Ngứa da vào ban đêm có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm - Tạp chí Đẹp

Ngứa da vào ban đêm có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm

Sống

Khi lượng đường trong máu tăng cao, các mạch máu bên dưới da tổn thương làm quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng bị rối loạn khiến da khô sần và thậm chí ngứa ngáy.

(Nguồn: Getty images)

Tình trạng ngứa da vào ban đêm thường xảy ra đối với những người mắc bệnh về da liễu như vẩy nến hay chàm.

Tuy nhiên, có một số người không có bất kỳ triệu chứng gì cũng có thể mắc tình trạng này. Nó không chỉ gây khó chịu, khiến bạn mất giấc ngủ mà còn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì?

Nguyên nhân gây bệnh

Dấu hiệu dễ dàng nhận ra bệnh ngứa da vào ban đêm là người bệnh cảm thấy ngứa ngáy khó chịu vùng da với diện tích lớn hoặc toàn thân vào ban đêm. Cơn ngứa có thể diễn ra cả đêm hoặc tái đi tái lại nhiều lần khi bạn đang ngủ.

Bạn có thể gặp phải tình trạng ngứa da về đêm và có thể chúng không hề liên quan đến bệnh lý mà do một số nguyên nhân khác sau.

Dị ứng thời tiết

Thời điểm giao mùa là lúc cơ thể không thích ứng kịp với thời tiết, tăng sản sinh các histamin và từ đó dẫn đến tình trạng ngứa ngáy. Những người có cơ địa dễ bị dị ứng thì những cơn ngứa ngáy có thể diễn ra nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu bị ngứa do dị ứng thời tiết thì những cơn ngứa sẽ không xảy ra liên tục mà chỉ diễn ra ở một vài thời điểm.

Dị ứng thức ăn

Một số người bị dị ứng với các loại thực phẩm như hải sản, các loại đậu, sữa, thịt bò,… Khi ăn những thực phẩm này, cơn ngứa sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, tùy cơ địa và lượng thực phẩm tiêu thụ mà cơn ngứa sẽ ở mức độ khác nhau.

(Nguồn: Getty images)

Dị ứng môi trường

Một số yếu tố liên quan đến môi trường sống và làm việc có thể khiến bạn bị ngứa da vào ban đêm như phấn hoa, khói bụi, các loại côn trùng, các loại hóa chất,…

Sức đề kháng yếu

Những trường hợp có da nhạy cảm sẽ dễ bị kích thích bởi những yếu tố bên ngoài và dễ bị ngứa hơn.

Căng thẳng thần kinh

Thói quen làm việc khuya hay thần kinh thường xuyên căng thẳng vào buổi tối sẽ kích thích những tế bào thần kinh dưới da và gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.

(Nguồn: Getty images)

Phản ứng tự nhiên của cơ thể

Các hoạt động sinh hoạt hằng ngày có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể và các hoạt động của da. Khi các chức năng của da có sự thay đổi làm tăng nhiệt độ cơ thể và tăng lượng máu đến da vào ban đêm khiến da ấm dần lên. Điều này có thể làm da bị ngứa vào ban đêm.

Nồng độ hormone thay đổi

Các hormone của cơ thể giải phóng vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Đặc biệt vào ban đêm sẽ giải phóng một lượng lớn các cytokine và điều này làm tăng khả năng viêm nhiễm cho cơ thể. Mặc khác, hormone corticosteroid với tác dụng ngăn ngừa quá trình viêm cũng bị giảm đi vào buổi tối.

Da bị mất nước

Buổi tối chính là lúc làn da dễ bị mất nước. Đặc biệt trong thời tiết hanh khô của mùa Đông lại càng khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy.

(Nguồn: Getty images)

Cơ thể mất tập trung hơn so với ban ngày

Ban ngày là lúc bạn bận rộn với nhiều hoạt động khác nhau nên có thể không để ý đến cảm giác khó chịu do những cơn ngứa da gây ra. Ban đêm khi cơ thể nghỉ ngơi thì cũng là lúc bạn cảm nhận rõ rệt nhất sự khó chịu này.

Không đảm bảo vệ sinh

Gối, chăn, màn là những vật dụng rất dễ bị bám bụi bẩn nên đây chính là môi trường cho các loại vi khuẩn, nấm, virus sinh sôi phát triển và gây bệnh vào ban đêm. Không chỉ làm da bị ngứa vào ban đêm mà điều kiện vệ sinh như vậy có thể gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp.

Dấu hiệu cảnh báo về một loại bệnh lý

Tuy nhiên, ngoài những lý do kể trên, ngứa da vào ban đêm cũng có thể là dấu hiệu của một loại bệnh lý nào đó bạn đang mắc phải nhưng lại chưa biết.

Viêm da dị ứng

Người mắc viêm da dị ứng sẽ có triệu chứng sưng, ngứa, khô và thậm chí có thể nứt nẻ ở da. Bệnh nhân có biểu hiện mẩn ngứa khi tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng như thời tiết thay đổi, dị ứng thực phẩm hoặc mỹ phẩm,… Bệnh này có đặc điểm dễ tái phát và thường tiến triển theo đợt.

(Nguồn: Getty images)

Viêm da vảy nến

Bệnh có biểu hiện là độ dày lên da của các tế bào chết kèm theo các nổi vẩy như vẩy cá gây ngứa ngáy khó chịu. Tình trạng sẽ càng nặng hơn vào ban đêm khi đi ngủ và cọ xát da với giường chiếu làm cho bệnh nhân thấy ngứa ngáy.

Bệnh mề đay

Người bệnh bị ngứa rát dữ dội, bên cạnh đó là những nốt mẩn đỏ hoặc mẩn trắng. Những cơn ngứa xảy ra nhiều hơn vào ban đêm và càng gãi lại càng cảm thấy ngứa rát hơn. Căn bệnh này không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu gãi nhiều và gây trầy xước vùng da nổi mẩn có thể dẫn tới bội nhiễm.

(Nguồn: Getty images)

Bệnh ghẻ

Thường gặp ở những người bệnh không vệ sinh cơ thể sạch sẽ, khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây bệnh trên da. Khi bị ghẻ, trên da của người bệnh sẽ xuất hiện những nốt mẩn đỏ, mụn nước và cảm giác ngứa ngáy. Khi mụn nước vỡ ra thì cảm giác ngứa càng dữ dội. Nếu không điều trị đúng cách thì rất dễ bị tái phát.

Các bệnh xã hội

Các bệnh xã hội hay còn đường gọi là bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, sùi mào gà, lậu hay HIV/AIDS là những căn bệnh thường có triệu chứng đầu tiên là ngứa da.

Ngoài ra, những bệnh nhân bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục bị ngứa da do tác dụng phụ của thuốc kháng virus và sự gia tăng tụ khuẩn đối với các bệnh nhân bị HIV.

Bệnh về tuyến giáp

Những căn bệnh về tuyến giáp gây rối loạn nội tiết tố và khiến cho da của người bệnh thô ráp và dễ bị ngứa ngáy.

Bệnh ở gan

Người mắc các bệnh lý về gan sẽ rơi vào tình trạng chức năng thải độc của gan suy yếu khiến các chất độc tích tụ ngày càng nhiều gây ra những cơn ngứa.

(Nguồn: Getty images)

Suy giảm chức năng thận

Do thận không thể đào thải hết độc tố ra khỏi cơ thể. Vì thế, những độc tố này bị tích tụ lại trên da và gây ra những phản ứng như ngứa da và phù nề.

Bệnh tiểu đường

Tình trạng ngứa da ở các bệnh nhân tiểu đường là điều mà ít người chú ý đến. Thực tế là

Tình trạng ngứa da ở các bệnh nhân tiểu đường là điều mà ít người chú ý đến. Thực tế là khi lượng đường trong máu tăng cao làm cho các mạch máu bên dưới da tổn thương làm quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng bị rối loạn khiến da khô sần và thậm chí ngứa ngáy.

Ngoài ra nguyên nhân gây ngứa da vào ban đêm có thể do các bệnh như sốt do virus, sốt xuất huyết, sốt phát ban hoặc tay chân miệng cũng làm bệnh nhân bị ngứa da vào ban đêm. Đặc trưng của các bệnh này với triệu chứng điển hình là sốt cao và ngứa xảy ra khi bệnh gần khỏi.

Nếu tình trạng ngứa da không giảm đi sau một thời gian hoặc trở nên nghiêm trọng, bạn nên đến các bệnh viện để kiểm tra, tìm ra nguyên nhân và điều trị. Không nên tự ý mua thuốc điều trị mà chưa có chỉ định của bác sỹ.

Cách phòng tránh

Dù tình trạng ngứa ngáy về đêm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng hầu như các yếu tố này đều có liên quan đến lối sống kém khoa học của người bệnh.

– Để phòng tránh tình trạng này, bạn nên tránh xa các yếu tố có khả năng gây dị ứng cho da như mạt rệp, lông chó mèo, bụi bẩn, các loại đồ ăn có đạm cao.

– Hạn chế sử dụng các loại rượu bia, các chất kích thích.

– Cần cẩn trọng hơn khi sử dụng mỹ phẩm.

– Vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày.

– Vệ sinh khu vực sống, nhà cửa sạch sẽ, nhất là phòng ngủ, chăn màn, giường chiếu.

– Uống đủ nước; tăng cường các loại vitamin, chất xơ, các thực phẩm rau xanh, trái cây,…

– Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng, đi ngủ đều đặn, đúng giờ.

– Điều trị dứt điểm các loại bệnh lý nếu có.

Tác giả: VietnamPlus

21/03/2024, 14:26