Trước thảm kịch xảy ra trên sân vận động Kanjuruhan của Indonesia tối 1/10, lịch sử bóng đá thế giới đã chứng kiến hàng nghìn người thương vong trên sân vận động do giẫm đạp, ẩu đả hay hỏa hoạn.
Vụ giẫm đạp tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia tối 1/10 đã khiến 125 người thiệt mạng và hơn 320 người bị thương. Đây là một trong những thảm kịch kinh hoàng nhất từng xảy ra trên sân cỏ và là một trong những vụ giẫm đạp tại sân vận động nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Vụ việc xảy ra sau khi trận thi đấu giữa hai đội Arema FC và Persebaya Surabaya kết thúc với tỷ số 2-3, do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của đội Arema FC đã lao vào sân, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để kiểm soát tình hình, dẫn đến việc đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) Gianni Infantino đã gọi đây là thảm kịch, là cú sốc đối với bóng đá thế giới, ghi dấu một ngày đen tối của thể thao.
Trước vụ việc này, lịch sử bóng đá đã chứng kiến hàng nghìn người thương vong trên sân vận động do giẫm đạp, ẩu đả hay hỏa hoạn… Dưới đây là những thảm kịch từng xảy ra trên các sân cỏ thế giới:
– Ngày 1/2/2012, tại Port Said (Ai Cập): Truyền hình nhà nước Ai Cập đưa tin, ít nhất 73 người đã thiệt mạng khi người hâm mộ của hai đội bóng Al-Masry và Al-Ahly kéo xuống sân sau chiến thắng 3-1 của Al-Masry. Cổ động viên quá khích đã ném gậy, đá vào nhau, gây ra một vụ giẫm đạp.
– Ngày 11/4/2001, tại Johannesburg (Nam Phi): Đám đông bên ngoài sân Ellis Park đã kéo vào sân vận động vốn đã chật cứng người để xem trận đấu giữa hai đội bóng Kaizer Chiefs và Orlando Pirates. Nhiều người bị mắc kẹt trong hàng rào thép gai, hậu quả là 47 người mất mạng.
– Ngày 16/10/1996, tại Guatemala City (Guatemala): Ít nhất 78 người đã thiệt mạng và 180 người bị thương trong vụ giẫm đạp trên sân vận động trước trận đấu vòng loại World Cup giữa hai đội tuyển Guatemala và Costa Rica.
– Ngày 13/1/1991, tại Orkney (Nam Phi): Ít nhất 40 người chết, phần lớn bị giẫm đạp hoặc xô đẩy dọc theo hàng rào chung quanh sân bóng, khi đám đông cổ động viên hoảng loạn tìm cách tháo chạy khỏi những cuộc ẩu đả trên khán đài.
– Ngày 15/4/1989, tại Sheffield, England (Vương quốc Anh): Hàng nghìn cổ động viên đã tràn vào sân vận động Hillsborough xem trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest.
Nhiều người bị mắc kẹt, rồi giẫm đạp lên nhau trên khán đài, làm 96 người thiệt mạng. Việc cảnh sát cho phép hơn 5.000 cổ động viên vào sân, bất chấp các khán đài đã kín người, được cho là nguyên nhân chính dẫn tới vụ việc kinh hoàng này.
– Ngày 12/3/1988, tại Kathmandu (Nepal): Cơn lốc kèm mưa đá bất chợt xuất hiện khiến cổ động viên bỏ chạy khỏi sân vận động, tuy nhiên, các lối ra đều bị khóa. Trong cơn hỗn loạn, ít nhất 93 người đã chết và hơn 100 người bị thương.
– Ngày 29/5/1985, tại Brussels (Bỉ): Trận chung kết Cúp châu Âu giữa Liverpool (Anh) và Juventus (Italy) tại sân vận động Heysel đã biến thành bạo loạn khi một bức tường ngăn các cổ động viên của hai đội bóng đổ sập. 39 người đã thiệt mạng sau vụ việc này.
– Ngày 11/5/1985, tại Bradford, vùng England (Vương quốc Anh): 56 người đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn xảy ra trên khán đài của sân vận động Valley Parade. Kết quả cuộc điều tra chính thức cho thấy rác tích tụ bên dưới khán đài gây ra đám cháy và ngọn lửa có thể đã bùng lên bởi một điếu thuốc lá.
– Ngày 17/2/1974, tại Cairo (Ai Cập): Đám đông đang cố tình chen vào xem một trận đấu đã xô đổ hàng rào khiến 49 người bị giẫm đạp đến chết.
– Ngày 2/1/1971, tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh): Một hàng rào trên sân vận động Ibrox đã bị sập khi trận đấu giữa câu lạc bộ Celtic và Rangers sắp tới hồi kết. Thảm kịch đã xảy ra khi những cổ động viên rời sân vận động bị xô đẩy bởi một đám đông đang tìm cách quay lại sân sau khi biết tin Rangers có bàn gỡ hòa. 66 người đã thiệt mạng và 140 người bị thương trong vụ việc này.
– Ngày 23/6/1968, tại Buenos Aires (Argentina): Sau trận đấu giữa câu lạc bộ River Plate và Boca Juniors, các cổ động viên đã rời sân vận động nhưng đi nhầm vào một lối ra đã bị bịt kín. Đám đông giẫm đạp lên nhau, hậu quả là 74 người tử vong và hơn 150 người bị thương.
– Ngày 24/5/1964, tại Lima (Peru): 318 người chết và 500 người bị thương trong vụ bạo loạn tại sân vận động quốc gia sau khi Argentina đánh bại Peru trong trận thi đấu ở vòng loại Olympic. Sự hỗn loạn đã bùng lên sau khi trọng tài không công nhận một bàn thắng của đội chủ nhà vào những phút cuối cùng của trận đấu.
– Ngày 30/3/1955, tại Santiago (Chile): 70.000 người đã cố chen lấn vào sân vận động để xem trận đấu chung kết giữa Argentina và Chile trong khuôn khổ Cúp bóng đá Nam Mỹ. Hậu quả là 6 người đã thiệt mạng.
– Ngày 9/3/1946, tại Bolton, England (Vương quốc Anh): 33 người đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương khi một bức tường đổ sập tại sân vận động Burden Park, trước thềm trận đấu giữa câu lạc bộ Bolton Wanderers và Stoke City trong khuôn khổ FA Cup.
– Ngày 5/4/1902, tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh): Khi trận đấu giữa đội tuyển Scotland và đội tuyển Anh trong khuôn khổ Giải British Home Championship đang diễn ra tại sân vận động Ibrox Park, một phần khán đài đã bất ngờ đổ sập xuống, làm 25 người chết và 517 người khác bị thương.