Mối quan hệ độc hại (hay toxic relationship) là mối quan hệ được lấp đầy bằng những tổn thương hay những cảm xúc tiêu cực khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt và suy kiệt theo thời gian. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài về tinh thần. Do đó, nếu bạn cũng đang mắc kẹt trong một mối quan hệ như vậy và muốn tìm cách thoát ra, dưới đây sẽ là một vài gợi ý dành cho bạn.
Khi đang ở trong một mối quan hệ độc hại, không phải lúc nào bạn cũng có thể nhận ra các dấu hiệu cảnh báo, đặc biệt là đối với những mối quan hệ đã có sự gắn bó lâu dài. Các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất bao gồm lừa dối, giao tiếp bằng ngôn từ độc hại, ngoại tình, bạo lực, lạm dụng hoặc quấy rối dưới mọi hình thức… Nhưng trong nhiều trường hợp, dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại lại có thể xuất hiện theo những cách khó nhận ra hơn như: thao túng tâm lý, có xu hướng thích kiểm soát đối phương, không tin tưởng hoặc thiếu sự lắng nghe/ ủng hộ lẫn nhau…
Chắc hẳn bạn đã từng thắc mắc lý do khiến các ngôi sao vẫn bên nhau trong thời gian dài dù cho họ liên tục xảy ra xung đột, cãi vã hoặc lừa dối nhau? Có thể câu trả lời đến từ niềm tin rằng nếu cả hai cho nhau cơ hội và cùng cố gắng thì mối quan hệ của họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Điều đó không sai nhưng niềm tin cần được xây dựng trên cơ sở rõ ràng chứ không nên mù quáng. Trong trường hợp sự độc hại của mối quan hệ liên tục lặp lại thì việc an ủi bản thân chẳng khác nào một cách tự đánh lừa chính mình.
Câu chuyện tình yêu giữa siêu sao bóng rổ Tristan Thompson và ngôi sao truyền hình thực tế Khloe Kardashian cũng gợi nhắc cho chúng ta nhiều suy nghĩ về vấn đề này.
Tuy nhiên, Khloe đã lựa chọn bỏ qua mọi lời khuyên của những người xung quanh để “5 lần 7 lượt” tha thứ cho người bạn trai “lăng nhăng” và mãi đến năm 2022, cặp đôi mới chính thức “đường ai nấy đi”. Được biết, thần tượng bóng rổ đã rời bỏ bạn gái Jordan Craig, trong lúc cô đang mang thai 6 tháng, để đến với Khloe Kardashian. Vậy nên, cách đối phương đối xử với người trước cũng có thể ngầm báo hiệu những “cờ đỏ” bạn gặp phải trong tương lai.
Để giảm mức ảnh hưởng của đối phương lên bạn, hãy thiết lập một khoảng cách rõ ràng và quan trọng nhất là phải cố gắng duy trì nó. Bất kể đối phương có tôn trọng điều này hay không nhưng khoảng cách mà bạn đã đặt ra chính là biểu hiện của một thái độ cương quyết và mạnh mẽ để bạn có thể từng bước rời khỏi mối quan hệ độc hại này. Bạn có thể bắt đầu với việc hạn chế (hoặc cắt đứt) những liên lạc không cần thiết với đối phương, hoặc tìm kiếm một nơi ở mới nếu hai bạn hiện tại đang sống chung cùng nhau…
Trong khoảng thời gian này, nếu gặp khó khăn, hãy chia sẻ với gia đình và người thân để họ có thể ở bên, giúp đỡ và đồng hành cùng bạn. Bởi, đôi khi góc nhìn khách quan và lành mạnh của những người ngoài cuộc cũng có thể giúp bạn suy nghĩ thông suốt và giải tỏa được nhiều vướng bận trong lòng hơn. Ngoài ra, sự hỗ trợ từ những người bạn tin tưởng sẽ trở thành điểm tựa tinh thần rất lớn trong thời gian này.
Phải đối mặt và kết thúc mối quan hệ độc hại nhưng đã gắn bó nhiều năm quả thực không dễ dàng với bất kỳ ai. Sau khi chia tay, khoảng thời gian tiếp theo sẽ trở thành giai đoạn vô cùng quan trọng và rất khó vượt qua, người ta gọi nó là “hậu chia tay”. Đây chính là lúc bạn cần tỉnh táo và kiên định hơn bao giờ hết bởi những dao động trong giai đoạn này là điều bạn cần phải vượt qua để thoát khỏi cảm giác vương vấn mối quan hệ cũ. Tuy không phải là những giải pháp tối ưu nhất, nhưng việc đi du lịch hay tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị, hoặc “vùi đầu” vào công việc sẽ giúp bạn chi phối nhiều thời gian hơn và dần hạn chế nhớ về những kỷ niệm trong quá khứ.
Trong một cuộc cãi vã vào năm 2009, Rihanna đã bị Chris Brown, bạn trai của cô thời điểm đó, bạo hành khiến nữ ca sĩ buộc phải hủy bỏ buổi trình diễn trước thềm lễ trao giải Grammy. Vụ việc này khiến cô không thể xuất hiện trước mặt công chúng trong một thời gian dài.
Mối quan hệ độc hại kết thúc không đồng nghĩa với tổn thương của bạn cũng sẽ rời đi. Chính vì vậy, việc tìm tới lời khuyên của chuyên gia tâm lý là điều cần thiết nếu tâm lý bạn vẫn chưa vững vàng. Họ có thể giúp bạn xác định xem liệu điều gì trong mối quan hệ đã gây tổn thương đến tâm lý của bạn để từ đó giúp bạn vượt qua chúng. Việc cần giúp đỡ hay hỗ trợ không phải là một điều đáng đáng xấu hổ mà đúng hơn, đó là điều đáng tự hào bởi nó thể hiện sự quan tâm của bạn đối với sức khỏe tinh thần của bản thân.
“Học cách yêu bản thân trước khi yêu người khác” là điều hẳn bạn đã nghe mọi người nhắc tới nhiều lần nhưng chưa chắc bạn thực sự về nó. Bởi lẽ, yêu ở đây không chỉ đơn thuần là yêu thương mà đó còn có bao gồm sự tự ý thức về giá trị của bản thân, sự trân trọng dành cho cơ thể, lắng nghe cảm xúc từ bên trong, và cả sự chăm chút dành cho tinh thần. Do đó, khi bạn đã học được cách yêu bản thân mình, bạn sẽ cảm thấy tự tin và chủ động để bắt đầu một mối quan hệ mới – một mối quan hệ thực sự lành mạnh, hạnh phúc.