“Young Sheldon” – “Món ăn tinh thần” suốt gần một thập kỷ của mọi nhà khép lại trong tiếc nuối

Sau 7 mùa phát sóng kể từ năm 2017, bộ sitcom “Young Sheldon” yêu thích của nhiều người đã chính thức khép lại. Cùng với nhiều tiếc nuối, gần 9 triệu khán giả đã cùng theo dõi những tập cuối cùng của series này trên kênh CBS. Những tiếng cười sảng khoái, bài học về tình cảm gia đình cùng với hành trình phát triển của từng diễn viên trong “Young Sheldon” thật sự có ý nghĩa với người hâm mộ.

“Young Sheldon” là phần tiền truyện của series đình đám kinh điển đã thành công trước đó – “The Big Bang Theory”. Bộ phim theo chân sự trưởng thành Sheldon Cooper (Iain Armitage), một nhân vật thiên tài, có phần kì quặc và tạo ra không ít tiếng cười cho khán giả bởi tư duy lạ lùng của mình. Trong “Young Sheldon”, người xem bắt gặp phiên bản 9 tuổi của anh chàng với những tình huống trái khoáy khi ở trường trung học và muôn vàn oái ăm khác trong gia đình của “thiên tài nhỏ”.

Sheldon – Thiên tài hiếm có hay kẻ dị hợm?

Câu nói “lắm tài nhiều tật” rất thích hợp để miêu tả về Sheldon. Cậu thông minh, tài giỏi trong những vấn đề về logic, khoa học và đặc biệt là vật lý. Theo như mẹ cậu nói, Sheldon có cùng chỉ số IQ với Albert Einstein và Stephen Hawking. Dẫu vậy, cậu luôn gặp khó khăn trong việc thích ứng với môi trường xung quanh, kết bạn với mọi người. Đặc biệt, khi phim mở màn với việc Sheldon nhập học trường trung học của anh trai mình khi mới 9 tuổi đã khiến cả gia đình đau đầu.

Không khó để đoán, Sheldon đã thực sự có nhiều tình huống “dở khóc dở cười” khi ở trường. Cậu không chỉ gặp vấn đề với những bạn học đang độ tuổi ẩm ương, mà ngay cả giáo viên cũng “phát điên” vì liên tục bị cậu bắt lỗi và hỏi về bằng cấp. Hài hước ở chỗ, Sheldon không mấy bận tâm về sự “cô độc” của bản thân và không có nhu cầu kết bạn. Trái lại, cậu hưởng thụ cảm giác ở một mình để suy ngẫm về những nguyên lý khoa học trừu tượng mà người bình thường không thể hiểu. Cuộc sống ở trường trung học cùng việc phải đối mặt với những tình huống giao tiếp tưởng chừng bình thường đã tạo ra nhiều tiếng cười cho khán giả vì những pha xử lý ngược đời, và cồng kềnh của anh bạn thiên tài nhỏ.

Sức hút từ những thành viên khác trong gia đình

Đặt Sheldon vào trung tâm của bộ phim, tuy nhiên, những thành viên khác trong gia đình Cooper cũng ghi nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Em gái song sinh của Sheldon, Missy (Raegan Revord), dù không yêu thích sách vở nhưng thể hiện EQ vượt trội khi luôn thấu hiểu cảm xúc của mọi người. Anh trai cả George (Montana Jordan) xuất sắc trong hoạt động thể thao và yêu thương các em dù ngoài miệng thường trêu chọc. Ba đứa trẻ với nét tính cách khác nhau và ở độ tuổi ẩm ương đã gây ra không ít xáo trộn cho gia đình và tạo ra những tràng cười ngặt nghẽo của khán giả.

Bởi tính cách đặc biệt của Sheldon, mẹ Mary Cooper (Zoe Perry) luôn yêu thương, cảm thông và cố gắng bảo vệ cậu con trai nhỏ. Dù bà là một “con chiên ngoan đạo” nhưng vẫn tôn trọng quan điểm “vô thần” của con trai và tin rằng: “Thằng bé sẽ tìm được đức tin của riêng nó thôi“. Thật vậy, Sheldon sau đó đã thành lập ra “Toán giáo”, và tội lỗi duy nhất ở đó chính là kém thông minh.

Bên cạnh đó, bố của ba đứa trẻ tài năng là George Cooper Sr. (Lance Barber), huấn luyện viên trưởng của đội bóng bầu dục tại trường phổ thông. Thông qua “Young Sheldon”, nhân vật này được gỡ bỏ mọi hiểu lầm trong “The Big Bang Theory”, làm khán giả phải “quay xe”. Không phải một ông bố nghiện rượu, bạo lực và không chung thủy, ông Cooper đáng mến, luôn nỗ lực để hiểu và giúp đỡ các con mỗi khi có thể. Chính vì vậy, cái kết định trước về sự qua đời đột ngột của người bố này khiến tất cả khán giả tiếc thương.

Cuối cùng, bà ngoại Meemaw cũng được yêu thích bởi những câu nói sâu sắc cùng kinh nghiệm sống dày dặn. Bà là người nhẫn nại, hiểu và cảm thông cho Sheldon nhất trong gia đình. Chính bà là người trấn an Mary nên tin tưởng Sheldon, và chắc chắn cậu sẽ tìm được con đường của riêng trong tương lai.

Thông điệp giá trị, nhân văn ẩn chứa sau những tiếng cười

Sự thông minh độc nhất vô nhị kèm với kỹ năng xã hội kém của Sheldon đã tạo ra nhiều tình huống hài hước cho khán giả. Cậu luôn áp dụng mọi lý thuyết một chính xác, thậm chí có phần máy móc. Cậu tuân thủ nghiêm ngặt nội quy của trường và vạch tội tất cả học sinh phá luật, thậm chí cả giáo viên. Việc này dẫn đến việc cậu bị xa lánh, và trở nên cô độc. Nhưng ở chiều ngược lại, sự nguyên tắc lại giúp Sheldon trở thành thần đồng trong lĩnh vực khoa học. Tương tự, em gái Missy dù không học giỏi nhưng lại sâu sắc khi nhìn nhận vấn đề xã hội. Anh trai lớn tưởng như không có điểm gì nổi bật lại có khả năng thiên phú về thể thao. Có thể thấy, con người không ai hoàn hảo và mỗi người là thiên tài ở những khía cạnh khác nhau. Do vậy, mỗi người nên tập trung phát triển điểm mạnh của bản thân thay vì cố trở nên toàn thiện, toàn mỹ.

Bên cạnh đó, “Young Sheldon” còn ẩn chứa nhiều bài học về cuộc sống, cũng như tình cảm gia đình. Một Sheldon tưởng chừng như không quan tâm đến bất kì điều gì ngoài khoa học lại là một người nhiều tình cảm, đặc biệt dành cho mẹ. Cậu vẫn chủ động đi nhà thờ với mẹ vì “không tin vào Đấng tối cao, nhưng tin mẹ”. Một câu thoại khác cũng nổi tiếng trong “Young Sheldon” là lúc bà nội dạy dỗ Sheldon, một người luôn tôn thờ logic, rằng: “Trong cuộc sống, đôi khi những gì người ta thể hiện trên mặt không phải là những gì người ta nghĩ trong tim đâu”.

Mặc dù là một trong những chương trình truyền hình ăn khách và nổi tiếng nhất của đài truyền hình Mỹ CBS, đáng tiếc là “Young Sheldon” vẫn phải kết thúc vì mọi người đều biết phim chỉ là tiền truyện của bộ sitcom khác. Theo thời gian, Sheldon lớn lên sẽ trở thành Sheldon của “Theo Big Bang Theory”. Chính vì vậy, để giữ được sự liên kết giữa hai phần phim, nhà sản xuất cần lựa chọn thời điểm thích hợp và xây dựng các chi tiết phải diễn ra. Có thể thấy, hành trình phát triển nhân vật trong “Young Sheldon” đã được khai thác trọn vẹn nhất có thể. Do vậy, dẫu có nhiều tiếc nuối, những người yêu thích bộ phim vẫn xúc động và hài lòng về cái kết của bộ phim.


From the same category