Gần đây, thời trang dành cho người có vóc dáng đầy đặn được chú trọng nhiều hơn, cũng như các thế hệ người mẫu ngoại cỡ đã có nhiều “đất dụng võ” trong lĩnh vực thời trang hơn.
Trong nhiều năm qua, không ít nhà mốt đã trao cho các người mẫu ngoại cỡ những đặc quyền bình đẳng như các người mẫu có phom dáng chuẩn để xuất hiện trong các show diễn, bộ ảnh thời trang hay thậm chí là chiến dịch quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, cũng có nhiều ngôi nhà thời trang giới thiệu các BST đặc biệt dành riêng cho các đối tượng khách hàng có phom dáng ngoại cỡ.
Thoạt đầu, ngành stoutwear, hay còn gọi là ngành công nghiệp thời trang ngoại cỡ, được đưa vào phân khúc nhỏ trong dòng trang phục Ready-to-wear của nữ giới. Cho đến khoảng năm 1915, các NTK nhận thấy tiềm năng lợi nhuận từ việc sản xuất trang phục thời trang cho những người phụ nữ có phom dáng đầy đặn. Vì thế, ngành stoutwear được ra đời để đáp ứng nhu cầu làm đẹp phong cách của họ. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, các NTK trang phục vẫn chưa đặt nhiều tâm huyết và đầu tư nhiều chất xám vào việc thiết kế quần áo cho họ.
Năm 2010 có thể xem là cột mốc đánh dấu thời trang ngoại cỡ thật sự chiếm giữ xu hướng chủ đạo của nền thời trang đương đại. Khi nữ diễn viên người Mỹ Gabourey Sidibe xuất hiện trên trang bìa của một tạp chí thời trang uy tín. Tất nhiên, việc sử dụng hình ảnh nhân vật có cơ thể mũm mĩm trên một ấn phẩm thời trang sẽ gây ra những cuộc bàn tán trái chiều. Có người ủng hộ sự mới mẻ, có người phản đối vì cho rằng vẫn nên đi theo các giá trị tiêu chuẩn. Thậm chí, cho đến tận ngày nay, thành kiến về phom dáng cơ thể vẫn còn tiếp diễn. Mặc dù có nhiều phong trào ủng hộ quan điểm tích cực về hình thể như “body possibility” diễn ra nhưng có lẽ cần thêm thời gian hoặc hành động quyết liệt hơn để xóa bỏ tàn dư đó.
Trong những năm gần đây, dàn người mẫu ngoại cỡ được các ngôi nhà thời trang lừng lẫy săn đón nhiều hơn. Một vài ví dụ điển hình nhất là sau thành công của show diễn ra mắt BST Xuân Hè 2021 với sự góp mặt của dàn người mẫu ngoại cỡ, nhà mốt Versace tiếp tục “chiêu mộ” Precious Lee trong chiến dịch quảng bá BST của họ. Trước đó, Jill Kortleve cũng là người mẫu ngoại cỡ đầu tiên sải bước trên sàn runway của thương hiệu thời trang xa xỉ Chanel từ năm 2010. Vừa qua, Kortleve cùng Paloma Elsesser trở thành những gương mặt người mẫu ngoại cỡ đầu tiên góp mặt tại show diễn của Fendi hồi tháng 2 vừa qua.
Dần dần, các nhà mốt đã cho giới mộ điệu thấy sự bình đẳng giữa trang phục mang phom dáng tiêu chuẩn và ngoại cỡ một cách rõ ràng nhất. Đặc biệt là show Savage x Fenty của Rihanna, nơi hội tụ các người mẫu và nghệ sĩ thuộc mọi phom dáng khác nhau, đã cho thấy tầm nhìn của ngành thời trang đã thay đổi rất nhiều so với giai đoạn đầu thế kỷ 20. Hơn hết, nhiều thương hiệu xa xỉ đã minh chứng cho việc trang phục không chỉ dành cho người mẫu sàn diễn mang số đo tiêu chuẩn mà là dành cho mọi kích cỡ khác nhau. Trong đó, Dolce & Gabbana là nhà mốt cao cấp đầu tiên giới thiệu các thiết kế Ready-to-wear với kích cỡ US 16 – US 18 từ năm 2019.
Hậu quả của đại dịch khiến nền công nghiệp thời trang trì trệ, doanh số bán hàng giảm mạnh. Điều này đặt ra dấu hỏi lớn cho rằng tại sao các nhà mốt không nghiêm túc đầu tư nhiều hơn vào khoản thiết kế trang phục dành riêng cho người có phom dáng dầy đặn, hoặc ít nhất mở rộng nhiều số đo phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Hơn hết, đây sẽ là cơ hội giúp các thương hiệu chinh phục thành công mọi đối tượng khách hàng, đặc biệt là thế hệ Z, thế hệ rất quan tâm đến các phong trào xã hội.