu đậm nhạt. Phát hiện này khiến tôi cảm giác như mình đang đi dạo trên mặt trăng.

Ladakh vốn nổi tiếng với hàng trăm tu viện lớn nhỏ, đó là những dấu son về một thời đã qua, tiêu biểu cho nét kiến trúc rực rỡ của vùng đất và sức mạnh tinh thần của người dân.
Hồ Pangong

Cho đến ngày tới thăm hồ Pangong – nơi quay bộ phim nổi tiếng “Ba chàng ngốc”, tôi mới thấm thía cái lạnh của Ladakh, dù ngày hôm ấy chưa phải là ngày lạnh nhất. Sau quãng đường đèo dài, tôi cảm nhận rõ sự thiếu oxy khi thay đổi độ cao, kèm cái lạnh khô do địa hình bị dãy Karakoram chặn ở phía Bắc và dãy Himalaya chắn gió mùa từ Ấn lên. Trong đoàn, có người bắt đầu bị say độ cao khi chúng tôi dừng lại ở mốc hơn 5000m để ngắm cảnh.

Hồ Pangong giống như một viên ngọc biếc giữa những rặng núi dưới ánh nắng buổi chiều.

Hồ Pangong xanh biếc, thấp thoáng giữa những dãy núi phủ tuyết trắng dần hiện ra. Theo lời Max Vũ, sau bữa trưa, chúng tôi nên tranh thủ ngủ một giấc vì khoảng giữa chiều khi ánh nắng chiếu lên mặt hồ mới có thể thấy rõ “độ chín” của hồ Pangong. “Độ chín” của hồ nước? Tôi cá ai lần đầu nghe thấy từ này đều muốn phản biện, nhưng tôi tin mọi thứ đều có “độ chín” riêng. Hồ Pangong giống như một viên ngọc biếc giữa những rặng núi dưới ánh nắng buổi chiều. Tôi đi dạo ven hồ rồi dừng lại ở một điểm ngẫu nhiên để cảm nhận từng đợt gió lạnh và ngắm nhìn bức tranh mê hoặc của thiên nhiên.

Ở đây có 16 tu viện cổ, mỗi tu viện nằm độc lập trong cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của dãy Himalaya.
Ladakh là vùng đất linh thiêng, nơi Phật giáo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân.
Hai ngày còn lại ở Ladakh

Bữa tiệc nào rồi cũng tới lúc tàn, tôi chia tay nhóm chị Chanh cùng Max Vũ để tiếp tục hành trình hai ngày ở lại Ladakh của mình. Đêm trước ngày về, mọi người đều để lại thêm đồ khô và thuốc thang để tôi mang sang Pakistan vào tuần tới, vì lo lắng tôi chưa quen những món ăn đầy gia vị và mùi masala. Kể cũng lạ, chuyến đi này, tôi không trốn chạy mà chủ động tìm tới những món ăn bản địa và thưởng thức chúng một cách vô cùng ngon miệng.

Khoảnh khắc tôi nhớ mãi trong chuyến đi này là khi Lama đưa tôi lên ngắm hoàng hôn ở tu viện phía trên Leh Palace.

Lại nói đến vị Lama chúng tôi từng gặp ở Delhi, sau khi biết tôi ở lại thêm hai ngày, ngài đã dành thời gian đưa tôi đi thăm thú một vài tu viện lâu đời ở Leh. Ladakh là vùng đất linh thiêng, nơi Phật giáo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân. Đi tới các tu viện, hình ảnh những lá cờ Lungta rực rỡ màu sắc, những tòa bảo tháp trắng vôi, bầu không khí thoang thoảng hương thơm từ cây bách xù, các Lama mặc áo choàng đỏ khiến lòng tôi nhẹ bẫng. Khoảnh khắc tôi nhớ mãi trong chuyến đi này là khi Lama đưa tôi lên ngắm hoàng hôn ở tu viện phía trên Leh Palace. Có lẽ cảm nhận được những đợt sóng trong lòng tôi, ngài đã bảo tôi ngồi xuống thiền cùng ngài. Lần đầu tiên, tôi quan sát được toàn cảnh thị trấn Leh và cũng thấy được toàn cảnh những gì đang diễn ra phía trong mình.

Hành trình khám phá của tôi tạm khép lại cùng một chút tiếc nuối bởi còn nhiều điều chưa kịp trải nghiệm, nhưng tôi biết, đây không phải là lần cuối tôi đến Ladakh.

 Ảnh: Vũ Bách Lâm

Tác giả: Lỗ Hữu Đức Anh

18/07/2024, 13:00