Thoạt nhìn, Tùng trông… hơi chậm. Không phải chậm chạp mà là chậm rãi, kiểu “chuyện đâu có đó”, “không đi đâu mà vội”, nên trông anh chàng 8X đời đầu này đôi khi như một ông cụ non, trong cái điệu nghĩ chín, nghĩ chắc, nói được làm được gần như là một đặc sản nội tâm nổi bật ở anh. Hoặc giả, Tùng nhanh theo kiểu của anh, mỗi khi đến đoạn cần quyết đoán.

 

Chẳng hạn như triển lãm gây tiếng vang “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý” tại Trung tâm Văn hóa Ý (Hà Nội) – Casa Italia do anh tổ chức vào dịp trung tuần tháng 4 và kéo dài tới đầu tháng 5 vừa qua, đó cũng là một bất ngờ ngay với chính người thân và bạn bè của anh. Cuộc triển lãm có cái nhan đề nghe rõ thảnh thơi, nhưng nhiều tháng trước đó, Tùng mất ăn mất ngủ với nó, trong nỗ lực kết nối các đầu mối, mắt xích sao cho “đúng người, đúng việc” để kể cho bằng được câu chuyện cần kể theo cách riêng của anh, vốn là chúa cầu toàn.

Một triển lãm không thể nhỏ xinh hơn, chỉ với đúng 12 hiện vật là 12 chiếc giày gốm được bố anh – cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng tạo tác, được gói gọn trong không gian trưng bày sang trọng mà ấm cúng của Casa Italia, nhưng chỉ cần liếc qua cũng có thể nhận thấy ngay rằng nhà tổ chức đã chuyên nghiệp và kỳ công với nó tới mức nào. Không chỉ giá trị độc đáo của hiện vật, triển lãm còn đưa tới một định nghĩa mới mẻ về không gian trưng bày hiện đại, thông qua diện mạo chỉn chu, bố cục chặt chẽ, cách kể chuyện súc tích cùng bộ nhận diện nhất quán. Designer Nguyễn Việt Nam, người sáng lập TiredCity – một thương hiệu sáng tạo dành cho giới trẻ gây chú ý gần đây, nhận xét: “Từ đợt đi triển lãm ở châu Âu đến giờ, tôi chưa gặp được triển lãm nào đẹp và chỉn chu thế này. Không chỉ các tác phẩm, mà còn cả thiết kế không gian trưng bày đến những tấm postcard đi kèm cũng rất ấn tượng, tổng thể thành một khối rất nhất quán”.

 

Con số 12 hiện vật cũng là một lựa chọn gây bất ngờ với những ai từng biết đến tên tuổi Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng – một trong hai nghệ nhân nhân dân duy nhất của làng gốm Bát Tràng, với hàng trăm tác phẩm được tích lũy qua hơn 50 năm làm nghề, trong đó có không ít tác phẩm và bộ sưu tập được trao giải thưởng và ghi nhận kỷ lục. Một sự chắt lọc, “lấy ít tả nhiều” đầy khiêm nhường, hay tận cùng của nó chính là đầy tự tin và kiêu hãnh?

Tùng không nghĩ thế, chuyện đơn giản chỉ là (nhưng thật ra mang ý nghĩa sâu xa): “Với riêng tôi thì đây là bộ sưu tập đặc biệt nhất của bố vì nó là sự kết nối nghề nghiệp của tôi với ông, khi cùng ê-kíp Đẹp Fashion Show 11 (2011) thiết kế không gian triển lãm nghệ thuật của sự kiện. Đề bài nghe chừng đơn giản nhưng không hề dễ nhằn với một nghệ nhân vốn xa lạ với thế giới thời trang. Và đáng kể, nó là một ‘đơn đặt hàng’ giữa hai người gần như không liên quan gì nhau trong công việc. Tiếng là con trai duy nhất của một nghệ nhân, nhưng trước đó và tận mãi sau này, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghề của bố. Tôi muốn được sống một cuộc đời bay nhảy hơn, tung tăng hơn là một đời gắn bó với làng, suốt ngày lầm lụi đất cát, cặm cụi bên những mẻ gốm, quay cuồng giữa những hợp đồng… như bố mẹ”. Ở những năm tháng tuổi trẻ đầu đời, Tùng chọn học khoa tiếng Nhật, rồi dần được “dòng đời xô đẩy” tới nghề báo ở cương vị một nhà sản xuất và giám đốc hình ảnh – công việc đúng với sở thích bay nhảy, quảng giao cũng như sở trường chỉn chu, giỏi quán xuyến mọi việc của anh.

 

Nhưng mọi chuyện biến đổi kể từ sau một biến cố lớn trong gia đình anh. Tháng 10/2016, Tùng hớt hải bỏ ngang một chuyến đi công tác khi nhận được hung tin: bố anh, trong khi đang xây dựng Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt đã không may tử nạn, như một cú “sinh nghề tử nghiệp”. 50 năm lặn ngụp làm nghề, gia tài Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng để lại là cả một di sản gồm những bộ sưu tập vô giá, nhiều tác phẩm trong số đó là độc bản, ông từng không chịu bán với bất cứ giá nào để làm “của để dành” cho dự định tâm huyết, chứa đựng tầm nhìn xa: thành lập bảo tàng gốm sứ tư nhân đầu tiên tại làng gốm Bát Tràng. Người con trai duy nhất của nghệ nhân đã nhiều lần “vừa đi vừa khóc”, nghĩ đến những việc bố đang làm dở và mình không biết phải bắt đầu từ đâu để có thể gánh tiếp, khi trót không từng đi chung đường. Ấy là lúc Tùng chợt nhận ra kỳ vọng kín đáo của bố anh khi trước đó đã để anh được mặc sức tung tẩy, được ra đời học đủ thứ mà anh muốn (và cả ông cũng muốn), rồi biết đâu sẽ có ngày, cộng với cái máu “con nhà” sẵn có, gu thẩm mỹ được bồi đắp từ bé, anh sẽ về lại đúng nơi anh từng đi. 

Giờ thì trong tấm name card của Tùng đã có thêm một dòng chữ: “Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt”, mà dấu ấn đầu tiên chính là triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý”, đánh dấu sự ra mắt của website Bát Tràng Museum (www.battrang.museum) – nền tảng số về nghệ thuật gốm đương đại Việt Nam nói chung và làng gốm cổ Bát Tràng nói riêng, song song với chiến lược dài hơi là xây dựng Bảo tàng Hồn Đất Việt, dự kiến trưng bày hàng trăm hiện vật quý bao gồm các bộ sưu tập cổ cũng như các tác phẩm để đời của Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng. 

 

“Tôi đã xỏ rất nhiều đôi giày, có đôi vừa có đôi không, nhưng tới giờ này thì tôi đã nhận ra đôi giày tôi ướm vừa nhất chính là đôi giày của bố. Tôi không có đôi bàn tay tài hoa như ông, nhưng tôi hy vọng mình có được đôi mắt của ông, dù tôi còn kém xa lắm về tầm nhìn…”.

 

Và đó là một đôi giày vạn dặm, để ngay cả âm – dương, tàn nhẫn như âm – dương, xa ngái như âm – dương, cũng không thể chia lìa cách biệt.

Bài Thư Quỳnh   Ảnh Lê Lai, Đỗ Sỹ

 Thiết kế Hà Phạm 

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP