Thế hệ Drama Queen - Nữ hoàng bi kịch: Tại sao chúng ta lại hỗn độn đến thế? - Tạp chí Đẹp

Thế hệ Drama Queen – Nữ hoàng bi kịch: Tại sao chúng ta lại hỗn độn đến thế?

Lifestyle

“Cuộc đời tôi đúng là một mớ hỗn độn”, nếu ai đó hỏi về câu cửa miệng của cư dân thế kỷ 21 thì đây chính xác là câu trả lời. Mớ hỗn độn là cách người trẻ hiện đại mô tả chung về đời sống của họ. Phạm vi nghĩa của cụm từ này không giới hạn trong một khía cạnh cả, mà bao gồm cả tình cảm, công việc, thế giới nội tâm, mối quan hệ xã hội. Đúng vậy, tất cả đều rối tung beng, và họ chắc chắn sẽ quay đầu ngón tay chỉ thẳng vào mặt mình nếu bạn hỏi ai là người thất bại nhất trên thế gian này. 

Phương Tây có một cách gọi khác cho “mớ hỗn độn”: A hot mess. Cụm từ này lần đầu tiên được nhắc tới trong bản thảo của một biên tập viên ẩn danh vào năm 1899. Người này đã mô tả công chúng nước Mỹ là “một mớ hỗn độn nóng tính”. Sau này, cư dân mạng sáng tạo hẳn cụm từ Drama Queen (Nữ hoàng bi kịch) để chỉ những người luôn trong tình trạng “bất thường, căng thẳng”, hễ đụng chuyện là sẽ lăn ra than thở rằng đời mình đúng là hỗn độn.  

Khi sử dụng thuật ngữ này, mọi người không đang nói họ mắc một căn bệnh khó chữa, ở trong mối quan hệ tay ba kịch tính hay vừa bị ai đó lừa trắng trợn. Không phải những tình huống mà sự lộn xộn có thể nhìn thấy ngay bằng mắt thường như vậy. Hỗn độn ở đây là để chỉ những thứ diễn ra bên trong thế giới nội tâm: sự xáo trộn cảm xúc, sự bấp bênh mơ hồ về bản thân, cảm giác tự ti, không an toàn,… Nói tóm lại là những căng thẳng thần kinh khiến họ nghĩ mình là người thảm bại có nhiều khiếm khuyết nhất trên đời. 

Thế nhưng trên thực tế, một người thường có xu hướng đánh giá bản thân tệ hơn là mức người khác nghĩ về họ. Tờ The Atlantic dẫn lời Arthur C. Brooks, hosting của loạt series podcast chủ đề Xây dựng một cuộc đời ý nghĩa, nói rằng khoảnh khắc nhận ra người khác chẳng quan tâm tới khiếm khuyết của bạn nhiều như bạn nghĩ chính là lúc bạn bắt đầu tận hưởng cuộc đời. 

Tại sao lại drama hóa cuộc đời?

Theo kết luận một nghiên cứu đăng tải trên ScienceDirect vào năm 2004, một người khỏe mạnh và bình thường (tức là không thuộc dạng tự luyến bản thân hay xa lánh xã hội), sẽ thường để ý đến mặt xấu thay vì mặt tốt của bản thân. Nghiên cứu này đã gọi đây là xu hướng tự phê bình và hầu hết mọi người đều từng đánh giá tiêu cực về bản thân ít nhất một lần trong đời. Có hai kiểu tự phê bình thường gặp nhất cho tới nay: 1) So sánh bản thân với những người được cho là vượt trội hơn và cảm thấy thua kém. 2) So sánh bản thân hiện tại với phiên bản hoàn hảo mà bạn kỳ vọng, nhưng vì thực tế và tưởng tượng không khớp nhau nên cảm thấy tự ti và thua cuộc. 

Không nhất thiết một người phải hoàn toàn tồi tệ mới cảm thấy tiêu cực sau khi so sánh với người khác. Đây là một dạng cảm xúc bình thường do thói quen SOKA (self-other knowledge asymmetry hay còn gọi là sự bất xứng trong cách đánh giá bản thân). Theo đó, chúng ta thường đánh giá bản thân dựa trên những đặc điểm kín (Thường là những khiếm khuyết mà bạn cố che giấu đi). Còn người khác thì chỉ nhìn thấy những gì bạn thể hiện ở bên ngoài (Thường là những mặt tích cực và hoàn hảo nhất). So sánh với người khác càng làm cho những khiếm khuyết của bạn nghiêm trọng hơn. Do hiệu ứng SOKA, bạn sẽ có xu hướng cho rằng những “mặt xấu” của mình là bất thường, không giống người khác và vì vậy mà vô phương cứu chữa. 

Sự phát triển ồ ạt của các nền tảng mạng xã hội cũng đã góp phần tạo nên thế hệ “hỗn độn”, bên cạnh thế hệ “hãy nhìn cuộc đời tôi tốt đẹp chưa này”. Thế nhưng, mạng xã hội chẳng qua chỉ là một phiên bản kỹ thuật số của SOKA, khi nó khiến bạn nhìn cuộc đời qua những lăng kính không toàn diện. Thuật toán của Facebook khuyến khích mọi người chỉ đăng những điều vui vẻ, tích cực và tâng bốc bản thân. Bạn thấy bạn bè “ảo” đi bộ trên một con phố đầy nắng, uống cà phê rất “chill” và có một cuộc đời hào nhoáng đáng ngưỡng mộ. Thế nhưng, lúc họ đau khổ vào nửa đêm hay khóc một trận to lúc vừa ngủ dậy thì bạn lại không hề được biết. Vì chẳng có ai đăng bài “Tôi có một anh bạn trai độc hại và chúng tôi mới cãi nhau một trận đã đời. Hashtag #Toxicrelationship”. Nếu bạn để não bộ của mình là một bảng tin Facebook với đầy ắp những hình ảnh tốt đẹp về người khác, thì sẽ không tránh khỏi việc cho rằng cuộc đời mình hỗn độn khi bạn biết rất rõ những khiếm khuyết của mình. 

Nếu suốt ngày tự bi kịch hóa cuộc đời bằng cách chăm chăm nhìn vào những mặt tiêu cực, thì bạn đang tự biến mình trở thành một drama queen tỏa năng lượng xấu không ai dám đến gần, mà ngay cả chính bạn cũng cảm thấy mệt mỏi khổ sở. Hãy thực hành các mẹo dưới đây để cuộc đời thôi không hỗn độn. 

Đơn giản hóa mọi vấn đề 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng vấn đề của các drama queen chính là họ cứ đào sâu lí do mà không chịu đi tìm giải pháp. Nếu không giải quyết thì mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, cái làm bạn đau khổ sẽ tiếp tục dày vò bạn mãi không thôi. Cách duy nhất để chấm dứt nó chính là thiết lập bộ giải pháp và xắn tay áo thực hiện nó. Cũng có trường hợp nghiêm trọng hóa vấn đề đến mức không tìm ra giải pháp. Bí kíp ở đây là: Khi có vấn đề xảy ra, hãy tự quy cho mình trước thay vì đổ lỗi cho người khác, thay đổi một người thì luôn nhanh và dễ làm hơn là thay đổi nhiều người. Thêm nữa, tất cả mọi “khiếm khuyết” của bạn không phải là bản chất khó dời, mà chỉ là những thói xấu cần thời gian để chỉnh sửa. 

Cởi mở về chính bản thân

Khi bạn nghĩ mình là kẻ thất bại nhất trên đời, hãy thực hành lặp lại nhiều lần hai câu này trong đầu: 1) Bạn là người duy nhất nhìn thấy những khiếm khuyết này. 2) Người khác cũng có khiếm khuyết và họ đang chật vật giống như bạn vậy. 

Việc nghĩ mình không “cá biệt” sẽ giúp bạn cởi mở hơn về chính bản thân mình. Lúc này, bạn sẽ đồng cảm sâu sắc với người khác, cũng như chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ/chia sẻ từ những người có cùng vấn đề. 

Xem sự hỗn độn là một món quà

Có người cho rằng, những ý tưởng mâu thuẫn nhau chính là khởi đầu cho sự sáng tạo. Tương tự thế, sự hỗn độn mà bạn nhìn thấy đang chứng tỏ bạn đang trong quá trình đào sâu bản thân, cố gắng sắp xếp nó để có một phiên bản hoàn hảo, tích cực hơn. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi đón nhận sự hỗn độn như một món quà phát triển bản thân.  

Tác giả: Hằng Trần

04/08/2022, 22:20