Trần Kiều Anh là Co-Founder và CEO của Dòng Dòng, thương hiệu túi xách với các sản phẩm làm từ bạt tái chế. Ra đời hơn 3 năm, Dòng Dòng hiện đang ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong làng thời trang bền vững Việt Nam. Cùng Đẹp trò chuyện với nhà sáng lập của thương hiệu để tìm hiểu thêm về câu chuyện khởi nghiệp, cũng như khó khăn chị đã phải đối mặt và vượt qua với tư cách là một trong những người đi tiên phong.
Xin chào chị Kiều Anh, cảm ơn chị vì đã nhận lời phỏng vấn với Tạp chí Đẹp. Tôi tò mò không biết điều gì khiến chị từ bỏ cuộc sống ổn định ở Anh để quay về Việt Nam?
Sau hơn 10 năm ở nước ngoài, tôi nghĩ mình đã học đủ “cách làm người lớn” ở Anh. Tôi yêu văn hoá làm việc chỉn chu, nghiêm túc, trọng chữ tín trong kinh doanh cũng như sự sâu sắc và dí dỏm của con người nơi đây. Khi có một sự nghiệp ổn định, tôi nghĩ rằng những đức tính này khi được kết hợp với sự giàu có, đậm đà của văn hoá Việt Nam sẽ tạo ra được một điều gì đó đặc biệt. Vì vậy, tôi quay về Việt Nam để khởi nghiệp với tâm lý “thử cho biết”, không thành công thì lại đi. May mắn thay Dòng Dòng nay đã gần 4 tuổi và tôi rất hạnh phúc vì lựa chọn của mình.
Chị có thể chia sẻ thách thức lớn nhất với Dòng Dòng kể từ khi thành lập không?
Thời điểm doanh nghiệp chưa tròn một tuổi, chúng tôi phải quyết định duy trì hoạt động qua 2 năm dịch bệnh, . Còn khó khăn thường trực là thị phần thời trang bền vững tại Việt Nam còn khá nhỏ. Thế nên, bằng việc bền bỉ cho ra đời những sản phẩm chỉn chu, thẩm mỹ, liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng uy tín thương hiệu, Dòng Dòng hy vọng chính mình sẽ mở rộng thị trường và tăng sức hút chung cho ngành thời trang bền vững.
Còn với chị, một người phụ nữ làm kinh doanh, thử thách nào là lớn nhất chị phải vượt qua?
Là một người thuộc thế hệ millennial, tôi lớn lên trong sự giao thoa của thời đại nữ quyền được đấu tranh và nhắc đến nhiều hơn, tuy nhiên người phụ nữ vẫn được giáo dục theo những giá trị cũ về trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình. Có rất nhiều người bạn của tôi không chỉ xuất chúng trong công việc mà còn chu toàn trong chăm sóc con cái, nhưng lại luôn trong trạng thái kiệt sức. Đây cũng là thử thách lớn nhất đối với tôi, giữ gìn sức khỏe tinh thần tốt để có năng lượng làm hết tất cả những gì mình muốn.
Chị có thể chia sẻ về cách duy trì một môi trường làm việc lành mạnh và bình đẳng cho nhân viên không?
Văn hoá doanh nghiệp thường gắn bó mật thiết với tính cách người lãnh đạo. Tôi luôn muốn Dòng Dòng là một môi trường “drama-free” (nói không với “phốt”) để mọi người vui vẻ, thoải mái khi làm việc, với áp lực duy nhất là phải phát triển hơn mỗi ngày. Để đạt được điều đó, tôi chú trọng phát triển yếu tố con người qua các buổi huấn luyện, chia sẻ để mỗi nhân viên học thêm các kiến thức mới và hiểu hơn về công việc mình đang làm. Tại đây, mọi người đều được tự do thảo luận và đóng góp ý tưởng để hướng đến sự thành công chung của thương hiệu.
Con người chị đã được thể hiện thế nào qua cách mà Dòng Dòng làm truyền thông?
Từ những ngày đầu tiên, tôi luôn muốn Dòng Dòng thể hiện được những giá trị mà bản thân mình trân trọng. Không chỉ là một thương hiệu thời trang, Dòng Dòng còn bày tỏ quan điểm về những vấn đề xã hội như bình đẳng giới, LGBTQ+, biến đổi khí hậu,… một cách dí dỏm, tế nhị. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn Dòng Dòng là một tiếng nói có uy tín với người tiêu dùng Việt Nam thông qua việc sáng tạo không ngừng và nói đúng – làm đúng.
Sau 3 năm thành lập và phát triển Dòng Dòng, thành tựu khiến chị tự hào nhất cho đến thời điểm hiện tại là gì?
Dòng Dòng may mắn được mọi người yêu mến và ủng hộ, và những chiếc túi của thương hiệu đã góp phần thay đổi quan điểm của người tiêu dùng về sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh yếu tố “xanh”, chúng còn rất thời trang và hữu ích.
Chị có dự định gì về hướng đi của Dòng Dòng cũng như của bản thân trong tương lai?
Về khía cạnh doanh nghiệp, tôi mong muốn nghiên cứu thêm các kĩ thuật tái chế nhựa khác để tăng thêm sự đa dạng chất liệu, đồng thời mang sản phẩm đến nhiều quốc gia hơn nữa. Riêng với bản thân, tôi mong con gái, thế hệ sẽ phải đối mặt với những vấn đề về môi trường gắt gao nhất – khi lớn lên sẽ tự hào về cách tôi sống và làm việc.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị.