Thang Duy hiện là nữ diễn viên được nhắc đến nhiều nhất trên màn rộng với sự xuất hiện trong tác phẩm Hàn Quốc đạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại LHP Cannes 2022 – “Decision To Leave”. Thế nhưng, trước khi chạm đến vinh quang một lần nữa như hiện tại, cô từng trải qua chuỗi ngày tăm tối vì bị đóng băng toàn bộ sự nghiệp tại chính quê hương mình.
Thang Duy sinh năm 1979 và được xem là con “nhà nòi” khi có cả bố lẫn mẹ đều làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, theo đuổi sự nghiệp của bố mẹ chưa từng là lựa chọn ưu tiên của cô, khi cô chỉ mong muốn là một luật sư hay nhà khảo cổ học. Với vẻ ngoài xinh xắn và ưa nhìn, Thang Duy cuối cùng cũng quyết định gia nhập ngành giải trí với công việc làm mẫu ảnh khi vừa tròn 18 tuổi. Trong khoảng thời gian này, cô tham gia làm hướng dẫn viên cho đạo diễn Lại Thanh Xuyên và được ông giới thiệu cho những vai diễn nhỏ đầu tiên. Từ đó, Thang Duy chính thức bén duyên với nghề diễn và thế giới được chào đón thêm một nữ diễn viên trẻ đầy tiềm năng.
Sở hữu thần thái, khí chất lôi cuốn cùng gương mặt đậm chất điện ảnh, Thang Duy được gọi là “nữ thần văn nghệ” và xếp vào hàng ngũ của 8 nàng Hoa đán Đại lục, sánh vai với những gương mặt đình đám ở xứ tỷ dân như Châu Tấn, Chương Tử Di, Thư Kỳ,… Thế nhưng, nữ diễn viên phải chật vật một khoảng thời gian dài để khẳng định vị thế của bản thân. Theo đó, suốt khoảng gần 1 thập kỷ đóng phim, cô vẫn chưa thật sự có tác phẩm “để đời” nhằm bứt phá lên một tầm cao mới.
Đến năm 2006, tiểu Hoa đán Đại lục đã tìm được vai diễn thật sự chất lượng để thay đổi sự nghiệp của mình. Theo đó, cô đã đánh bại 100,000 ứng viên và hóa thành cô sinh viên Vương Giai Chi trong bộ phim “Sắc, Giới”. Bộ phim có sự tham gia của tài tử Lương Triều Vỹ được giới phê bình điện ảnh đánh giá cao, chiến thắng nhiều hạng mục ở các giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Với riêng Thang Duy, cô đã được xướng tên ở hạng mục Nữ diễn viên mới xuất sắc nhất tại lễ trao giải Kim Mã năm 2007 và tên tuổi dần được biết đến toàn cầu.
Dù đây chính là vai diễn giúp Thang Duy bước sang một trang mới, sự nghiệp của cô cũng vì thế đã bị đóng băng toàn bộ trước lệnh phong sát vào năm 2008. Cụ thể, vai diễn gắn mác 18+ đầy táo bạo của Thang Duy bị cho là không hợp phù hợp với thuần phong mỹ tục của Trung Quốc và cổ súy cho trào lưu khoả thân của giới trẻ trên phim. Do đó, Cơ quan Quản lý điện ảnh, truyền hình và phát thanh Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm vận với cô trong 2 năm, và bộ phim “Sắc, Giới” cũng bị ngưng phát sóng tại đây. Thời điểm này được xem là khủng hoảng trầm trọng với nữ diễn viên khi bạn trai Điền Vũ cũng dứt bỏ cô. Thang Duy lúc này phải thực hiện các buổi trị liệu tâm lý vì ồ ạt những biến cố liên tục ập đến.
Sau khi bị cấm vận, Thang Duy đã sang nước Anh du học để trau dồi thêm về ngôn ngữ thứ hai. Đồng thời, cô vẫn nuôi dưỡng ước mơ diễn xuất, tham gia một vài bộ phim ở ngoài nước và thậm chí đổi sang quốc tịch Hồng Kông để dễ dàng hoạt động hơn. Vào năm 2009, khi lệnh cấm vận tại Trung Quốc chấm dứt, Thang Duy quyết tâm cống hiến tài năng của mình lần nữa cho nước nhà. Thế nhưng, may mắn vẫn chưa thật sự mỉm cười với cô vì các tác phẩm lẫn nội địa và quốc tế vẫn không đủ ấn tượng để đưa cái tên Thang Duy quay trở lại với ánh hào quang ngày nào.
2 năm sau, mỹ nhân sinh năm 1979 đã khẳng định lại vị thế của bản thân với danh vị thị Hậu tại lễ trao giải Baeksang (Hàn Quốc) cùng bộ phim “Late Autumn” đóng chung với nam diễn viên Hàn đình đám – Hyun Bin. Dù khởi đầu sau mọi biến cố không thể diễn ra ở ngay quê hương, nhưng tại nơi xứ người cô lại được bén duyên cùng người chồng hiện tại của mình – đạo diễn Kim Tae Young của bộ phim “Late Autumn”. Cả hai đã có cuộc hôn nhân vô cùng ấm áp và hạnh phúc, Thang Duy lúc này cũng lui về ở ẩn, tập trung vào vun vén tổ ấm gia đình và chỉ nhận những vai diễn cô thật sự tâm đắc. Do đó, bên cạnh tài năng diễn xuất, cô còn được khen ngợi bởi sự giản dị khi nói “không” với việc thuê trợ lý riêng, “không” dè dặt trong việc ăn uống hay luôn ép mình phải trông thật thời trang, sang chảnh mỗi khi ra đường.
Sau thành công của “Late Autumn”, Thang Duy tiếp tục đảm nhận đa dạng các vai diễn cả trong và ngoài nước, học nhiều thứ tiếng khác nhau từ tiếng thổ âm Thượng Hải, Tô Châu, Quảng Đông,… để nhập vai thật chuẩn xác. Cô còn được biết đến là ngôi sao đầy lăn xả và tận tâm với nghề, khi sẵn sàng nhét bùn vào các kẽ móng tay lúc diễn vai người vợ nông dân trong phim “Dragons” (2011), hay mang chiếc bụng bầu giả được làm từ túi gạo và bóng chì cả ngày trong phim “Finding Mr. Right” (2013). Dù các bộ phim về sau của Thang Duy không tạo được tiếng vang quá lớn, sự nhiệt huyết của cô dành cho mỗi vai diễn đã làm tăng mức độ nhận diện về bản thân ở thị trường quốc tế, và cô được xem là một trong những gương mặt quen thuộc xuất hiện tại thảm đỏ của LHP Cannes.
Vào tháng 7 năm nay, cái tên Thang Duy chính thức “làm mưa làm gió” lần nữa với siêu phẩm tâm lý Hàn Quốc “Decision To Leave”. Theo đó, nữ diễn viên vào vai Seo Rae, một người phụ nữ vừa trở thành góa phụ ngay sau khi mất chồng. Nhận thấy cái chết có nhiều bí ẩn, thám tử Hae Joon (Park Hae Il) đã tiến hành điều tra về Seo Rae. Với vai diễn góa phụ hoàn toàn không hề sử dụng tiếng mẹ đẻ, Thang Duy đã cho thấy sự nỗ lực và cầu toàn của bản thân khi thuê hẳn gia sư dạy kèm tiếng Hàn để có thể hiểu rõ và diễn đạt đúng theo dụng ý của từng câu thoại. Vì vậy, cô liên tục nhận những lời khen bởi cách dẫn dắt cảm xúc người xem và thành công kiểm soát một nhân vật mang tính phức tạp, đa chiều.
Bởi nỗ lực không ngừng nghỉ ngay từ khi chập chững vào nghề, cách đương đầu với biến cố và giữ gìn bản thân trong sạch trước mọi hào quang của sự nổi tiếng, Thang Duy lại một lần nữa được tỏa sáng với đúng thực lực của chính mình. Có thể ở hiện tại, sắc hương bát ngát từ Hoa đán mang tên Thang Duy chỉ đang tỏa ra nơi xứ người, thế nhưng danh vị cao quý của cô tại Trung Quốc Đại lục xứng đáng được gìn giữ. Hy vọng rằng, Thang Duy sẽ lại là nàng Hoa đán được đón nhận tại nơi đã sinh ra cô, tiếp tục tỏa hương vào từng ngóc ngách ở mỗi nơi dừng chân và lưu lại hương thơm không bao giờ nhạt phai trong tâm trí của giới điệu mộ khắp thế giới dành cho các giá trị nghệ thuật.