Mối liên kết giữa rừng và loài người đã bén rễ từ thuở ban sơ. Rừng cho ta nơi trú ẩn, thức ăn, nước uống và các phương thuốc. Trở về với rừng là trở về với nơi chốn an lành, nơi những tâm hồn mỏi mệt hòa mình vào không gian yên tĩnh để có thể lại được tái sinh.
Khán giả trung thành của những bộ phim hoạt hình Ghibli chắc hẳn sẽ nhớ mãi khu rừng xanh thẳm trong “Princess Mononoke” hay thiên đường thu nhỏ với vô vàn loài kỳ hoa dị thảo nơi những người tí hon trú ngụ trong “The secret world of Arrietty”. Và chắc hẳn họ cũng sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng những tuyệt cảnh này vốn được họa sỹ Miyazaki Hayao lấy cảm hứng từ địa điểm có thật ngoài đời: rừng cây tuyết tùng ở Yakushima (Kyushu) và công viên Koganei (Tokyo).
Đây chỉ là hai điểm xanh trong hơn 3.000 dặm rừng trải dài từ Hokkaido cho đến vùng Okinawa ở Nhật Bản. Đất nước với nền khoa học kỹ thuật phát triển bậc nhất này vốn có nền văn minh gắn liền với rừng. Cũng vì lẽ đó mà người dân nơi đây từ lâu đã nhận ra tác dụng chữa lành kỳ diệu của rừng cây. Nhật Bản cũng chính là nơi khởi phát của “shinrin-yoku” hay còn được biết đến với cái tên “tắm rừng” (forest bathing) – xu hướng đang được lan tỏa rộng khắp từ Đông sang Tây như một phương pháp hữu hiệu giúp con người chữa lành cả cơ thể và tâm hồn.
Đừng nghĩ rằng tắm rừng là… tắm trong rừng. Thuật ngữ này dùng để mô tả hành động kết nối với thiên nhiên thông qua việc đi bộ thư giãn, ngồi thiền, hít thở trong một khu rừng. Âm thanh của rừng, mùi thơm của cây, không khí mát lành, trảng cỏ non mơn mởn, ánh nắng lấp ló… tất cả là yếu tố mang lại cảm giác khoan khoái, giúp ta khai mở mọi giác quan và giải tỏa lo âu. Đặc biệt, thứ có tác động mạnh nhất của tắm rừng là hương thơm. Cây xanh giải phóng loại hợp chất dễ bay hơi là phytoncide có tác dụng làm gia tăng số lượng tế bào NK (Natural Killer) – đóng vai trò ngăn ngừa ung thư và giảm sản sinh hormone gây căng thẳng. Bác sỹ Qing Li, Phó Giáo sư trường Y Nyppon (Tokyo) trong cuốn sách “Shinrin-yoku: Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật” đã kết luận: “Số lượng tế bào NK tăng từ 440 lên 661, đồng thời năng suất hoạt động của chúng cũng sẽ tăng từ 17,3% lên 26,5% sau khi tắm rừng ba ngày hai đêm”.
Hòa mình vào thiên nhiên – thậm chí chỉ trong vài giờ, chứ đừng nói đến nhiều ngày – đã là điều không dễ dàng với những công dân thành phố. May mắn thay, vẫn có cách để ta có thể kiến tạo cho mình một mảnh xanh riêng mà chẳng cần phải xách ba lô lên đường: trồng cây trong nhà hay bao bọc không gian sống và cơ thể bằng nốt hương của cây cỏ được tái hiện dưới dạng tinh dầu, nến và nước hoa.
Nhắc đến tắm rừng là nhắc đến hinoki, một giống cây bách Nhật Bản. Hinoki đối với người dân xứ mặt trời mọc là mùi của quê hương. Tại Nhật, bạn sẽ bắt gặp mùi hinoki ở khắp mọi ngóc ngách chứ không chỉ trong rừng, từ chiếc bồn tắm gỗ rotenburo tại suối nước nóng cho đến đền miếu linh thiêng. Joomee Song, tác giả và chuyên gia chăm sóc da mặt người Nhật hiện đang sinh sống ở Los Angeles, đã thực hành phương pháp tắm rừng theo đúng nghĩa đen bằng cách thả một túi vỏ cây hinoki vào bồn tắm. Thứ mùi hương có chút chua mát của chanh, chút ám khói của gỗ này đưa Song trở lại những năm tháng cô đi bộ lên núi Takatori cùng cha mình mỗi cuối tuần khi còn ở Nhật.
Ở địa hạt nước hoa, Guerlain L’Art & La Matière Oud Nude là ví dụ điển hình của mùi hương giúp bạn cảm nhận rõ nét sự thuần tịnh và bình yên của rừng dù chẳng hề bước chân ra khỏi nhà. Trong chiếc lọ thủy tinh hình bát giác, hương trầm mãnh liệt cuộn trào ôm lấy hợp hương nhẹ nhàng và mang niềm hân hoan của hổ phách, hạnh nhân trắng và quả mâm xôi. Jo Malone London ghi lại cảm giác an lành và vững chãi khi ta ôm lấy một gốc cây lớn rồi gói gọn nó trong lọ hương English Oak & Hazelnut Cologne. Hạt phỉ xanh giòn tỏa ra nốt thơm tươi mát, lấp lánh quyện với mùi thơm của gỗ tuyết tùng và gỗ sồi, tái hiện khu rừng mùa hè mê hoặc và huyền nhiệm nơi ta chỉ muốn thơ thẩn cả ngày không muốn bước ra.
Trong rừng còn có những thứ mùi khác: mùi đất và mùi mưa. Mùi hương thanh mát, ngọt lành của rừng sau mỗi cơn mưa là kết quả của hiện tượng nước giải thoát tinh dầu tích trữ trong đất, đá, tán lá và hốc cây. Issey Miyake A Drop D’issey Eau De Parfum Fraîche kể câu chuyện về cuộc hành trình của hạt mưa mùa xuân đánh thức những bông hồng Damask, luống tử đinh hương rực rỡ rồi gặp gỡ rêu phong, long diên hương và gỗ tuyết tùng. Thiết kế thủy tinh dạng tròn như giọt nước được phủ lên sắc xanh trong của bầu trời và màu xanh tươi rói của cây cỏ.
Chúng ta hấp thụ phytoncide từ cây cối qua hơi thở và qua cả làn da. Ngày càng nhiều các dòng mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên xuất hiện với công dụng nuôi dưỡng làn da và mang đến cảm giác thư giãn cho người dùng. Chúng chứa nguyên liệu tinh tuyển đến từ những cánh rừng được khai thác minh bạch, mùi hương gần với tự nhiên và kết cấu mượt mà, dễ chịu.
Sau khi nghiên cứu và trải nghiệm shinrin-yoku, người sáng lập thương hiệu Tatcha – Vicky Tsai – đã cùng đội ngũ của mình cho ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc cơ thể Forest Awakening. Sữa tắm, lotion và dầu dưỡng thể chứa hỗn hợp tinh dầu cây hinoki, cây hiba và tuyết tùng, giúp đánh thức giác quan, làm dịu tâm trí đồng thời giữ ẩm cho làn da từ đầu đến chân. Cũng có một mối liên kết mật thiết với thế giới tự nhiên, chai tinh chất First Care Activating Serum thế hệ thứ 6 của Sulwhasoo mang trọn năng lượng của đất mẹ khi chứa thành phần nhân sâm quý giá cùng rễ cây cam thảo, rễ cây mạch môn, chiết xuất hoàng kỳ, mẫu đơn và trà xanh…
Phytoncide là thành tố lý giải tại sao chúng ta lại cảm thấy dễ chịu đến vậy khi ở trong rừng. Tuy nhiên, trong không khí không chỉ có mùi hương của cây mà còn tồn tại một thứ không hình, không mùi, không vị khác khiến cơ thể thấy khỏe khoắn hơn – ion âm. Những hạt siêu nhỏ mang điện tích âm giúp tinh thần tỉnh táo và tăng cường sinh lực. Có rất nhiều sản phẩm công nghệ làm đẹp như máy rửa mặt, đẩy tinh chất… áp dụng nguyên lý hoạt động của điện tích. Chẳng hạn như dòng máy chăm sóc da Panasonic EH-ST98, Hitachi Hada Crie CM-50000UF, Halio Ion Cleansing & Moisturizing… với chức năng sinh ra ion âm để hút chất bẩn nấp trong lỗ chân lông và đưa tinh chất đi sâu vào các tầng da.
Ước tính, thị phần của mỹ phẩm có nguồn gốc từ thực vật đã tăng từ 460 tỷ USD vào năm 2014 lên 675 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2022. Trước nhu cầu khổng lồ đang không ngừng tăng lên kết hợp với những biến đổi khôn lường của khí hậu, việc nguồn nguyên liệu thô từ rừng dần trở nên khan hiếm dường như không còn là một viễn cảnh.
Không thể để mối quan hệ giữa rừng và ngành mỹ phẩm mãi là mối quan hệ cho đi một chiều, nhiều thương hiệu đang hiện thực hóa cam kết với môi trường bằng các hành động thiết thực. Quy trình khai thác bền vững và minh bạch được triển khai và vô số chiến dịch trồng cây, bảo vệ đa dạng sinh học cũng đang được tiến hành.
Đơn cử như Yves Rocher với chiến dịch “Plant for the Planet”. Tính đến năm 2022, hơn 120 triệu cây đã được ươm mầm trên toàn thế giới. The Body Shop thực hiện dự án “Cầu sinh học” (BioBrigde) với mục tiêu tái tạo lại hành lang sinh học cho 75 triệu mét vuông rừng tự nhiên nhằm bảo vệ diện tích rừng và các loài động thực vật bị đe dọa. Từ năm 2019, thương hiệu mỹ phẩm Menard đồng hành cùng dự án “Rừng Việt Nam” trồng 26.000 cây sa mộc tại Vị Xuyên (Hà Giang), 5.500 cây sao đen ở Khu bảo tồn Tà Kóu (Bình Thuận), đến tháng 4/2022 đã mở rộng hợp tác với Vườn quốc gia Cúc Phương trong công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Tương tự, các thương hiệu khác như CHANEL, Davines, Guerlain, Caudalie, Sulwhasoo… cũng không ngừng đưa ra những phát kiến mới nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững và nhân rộng độ phủ xanh trên khắp thế giới.
Thiên nhiên cuốn đi hơi thở cũ kỹ và trả lại luồng sinh khí tốt lành cho mái tóc, làn da, cơ thể và cả tâm hồn chúng ta. Kết nối với thế giới tự nhiên, tưới tắm lên mình những năng lượng quý giá từ rừng và cũng đừng quên đi nhiệm vụ chăm sóc và bảo tồn những mảng xanh cho trái đất.