Cuộc sống bận rộn và áp lực công việc tích tụ đôi khi sẽ khiến bạn quay cuồng muốn trốn chạy. Bạn có biết, nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiên nhiên là một trong những liệu pháp giúp cân bằng cảm xúc, đưa tinh thần thoải mái hơn khi đối diện với mọi vấn đề. Chính vì vậy mà “Đi Đến Nơi Có Gió” của Lý Hiện và Lưu Diệc Phi đã trở thành một trong những bộ phim được yêu thích gần đây, đặc biệt là đối với những khán giả trưởng thành đang trong giai đoạn nỗ lực sống tốt hơn mỗi ngày.
Ấn tượng đầu tiên mà “Đi Đến Nơi Có Gió” mang đến cho khán giả chính là khung cảnh thiên nhiên quá đỗi êm đềm. Phong cảnh hữu tình dù chỉ được thể hiện qua màn ảnh nhưng đã khiến nhiều người cảm giác như được hòa mình vào bầu không khí chung. Nữ chính Hứa Hồng Đậu (Lưu Diệc Phi) sau khi trải qua cú sốc mất đi người bạn thân thiết, liên tục dằn vặt trong tiếc nuối, cùng với những bất ổn tích tụ từ cuộc sống vội vã thường ngày, đã quyết định tạm rời chốn phồn hoa đô thị để đến thôn Vân Miêu ở Vân Nam tìm chút bình yên và ổn định lại trạng thái. Một vùng thôn quê dân dã với cảnh sắc đẹp nao lòng, từng nẻo đường, nhà cửa, vườn tược, quán xá đều nên thơ và yên bình khiến người xem cũng phải ao ước được đặt chân đến một lần trong đời.
Với mục đích thúc đẩy du lịch bản địa nên từng thước phim đều được quay dựng rất chỉnh chu, màu sắc mãn nhãn. Các yếu tố về đời sống văn hóa, bản sắc dân tộc cũng được thể hiện khá tốt, thêm vào đó là câu chuyện tình yêu, tình làng nghĩa xóm vừa đủ tạo cảm giác yên bình, thoải mái. Cũng từ đây, nếu ai theo dõi bộ phim có thể nhận ra những chuyển biến tích cực về trạng thái tinh thần của nữ chính trên hành trình “đi đến nơi có gió”. Đứng trước khung cảnh thiên nhiên lộng gió, không còn bị những tiếng còi xe, những khói bụi thành thị hay bê tông cốt thép vây quanh, Hồng Đậu từng chút thả lỏng bản thân và tìm lại chính mình. Sự tự do trong tâm hồn cùng môi trường sống trong lành đã giúp cô trở nên lạc quan hơn, mỗi ngày đều có niềm vui mới và trạng thái cũng chuyển biến tích cực hơn.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, các yếu tố tự nhiên như tiếng nước chảy hay mùi cỏ cây trong rừng sẽ giúp bạn đỡ căng thẳng, tinh thần phấn chấn hơn và làm việc năng suất hơn tới 15%. Thiên nhiên chính là liệu pháp giúp bạn ổn định, tự tin hơn khi đối diện với mọi vấn đề, tạo được cảm xúc tích cực trong xây dựng các mối quan hệ.
“Đi Đến Nơi Có Gió” là kiểu phim slice of life (Tạm dịch: lát cắt cuộc sống) nên tất cả nhân vật đều có câu chuyện riêng, dung dị đời thường. Cái hay của phim là thể hiện khá tốt vấn đề của nhân vật, từ trẻ nhỏ cho đến người già, phim khiến người xem thổn thức vì thấy được hình ảnh bản thân trong đó. Phim không chỉ chữa lành mà còn cho chúng ta nhiều lời khuyên chân thành được đúc kết từ cuộc sống thực tế: “Bản chất của gió là dòng chảy trong không khí, hai luồng không khí nóng lạnh lưu động tạo thành gió. Thế gian vạn vật đều có sinh khí, không có gió thì sẽ là đầm nước tù đọng. Loài chim sẽ bay về phương nam trú đông, con người khi mệt mỏi lạnh giá cũng cần tìm nơi ấm áp, tìm kiếm năng lượng hạnh phúc. Sức mạnh của sự vui vẻ chính là sức mạnh của sự bắt đầu lại.” “Đi đến nơi có gió” cũng chính là đi đến nơi không khí lưu động, nơi vạn vật sinh sôi, để có thể xây dựng và nuôi dưỡng một tâm hồn tự do, một trái tim ấm áp.
Nếu đang cảm thấy chênh vênh hay đang phải chịu những tổn thương tinh thần, bạn hãy thử cho mình cơ hội về với thiên nhiên để có thể hít thở bầu không khí trong lành và cảm nhận được sự tĩnh lặng từ bên trong tâm hồn. Kể cả khi chưa có cơ hội để “đi đến nơi có gió” của riêng mình, bạn cũng có thể du lịch qua màn ảnh nhỏ, theo chân cô nàng Hứa Hồng Đậu đến thôn Vân Miêu xinh đẹp, thả tâm hồn tự do sau những giờ làm việc căng thẳng. Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng lộng gió cũng như những lời thoại ấm áp sẽ vỗ về tinh thần bạn. Và chỉ khi năng lượng được nạp đầy, khi tinh thần lạc quan nội tại vững chắc, bạn mới có thể mang đến sự tích cực cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Hãy lắng nghe trái tim mình và tìm về thiên nhiên kịp lúc để chữa lành tâm hồn, như cách mà nữ chính Hồng Đậu “đi đến nơi có gió” của chính mình.