'Bão giá' làm gia tăng gánh nặng chi tiêu lên các hộ gia đình Nhật Bản - Tạp chí Đẹp

‘Bão giá’ làm gia tăng gánh nặng chi tiêu lên các hộ gia đình Nhật Bản

Sống

Bước sang tháng Tám, không chỉ các sản phẩm làm từ bột mỳ, các chuỗi cửa hàng tiện ích phục vụ đồ ăn nhanh và đồ dùng thiết yếu ở Nhật Bản cũng lên kế hoạch tăng giá.

Tác động của giá nguyên liệu nhập khẩu, năng lượng tăng vọt, trong khi đồng yen vẫn duy trì ở mức thấp đã khiến cho cơn “bão giá” tại Nhật Bản chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Bước sang tháng Tám, một loạt các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm đã công bố kế hoạch tăng giá mới.

Chuỗi cửa hàng tiện ích FamilyMart công bố kế hoạch tăng giá từ ngày 23/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cụ thể, các sản phẩm làm từ bột mỳ, vốn chịu tác động mạnh từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng ngũ cốc toàn cầu, sẽ tăng giá diện rộng. Ba nhà cung cấp lớn nhất của Nhật Bản là Nisshin Flour Milling Werna, Nippun và Showa Sangyo công bố phạm vi tăng giá từ ngày 1/8 là 2-8%.

Trong khi đó, thực phẩm đông lạnh, vốn được tiêu thụ mạnh trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hiện nay, cũng đồng loạt tăng giá do phải chịu thêm chi phí vận chuyển, bảo quản và một phần là nhập khẩu từ nước ngoài.

Từ ngày 1/8, biên độ tăng giá của các nhà cung cấp như Nippon Suisan là 6-20%, Nichirei Foods là 8-20% và Maruha Nichiro là 5-28%, trong đó nhiều sản phẩm đã tăng giá lần thứ hai tính từ đầu năm đến nay.

Các chuỗi cửa hàng tiện ích phục vụ đồ ăn nhanh và đồ dùng thiết yếu cũng lên kế hoạch tăng giá. Dự kiến chuỗi cửa hàng tiện ích Lawson sẽ tăng giá một số sản phẩm từ ngày 2/8, ví dụ giá một cốc cà phê pha sẵn sẽ tăng 10%, lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Chuỗi cửa hàng tiện ích FamilyMart công bố kế hoạch tăng giá từ ngày 23/8 tới đối với một số sản phẩm quen thuộc đối với người dân Nhật Bản, ví dụ giá một suất gà rán sẽ tăng thêm khoảng 6-8%, lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Mặc dù chưa công bố kế hoạch tăng giá trong tháng Tám nhưng một số nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu khác cho biết nếu tình hình không có cải thiện tích cực, họ sẽ buộc phải tăng giá các sản phẩm của mình vào tháng Chín.

Cụ thể, các sản phẩm làm từ sữa như phomát, bơ…, các sản phẩm đồ uống đóng chai như bia, rượu, trà xanh… sẽ tăng giá để bù đắp sự gia tăng của chi phí sản xuất.

Do ảnh hưởng của “bão giá,” nhiều hộ gia đình Nhật Bản đang chật vật để cân đối các khoản chi tiêu hàng ngày, đồng thời hy vọng vào nỗ lực của chính phủ hối thúc các doanh nghiệp tăng lương cho người lao động.

Dự kiến ngày 1/8, hội nghị thảo luận về mức tăng lương tối thiểu do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản chủ trì sẽ được khởi động trở lại, sau khi chưa đạt được thống nhất giữa đại diện các nghiệp đoàn lao động và lãnh đạo doanh nghiệp tại hội nghị diễn ra vào ngày 25/7 vừa qua.

Hiện mức lương tối thiểu bình quân trên toàn quốc ở Nhật Bản là khoảng 930 yen (7 USD)/giờ. Trong năm tài khóa 2021, mức lương tối thiểu bình quân đã tăng thêm 28 yen, tương đương 3,1%.

Các đại diện nghiệp đoàn đang kêu gọi nâng lương tối thiểu trong bối cảnh người lao động phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cả hàng hóa leo thang, với mức tăng khoảng 30 yen. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng giá nguyên liệu và giá năng lượng tăng mạnh đang ảnh hướng lớn kế hoạch tăng lương của họ.

Tác giả: Phạm Tuân (VietnamPlus)

01/08/2022, 17:59