Ảnh hưởng nào là rõ nhất từ bố anh – nhà thơ, nhà bình thơ Vũ Quần Phương lên những trang viết của anh?
Lối viết của tôi, cách nhìn, cách nghĩ của tôi chắc là ảnh hưởng văn hóa phương Tây nhiều hơn, từ những cuộc trò chuyện với những người có thể gọi là thuộc giới tinh hoa của những đất nước mà tôi đã đi qua và may mắn được tiếp xúc, từ các cơ hội quan sát, trải nghiệm…
Rời Việt Nam từ năm 17 tuổi, độ mở, độ thấm ở tôi trước nền văn hóa lạ ở quê hương thứ hai hẳn là cũng nhanh và thuận hơn. Nếu đi muộn hơn có thể cũng đã khác.
Nhưng cái gốc thì chắc vẫn có những ảnh hưởng từ ông cụ. Cách nói, cách viết, cách tư duy của bố tôi rất mạch lạc, logic, vốn từ, mẫu câu phong phú, linh hoạt; ông đến đâu là y như rằng trở thành tâm điểm của cuộc ấy. Môi trường sinh hoạt thời nhỏ của tôi cũng đặc biệt, các vị khách hay đến chơi nhà dạo ấy phần nhiều là các nhà thơ nhà văn tên tuổi, mà trước đó tôi chỉ biết qua tác phẩm. Cái tủ sách tôi từng đọc ngấu nghiến, đôi khi chỉ là vớ từng cuốn đọc bừa, nhưng những cuốn sách “đọc bừa” đó đã được tuyển lựa bởi một nhà văn, nhà văn hóa giàu kiến thức. Đó hẳn là một may mắn không phải ai cũng có. Bấy nhiêu chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mình, từ kiến thức chung cho đến cách chọn từ ngữ, hay trong cách liên tưởng, quan sát.
Tương tự, anh có nghĩ nhiều về ảnh hưởng của mình lên con mình?
Hai con tôi sinh ở Mỹ, lớn lên ở Mỹ, học trường Mỹ, nên ảnh hưởng văn hóa Mỹ lên bọn trẻ rất mạnh. Nhưng một mặt, các cháu cũng không bị đè nặng tâm lý phải phấn đấu trở thành ông này bà kia như tâm lý phổ biến của nhiều người gốc Á tại Mỹ. Hạnh phúc phải do chúng nó tự định nghĩa, dựa vào khả năng thực có. Và tôi có thể chắc chắn là chẳng cậu nào chịu trở thành nhà nghiên cứu giống bố cả. Nó cũng là chuyện thường tình thôi, vì giờ trong xã hội có rất nhiều nghề mới thú vị mà mình không biết. Tôi không câu nệ gì việc này, miễn sao bọn trẻ tìm thấy cái nghề phù hợp nhất với nó, với thế hệ của tụi nó.