Không phải du lịch chữa lành hay du lịch kỹ thuật số, đây mới chính là 5 xu hướng du lịch “làm mưa làm gió” nhất trong năm 2023 vừa qua.
Du lịch chậm được hiểu là hình thức trải nghiệm dài và đa dạng ở địa phương thay vì những cuộc ghé thăm chớp nhoáng. Nó cho phép du khách khám phá nơi mình đặt chân đến trên nhiều phương diện, từ văn hóa, lịch sử đến truyền thống, đồng thời tạo cơ hội cho bạn được hòa mình với đời sống của người bản địa và tận hưởng một cách trọn vẹn nhất.
Xu hướng du lịch chậm ngày càng phổ biến từ sau đại dịch COVID-19. Theo ông Paul Jacobs, tổng giám đốc kiêm phó chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của trang web tìm kiếm du lịch Kayak chia sẻ: “Tôi tin rằng du lịch chậm đang dần được hoan nghênh. Điều này được thể hiện qua các số liệu thời gian lưu lại khách sạn vào năm 2023 đã cao hơn 10% so với năm ngoái”. Từ đây dễ dàng nhận thấy, có ba gạch đầu dòng lý giải cho sức hút của xu hướng này. Thứ nhất, sau đại dịch, khách du lịch muốn có được trải nghiệm chất lượng hơn là số lượng. Những chuyến đi với lịch trình dày đặc và nhiều thành viên có khuynh hướng giảm, thay vào đó là những nhóm nhỏ, các hoạt động ngoài trời, gần gũi thiên nhiên được du khách quan tâm hơn cả. Thứ hai, nó giúp lữ khách tiết kiệm chi phí so với đi du lịch truyền thống. Cuối cùng, du khách có nhiều thời gian tự tìm hiểu địa điểm hay nền văn hóa ở điểm đến.
Theo công ty xây dựng thương hiệu ở các lĩnh vực thời trang, thiết kế, làm đẹp, phong cách sống, nghệ thuật và văn hóa Karla Otto cho biết, du lịch chậm đã khôi phục lại thời kỳ hoàng kim của du lịch bằng tàu hỏa và roadtrip. Cụ thể, 81% du khách cân nhắc cho việc đi tàu ở chuyến đi tiếp theo và 43.9% lữ khách lựa chọn roadtrip. Nhờ vậy, nhiều du khách nhận ra rằng việc di chuyển với tốc độ chậm sẽ giúp họ trân trọng từng khoảnh khắc, thay vì cứ vội vã chạy hết tất cả các điểm tham quan theo những lịch trình có sẵn.
Trong năm vừa qua, du lịch ẩm thực đã trở thành một trong những xu hướng thịnh hành nhất năm 2023. Theo một báo cáo của WFTA ( (World Food Travel Association), thị trường du lịch ẩm thực toàn cầu được định giá ở mức 8.8 tỷ USD vào năm 2019 và tốc độ tăng trưởng dự kiến tiếp tục tăng đến 16.8% năm 2025. Đáng chú ý, xu hướng này được dự đoán sẽ bứt phá vào 2024.
Hơn thế, du lịch ẩm thực cũng đóng góp to lớn vào việc thúc đẩy kinh tế của mỗi quốc gia cũng như giá trị chuỗi du lịch bao gồm thúc đẩy quảng bá, giữ gìn di sản và tăng cường giao lưu văn hóa. Dựa theo ước tính của WFTA, trung bình mỗi du khách quốc tế dành khoảng 20 – 25% ngân sách cho khoản chi tiêu liên quan đến ẩm thực trong suốt quá trình nghỉ dưỡng. Đồng thời, có hơn 80% số đơn vị tổ chức du lịch khi được điều tra đều xác định du lịch ẩm thực luôn là yếu tố chiến lược đối với điểm đến, là động lực quan trọng cho phát triển du lịch.
Trên thực tế cũng có nhiều minh chứng cho thấy sự thành công và tiềm năng to lớn của du lịch ẩm thực. Việt Nam là một ví dụ điển hình về quốc gia sở hữu nền ẩm thực đa dạng, phong phú. Hồi tháng 6 vừa qua, Việt Nam có 4 nhà hàng đạt chuẩn sao Michelin, trong đó có 3 nhà hàng tại Hà Nội và 1 nhà hàng tại TP.HCM. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm nay, bản đồ ẩm thực thế giới TasteAtlas đã công bố top 95 nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Việt Nam vinh dự xếp hạng thứ 20 với tổng số điểm là 4.31 trên thang 5 điểm. Từ đây dễ dàng nhận thấy, Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng trên bản đồ ẩm thực thế giới và mở ra nhiều tiềm năng lớn để thu hút khách du lịch quốc tế.
Xu hướng du lịch bền vững nở rộ kể từ sau đại dịch COVID-19. Trong năm 2023, xu hướng này được các tín đồ xê dịch ưu tiên lựa chọn cho kỳ nghỉ của mình. Theo ghi nhận Radical Storage, số lượt tìm kiếm cụm từ “du lịch bền vững” tăng 142.6% từ khoảng tháng 4/2019 đến tháng 4/2022. Bên cạnh đó, báo cáo của RationalStat chỉ ra rằng thị trường du lịch toàn cầu được định giá 157.7 tỷ USD vào năm ngoái và dự kiến tăng trưởng 13.4% mỗi năm ở giai đoạn 2023 – 2024. Từ đó, đưa giá trị của ngành vượt mức 336 tỷ USD. Song, báo cáo du lịch bền vững 2023 của Booking.com cho thấy, trên toàn cầu có đến 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ, kể cả khi nền kinh tế đầy biến động. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng có đến 75% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho việc du lịch thân thiện với môi trường.
Hơn thế, đối với nhiều khách du lịch, việc giảm thiểu tác động đến môi trường là vô cùng quan trọng. Du khách cho biết họ ưu tiên lựa chọn đi bộ, chạy xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển để hạn chế khí thải ra môi trường (41%). Thậm chí, họ còn hạn chế tối đa đồ ăn nhanh, cốc nhựa, chai nhựa và ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế như khăn tắm (42%), túi tái sử dụng (52%), tái chế rác thải (40%) hoặc mang theo bình nước cá nhân (46%). Ngoài ra, những du khách khác cũng đang ưu tiên mua hàng địa phương, các cửa hàng nhỏ độc lập tại điểm du lịch (36%). Có thể thấy, nhu cầu ngày càng tăng của du khách dành cho du lịch bền vững là một tín hiệu khởi sắc, góp phần tạo “cú hích” cho ngành du lịch toàn cầu.
Sự bùng nổ của phương tiện truyền thông cùng với tác động của màn ảnh và nhiều nền tảng phát sóng trực tiếp trên toàn cầu đã khai mở ra một xu hướng du lịch mới là du ngoạn bối cảnh (Jet-setting). Xu hướng này được hiểu là nơi du khách tìm đến các địa điểm xuất hiện trong các chương trình truyền hình và phim ảnh nổi tiếng.
Mặc dù hình thức này đã xuất hiện từ lâu nhưng nó chỉ thực sự phổ biến ở những năm gần đây nhờ vào loạt phim như “Emily in Paris”, “The white lotus” hay “Bridgerton”. Theo trang web du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Expedia, số lượt tìm kiếm về Paris tăng đến 200% ngay khi mùa mới của “Emily in Paris” ra mắt trên Netflix. Cũng trong một phân tích báo cáo từ American Express, 70% khách du lịch Gen Z muốn tham quan địa danh xuất hiện trong bối cảnh của phim. Chia sẻ về sự thịnh hành của xu hướng này, ông Audrey Hendley – Chủ tịch của American Express Travel cho biết: “Du khách đang ngày càng được truyền cảm hứng bởi văn hóa đại chúng”.
Thực tế đã chứng minh, ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản…, nhờ ngành công nghiệp điện ảnh mà nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút du khách trên thế giới đến tham quan. Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như chuyến “King Kong 3-D” giúp Hollywood tăng hơn 5 triệu du khách, hay tour “Phép thuật của Harry Potter” (2010) giúp Universal Studios ở Orlando tăng gần 6 triệu du khách. Tại Việt Nam, bộ phim “A tourist’s guide to love” khởi chiếu hồi đầu năm nay đã góp phần kích cầu du lịch ở sáu điểm điểm chính gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn và Hà Giang.
Trong năm qua, trào lưu du lịch “ngắt kết nối” trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết. Trang báo hàng đầu nước Mỹ New York Times nhận định xu hướng này chắc chắn sẽ thay đổi thị trường xê dịch toàn cầu, thậm chí sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2025. Đầu năm 2023, trang web Booking.com đã thực hiện một cuộc nghiên cứu với sự tham gia của 24.000 du khách trên 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gần một 44% du khách mong muốn trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hoang sơ, không có sự hỗ trợ của các thiết bị, dụng cụ hiện đại. 55% du khách còn lại muốn có kỳ nghỉ theo phong cách “ngoài vùng phủ sóng”- hoàn toàn ngắt kết nối, thoát ly khỏi bộn bề cuộc sống để tìm về một chốn bình yên. Điều đáng ngạc nhiên là có tới 47% thế hệ gen Y và gen Z muốn trải nghiệm xu hướng du lịch này.
Nhờ vậy, lượt tìm kiếm của những khu nghỉ dưỡng sinh thái tại các vùng biệt lập trong môi trường tương đối hoang sơ tăng lên vào năm 2023. Những khu nghỉ dưỡng toàn cầu được du khách ưu tiên lựa chọn lưu trú khi thực hiện chuyến đi “ngoài vùng phủ sóng” bao gồm Daintree Wilderness Lodge (Australia), EcoCamp Patagonia (Chile), Feynan Ecolodge (Jordan)…. Tại Việt Nam, khu vực suối La Ngâu (Bình Thuận) và bản Hang Táu (Mộc Châu) là hai địa điểm lý tưởng cho những người muốn thoát ly khỏi thế giới bên ngoài. Được biết, cả hai điểm đến này chưa xây dựng mạng lưới điện, sóng điện thoại và Internet hầu như không thể kết nối được. Du khách khi đặt chân đến đến đây sẽ thực sự hòa mình vào thiên nhiên.