Nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến: “Hãy để nghệ thuật dẫn lối!” - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến: “Hãy để nghệ thuật dẫn lối!”

Đẹp Men +

Từ trường phái biểu hiện trừu tượng, nghệ sĩ Trịnh Minh Tiến bị thu hút bởi tính khai mở của phong cách cực thực. Đây là trường phái sáng tác giúp anh mở rộng nhận thức về bản thân và sự chuyển động của thế giới xung quanh. Ngồi lại với Tạp chí Đẹp vào những ngày cuối năm 2023 bận rộn, chủ nhân của giải thưởng cao quý nhất UOB Painting of the Year đã có những chia sẻ chân thành về đam mê dành cho nghệ thuật và những dự định sau khi cuộc thi kết thúc.

Khủng hoảng tạo nguồn cảm hứng mới

Chào anh Minh Tiến. Cảm ơn anh đã nhận lời mời phỏng vấn của Tạp chí Đẹp. Đầu tiên, anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình như thế nào sau khi trở thành người chiến thắng cao nhất của giải thưởng UOB Painting of the Year năm đầu tiên tại Việt Nam?

Thú thật, cảm xúc của tôi bây giờ đang rất hỗn độn, vừa vui vừa xúc động, xen lẫn cả sự bất ngờ nữa. Vì đây là giải thưởng đầu tiên của UOB Painting of The Year tại Việt Nam và tôi còn là đại diện duy nhất trong nước tham gia thi đấu với các nước Đông Nam Á khác. Giải thưởng này là niềm vinh dự và tự hào đối với tôi.

Động lực nào đã thôi thúc anh đến với cuộc thi này?

Tôi luôn quan niệm rằng giải thưởng lớn nhất của một người nghệ sĩ là được làm nghệ thuật. Nó giống một ngọn lửa cháy âm ỉ bên trong tôi như thể tôi không thể làm gì khác ngoài vẽ vậy. Nhưng đôi khi, chúng ta làm nghệ thuật không phải để chứng minh năng lực, mà là để truyền cảm hứng cho người khác. Lần này, động lực đưa tôi đến đấu trường nghệ thuật quốc tế xuất phát từ gia đình và các con.

Được biết, anh từng theo đuổi phong cách biểu hiện trừu tượng, mê lực nào ở cực thực đã khiến anh phải rẽ hướng?

Tôi bắt đầu thử nghiệm phong cách cực thực vì sự khủng hoảng về mặt tinh thần, áp lực gia đình và cuộc sống không rõ mục tiêu của người trẻ vào những năm cuối đại học. Trường phái này thiên về sự tự khám phá đã cho tôi cơ hội quan sát thế giới bên ngoài. Trước đây với biểu hiện trừu tượng thì tôi sáng tác rất nhiều nhưng điều này đôi khi đưa tôi đến sự bế tắc và trống rỗng, buộc bản thân phải dừng lại một khoảng thời gian để tách khỏi trạng thái đó và đi tìm câu trả lời cho “mình muốn gì?”. Sau khoảng 1 – 2 năm tạm ngừng hoạt động nghệ thuật, tôi muốn làm điều gì đó mới mẻ. Lúc đó, các tác phẩm cực thực đã để lại ấn tượng mạnh trong tôi. Nếu không muốn nói rằng đó là một sự thay đổi đúng lúc. Tôi bắt đầu dấn thân thử nghiệm phong cách mới này.

Cực thực được ra đời vào thời có máy ảnh kỹ thuật số. Còn trước đó, vào thập niên 60 – 70, hiện thực ảnh xuất hiện, truyền tải những bức ảnh thành tranh khổ lớn. Đó là vấn đề về công nghệ. Nó làm nghệ thuật trở nên khô khan và máy móc hơn. Hiện thực ảnh được ra đời để chống lại sự khô khan đó của công nghệ, khẳng định nghệ thuật ghi lại nhiều điều sâu sắc hơn một chiếc máy ảnh. Cho đến khi cực thực xuất hiện, phong cách sáng tác này không chỉ phóng đại hình ảnh mà còn nâng tầm vị thế của người nghệ sĩ. Cực thực mang tính cá nhân nhiều hơn vì nó thể hiện sự hiểu biết, góc nhìn, quan điểm đa diện của người họa sĩ.

Anh đã làm thế nào để biến sự khủng hoảng thành ý tưởng sáng tác nghệ thuật?

Tôi tìm kiếm điều thú vị từ khủng hoảng. Khi gặp bế tắc, tinh thần được đẩy lên cao độ. Đó là lúc tôi hiểu được mình muốn gì và cần gì nhất. Tuy nhiên, sau khi khai mở tâm trí, tôi vẫn bị khủng hoảng (cười). Nghĩ theo hướng tích cực thì chỉ có như vậy, những điều mới mẻ mới được sinh ra chứ.

Nếu như vậy liệu anh có nghĩ việc đưa sự khủng hoảng vào sáng tác vô tình thể hiện mặt tối cảm xúc vào tác phẩm của mình không?

Một người nghệ sĩ luôn thể hiện cả mặt tối và mặt sáng vào tác phẩm. Khi vẽ, bạn không thể nào giấu đi những cảm xúc bởi các nét bút diễn ra trong vô thức. Nếu vẫn giữ được ý thức trong lúc sáng tác thì bạn chỉ dừng lại ở vị trí một họa sĩ mà thôi.

Góc nhìn mới về thế giới qua lăng kính cực thực

Nói về tác phẩm đoạt giải của mình, anh đã nảy ra ý tưởng dùng súng phun sơn trên nắp capo xe để vẽ bức tranh “Thủy phủ” từ đâu?

Khoảng năm 2004 – 2005, tôi đã biết đến một chất liệu đặc biệt mà không được dạy ở trường là súng phun sơn trên những món đồ công nghiệp. Ở Mỹ, súng phun sơn đã được sử dụng để thể hiện các tác phẩm hiện thực ảnh đầu tiên. Ngoài ra, những người chơi ô tô ở đây vốn nổi tiếng với cách độ xe bằng cách phun sơn lên bề mặt để tạo thành những bức tranh di động trên đường. Tuy nhiên, họ chủ yếu sử dụng súng phun sơn để vẽ trang trí cho xe chứ không dùng để sáng tác nghệ thuật. Từ ý tưởng đó, tôi đã thực hiện “Thủy phủ” bằng súng phun sơn lên nắp capo xe.

Hàm ý mà anh muốn nhắn gửi thông qua dự án nghệ thuật với tên gọi “Thủy phủ” là gì?

Thực chất, thủy phủ có nghĩa là được bao phủ bởi nước. Tôi nghĩ mỗi bức tranh tạo nên một câu chuyện liền mạch của nước. Trong tác phẩm “Thủy phủ”, nhà thờ lớn Hà Nội trước đây là chùa Báo Thiên, một nơi trang nghiêm và lộng lẫy. Nhưng theo thời gian, nó không còn giữ được vẻ đẹp đó nữa. Điều đó đã gợi tôi liên tưởng đến nước – một dạng luôn biến đổi, hòa hợp, chuyển hóa, đi theo một dòng chảy vô thường của thời gian và ký ức.

Có thể thấy, cực thực là trường phái nghệ thuật hiếm thấy ở Việt Nam. Anh đã theo đuổi phong cách sáng tác này trong bao lâu?

Tôi bắt đầu vẽ cực thực từ năm 2012, tính đến nay là khoảng 11 năm.

Vậy là anh đã gắn bó với cực thực đã hơn một thập kỷ. Như vậy, sau tất cả, anh có nghĩ đã tìm thấy bản thân ở trường phái nghệ thuật này không?

Có chứ. Khi tiếp xúc với cực thực, tôi được mở rộng nhận thức về thế giới xung quanh. Tôi bắt đầu nhìn mọi thứ dưới góc nhìn của một người tạm gọi là nghệ sĩ cực thực. Người nghệ sĩ muốn rẽ hướng sang một trường phái khác không nhiều. Vì phong cách sáng tác mới phải phục vụ cho mục đích lớn hơn. Với cực thực, tôi đã thử nghiệm phương pháp truyền thống trước nhưng không thành công. Với trường phái này, tôi nhận ra mình có thể triển khai nhiều điểm mạnh và đạt được dụng ý mong muốn trong nghệ thuật.

Vậy anh có nghĩ sẽ trung thành với cực thực mãi không hay đến một lúc nào đó chuyển hướng khác để tìm kiếm nguồn cảm hứng mới?

Tôi không biết tương lai có điều gì thay đổi không. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tôi đang cố gắng thể hiện hết mạch sáng tạo của mình với cực thực.

Với UOB Painting of the Year, giải thưởng này có ý nghĩa gì trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của anh thời gian tới?

Giải thưởng này là thành tựu trong sự nghiệp của tôi. Đó là sự công nhận cho những đóng góp của tôi đối với cộng đồng mỹ thuật Việt Nam.

Sau khi nhận giải trong nước, anh sẽ lên đường đến Singapore để tham dự sự kiện trao giải cấp khu vực. Anh có thể tiết lộ cho độc giả biết kế hoạch sắp tới của anh là gì?

Thật ra, tôi không phải chuẩn bị gì nhiều. Tôi đi với tâm thế giao lưu, học hỏi các nghệ sĩ nước bạn. Tuy nhiên, việc tôi tập trung nhất hiện tại là buổi triển lãm “Thủy phủ” sắp tới ở Hà Nội.

Tại triển lãm này, anh dự định trưng bày bao nhiêu tác phẩm?

Sự kiện dự kiến sẽ có triễn lãm sắp đặt xe hơi, với chục bức điêu khắc ý niệm. Riêng dự án “Thủy phủ” có khoảng 15 – 16 bức. Tổng cộng khoảng hơn 30 tác phẩm được trưng bày tại triển lãm trong không gian nhà máy xe lửa Gia Lâm, thuộc khuôn khổ chương trình Tuần lễ Sáng tạo với chủ đề “Dòng chảy di sản”.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!

Tác giả: Hoàng Bảo

07/11/2023, 20:00